11/05/2011 17:10 GMT+7

170 HS trung cấp nghề nhận học bổng Nhất nghệ tinh

TRUNG CƯỜNG - TẤN THÁI
TRUNG CƯỜNG - TẤN THÁI

TTO - Chiều 11-5, lễ trao học bổng Nhất nghệ tinh cho 170 học sinh trung cấp nghề, chuyên nghiệp của 13 tỉnh thành ĐBSCL do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, báo Tuổi Trẻ và 13 tỉnh thành đoàn khu vực ĐBSCL tổ chức diễn ra tại tỉnh Kiên Giang.

HcF7CySB.jpgPhóng to
Ông Lê Thế Chữ, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (bên phải), trao học bổng “Nhất nghệ tinh” cho các học sinh - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Phát biểu tại lễ trao học bổng, ông Lê Thế Chữ, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết 170 bạn được nhận học bổng đều là những bạn trẻ quyết chọn cho mình một nghề nghiệp để làm hành trang vào đời. Mỗi bạn đều có một hoàn cảnh, là một tấm gương vượt khó, là một câu chuyện đầy cảm động...

Ông Chữ nhấn mạnh suất học bổng không chỉ vật chất mà còn là sự gửi gắm của các công ty, đơn vị, của các thầy cô, của xã hội đối với các em.

Tổng kinh phí chương trình trên 720 triệu đồng (4.000.000 đồng/học bổng và quà tặng) trích từ Giải golf “Gây quỹ tiếp sức đến trường” (do Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền và báo Tuổi Trẻ tổ chức). Đây cũng là học bổng thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần 284 của báo Tuổi Trẻ.

“Vùng đồng bằng sông Cửu Long này, đất nước này sẽ có thêm những người thợ giỏi, những bàn tay vàng và các em hãy tin điều ông cha ta đã nói: nhất nghệ tinh, nhất thân vinh… Chúng ta có một niềm tin mạnh mẽ rằng xã hội luôn sẵn lòng, luôn chung tay góp sức tạo điều kiện cho các bạn trẻ học nghề. Bởi chính các bạn là nguồn nhân lực rất cần và rất quý cho sự phát triển của xã hội”, ông Chữ nói.

Tại buổi lễ, ông Phan Văn Mãi, bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cũng cho rằng 170 gương mặt về nhận học bổng là những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên cố gắng tìm nghề phù hợp, dù mỗi em có hoàn cảnh khó khăn khác nhau nhưng tất cả đã toát lên nghị lực phi phường và bằng nghị lực của chính các em.

Ông Mãi cũng nhắn nhủ ĐBSCL rất giàu tiềm năng nhưng đây vẫn là vùng đất còn rất nhiều khó khăn, giáo dục vẫn ở mức thấp. Vì thế muốn khai thác hiệu quả chúng ta cần có trình độ, có nghề. Vì vậy học tập tốt sẽ trang bị cho mình lành nghề, sẽ giúp chúng ta khai thác bền vững đồng bằng.

"Là thanh niên ở đồng bằng phải lấy đó làm sự trăn trở và phấn đấu để vùng này phát triển. Có nhiều con đường vào đời, đại học không phải là con đường duy nhất, chúng ta cũng có thể chọn nghề và có thể vào đời thành công” - ông Mãi chia sẻ.

TRUNG CƯỜNG - TẤN THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên