Bà Chu Hồng Minh, phó bí thư thường trực Thành đoàn Hà Nội, thông tin về lễ tuyên dương 88 thủ khoa xuất sắc năm 2020 - Ảnh: XUÂN LONG
Chiều 1-9, Sở Nội vụ, Thành đoàn Hà Nội thông tin về chương trình tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội năm 2020.
Bà Chu Hồng Minh, phó bí thư thường trực Thành đoàn Hà Nội, cho biết năm 2020 là năm thứ 18 Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tổ chức lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội.
Mọi năm, chương trình vinh danh thủ khoa xuất sắc thường kéo dài 2 ngày, bên cạnh hoạt động tuyên dương sẽ có các chương trình giao lưu đi thực tế, về nguồn.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tuyên dương thủ khoa xuất sắc năm nay chỉ diễn ra trong buổi sáng 7-9.
Ông Nguyễn Đình Hoa, phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, giải thích về tỉ lệ chỉ 10% thủ khoa xuất sắc về làm việc cho các cơ quan của thành phố Hà Nội - Ảnh: XUÂN LONG
Trả lời câu hỏi sau 18 năm tuyên dương thủ khoa xuất sắc, bao nhiêu người về làm việc ở các cơ quan của thành phố, ông Nguyễn Đình Hoa, phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cho biết tính cả năm 2020 Hà Nội đã tuyên dương 1.879 thủ khoa xuất sắc, chỉ 10% trong số này (186 người) về làm việc cho các cơ quan của Hà Nội.
Theo ông Hoa, từ năm 2013, HĐND thành phố Hà Nội đã có nghị quyết về việc khuyến khích, trọng dụng nhân tài, trong đó có các thủ khoa xuất sắc.
Việc tuyển dụng được ưu tiên chỉ qua một cuộc sát hạch. Nếu được tuyển dụng, thủ khoa xuất sắc được hỗ trợ một lần bằng 20 tháng lương tối thiểu, sau 2 năm làm việc sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí làm khóa luận, nhưng cũng phải cam kết làm việc cho thành phố 7 năm nếu hưởng mức hỗ trợ.
Lý giải về việc chỉ 10% thủ khoa làm việc ở Hà Nội, ông Hoa cho rằng có nhiều nguyên nhân.
Thủ khoa thuộc các trường công an, quân đội, sau tốt nghiệp thường được điều động công tác trong ngành.
Ngoài ra, nhiều thủ khoa sau tốt nghiệp đã có dự định học cao hơn, đi du học nước ngoài. Tiếp nữa là mức hỗ trợ và ưu đãi, mức lương đối với các thủ khoa khi được tuyển dụng vào công chức, viên chức vẫn hưởng theo ngạch bậc, quy định hiện hành, không có chế độ nào hơn nên cũng khó thu hút thủ khoa.
Còn bà Chu Hồng Minh chia sẻ bản thân bà là thủ khoa xuất sắc, nhưng với các thủ khoa, khi ra trường thường có nhiều sự lựa chọn. Ngay trong 88 thủ khoa sẽ tuyên dương năm 2020, chỉ có 33 người bày tỏ muốn về công tác tại các cơ quan của nhà nước. Còn lại, 21 người đã có kế hoạch học tiếp thạc sĩ trong và ngoài nước, 17 người đã có học bổng đi học tiếp ở nước ngoài, một số làm việc cho các tập đoàn, doanh nghiệp...
Bà Minh cũng chia sẻ ở góc độ sinh viên mới ra trường, khó khăn đầu tiên chính là thu nhập. Bà Minh bộc bạch trước khi về công tác ở Thành đoàn cũng đứng trước hai lựa chọn về thu nhập 2,5 triệu và 10 triệu nếu làm ở ngoài, đây là lựa chọn của mỗi người.
Tuy nhiên, từ góc độ các cơ quan tham mưu, lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội cho biết đang phối hợp rà soát các quy định của pháp luật về tuyển dụng, nghị quyết về khuyến khích, trọng dụng nhân tài để có đề xuất điều chỉnh.
"Hiện nay Chính phủ đã có nghị định quy định về tuyển dụng thủ khoa xuất sắc, nhà khoa học trẻ, tuy nhiên chưa có thông tư hướng dẫn. Chúng tôi đang chờ bộ Nội vụ có hướng dẫn, sau đó sẽ có đề xuất với UBND thành phố, sẽ theo hướng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút được thủ khoa xuất sắc vào làm việc được các cơ quan của thành phố và những lĩnh vực thành phố đang cần", ông Hoa nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận