Những dịp tết hoặc Ngày nhà giáo VN 20-11 là học trò lại đem khoai, ngô đến tặng cô. Cô trò cùng luộc khoai, nướng ngô rồi ngồi ăn rất vui vẻ, gần gũi.
Ngày đó lương giáo viên bèo bọt, lại đang phải lo thuốc thang cho bố mẹ chồng và con gái nhỏ nên người tôi gầy rạc đi. Một hôm, Nguyệt - lớp phó học tập - gửi tôi một gói bọc bằng nilông rất cẩn thận gồm những tờ một trăm đồng, hai trăm đồng, mệnh giá lớn nhất là năm trăm đồng, tổng cộng được 17.000 đồng.
Cô bé nói với tôi thế này: “Con vận động cả lớp gom tiền ủng hộ cô để cô mua thuốc cho em bé ạ. Dạo này con thấy cô hơi yếu, chắc cô không ăn được nhiều phải không cô? Chúng con thương cô lắm”. Nhìn những đồng tiền nhàu nát, cũ kỹ được các trò vuốt phẳng phiu, phân loại mệnh giá kẹp bằng sợi dây chuối khô khiến tôi xúc động không nói nên lời.
Tôi nói với cả lớp: “Cô rất cảm ơn tình cảm của các con. Nhưng gia đình các con còn thiếu thốn, các con giữ lấy mà mua giấy bút”. Nhưng cả lớp nhất định không chịu. Có em nói: “Con đi câu lươn bán lấy tiền tặng cô, nếu cô chê là không thương con rồi”. Một em giơ tay đứng lên: “Con đổi ống bơ nhưng không ăn kem như trước vì con biết cô đang cần tiền lắm”. Em khác tiếp lời: “Con cũng đi mót khoai, mót lúa về bán mới có năm trăm đồng tặng cô đấy ạ. Cô phải nhận thì con mới vui”.
Trước tình cảm của học trò, tôi đã không thể chối từ, để rồi 17.000 đồng ấy với tôi không chỉ là một khoản tiền mà là tình cảm thiêng liêng, minh chứng cho tình thầy trò tôi rất mực trân trọng. 17.000 đồng ấy khiến tôi nhớ mãi mà đến giờ, mỗi khi nghĩ lại tình cảm học trò ngày nào, tôi không khỏi xúc động.
20-11-1996 là một ngày nhà giáo tôi không thể nào quên. Năm đó là năm cuối cùng tôi còn dạy tại trường trước khi chuyển công tác lên một trường trên thành phố.
Buổi chia tay lớp, các trò mang quà quê đến tặng như mấy củ khoai, tấm thiệp các em tự làm, có em còn mang cả thanh chè lam đến tặng cô.
Món quà cuối cùng là của cô học trò lớp phó học tập. Không gói ghém cẩn thận như những trò khác, cô bé hai tay cầm lọ cao con hổ tặng cô: “Con thấy cô rất hay khó thở và bị ho nên con tặng cô lọ cao con hổ này để cô xoa ạ”. Cô khóc, các trò cũng khóc, những giọt nước mắt xúc động, hạnh phúc.
Tôi tự hào với nghề cầm phấn, dù cho cũng có khi gặp những học trò khó bảo, nghịch ngợm, nhưng tôi chưa bao giờ thất vọng, chưa bao giờ buông xuôi.
Có thể tôi chẳng thể tìm lại được cái thời 17.000 đồng lẻ mà học trò gom góp nhịn ăn kem, đi mót ống bơ hay mót lúa, mót khoai bán để tặng cô.
Có thể chẳng bao giờ tôi còn nhận được món quà chính là sự quan tâm của học trò như lọ cao con hổ nữa.
Cũng có khi tôi không còn bao giờ được nghe học trò nói “chúng con thương cô lắm”... Nhưng tôi vẫn tự hào với nghề - nghề giáo!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận