Học sinh và phụ huynh đến nhận phiếu điểm THPT quốc gia và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời tại Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM chiều 30-7 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Đợt xét tuyển đầu tiên này sẽ kéo dài đến ngày 20-8.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới của Bộ GD-ĐT vừa gửi đến các trường, sau khi kết thúc thời gian nộp hồ sơ của mỗi đợt xét tuyển, các trường cần tiếp tục dành một số ngày để nhận hồ sơ gửi đến theo đường bưu điện (có ngày nộp phù hợp với lịch tuyển sinh), sau đó cập nhật danh sách thí sinh đăng ký vào trường lên phần mềm quản lý tuyển sinh để nhận toàn bộ dữ liệu của các thí sinh này dùng cho xét tuyển.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - cho biết theo quy định, mỗi phiếu đăng ký xét tuyển của thí sinh cho phép thí sinh đăng ký tối đa 4 ngành của trường, xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 - 4. Ở mỗi nguyện vọng thí sinh phải chỉ ra tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng lưu ý thí sinh không nhất thiết phải đăng ký đủ cả bốn nguyện vọng trong phiếu đăng ký xét tuyển. Những nguyện vọng không đăng ký, thí sinh phải gạch chéo để khẳng định.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh gồm: bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh, phiếu đăng ký xét tuyển của thí sinh, một phong bì có dán tem và ghi rõ địa chỉ của thí sinh. Khi thí sinh đăng ký vào trường nhiều hơn một nguyện vọng, các nguyện vọng của thí sinh đều được xét tuyển một cách bình đẳng.
Theo Bộ GD-ĐT, thí sinh cần theo dõi thông tin cập nhật danh sách các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường theo từng ngành, và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp, theo chu kỳ chậm nhất ba ngày/lần. Một số trường cho biết thậm chí có thể sẽ đăng tải danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển cập nhật mỗi ngày/lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận