Mỗi lần có mưa là Nguyễn Minh Sâm (thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) lo chằng chéo để nhà khỏi dột - Ảnh: TRẦN MAI
"Hôm nay con rất mệt mẹ à, nhưng con không biết nói với ai cả. Chắc mẹ ở trên trời vẫn dõi theo con đúng không mẹ. Con nhớ mẹ rất nhiều, con sẽ cố gắng có những điểm 10 để mẹ luôn tự hào về con".
Những dòng chữ trong cuốn sổ nhỏ mà chàng trai Nguyễn Minh Sâm (thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) luôn mang theo bên mình như một sợi dây kết nối với người mẹ đã khuất. Trong hành trình đơn độc của đời mình, Sâm vẫn mạnh mẽ tiến về phía trước.
Mẹ sẽ vui lắm!
Hôm chúng tôi ghé thăm, Sâm đã biết mình đạt 26 điểm, cầm chắc suất vào đại học. Mùa Vu lan đến, trong lúc mọi người tất bật với những nghĩa cử báo hiếu cho cha mẹ, Sâm ngồi trên chiếc giường đối diện bàn thờ của mẹ, cậu gói ghém sách vở vào những thùng giấy, chuẩn bị cho hành trình mới ở TP.HCM dự báo đầy chông gai sắp đến - những ngày ở giảng đường.
Cậu thắp lên bàn thờ mẹ một nén hương. Trước di ảnh mẹ, lời khấn của Sâm không phát thành lời, nhưng cậu đứng đó rất lâu. Đã bao năm tháng qua, mỗi lần đạt được thành tích gì trong học tập, Sâm lại đứng lặng rất lâu trước di ảnh mẹ như vậy. "Mẹ là người thân duy nhất của em, em làm gì cũng nghĩ đến mẹ. Em nghĩ mẹ sẽ nghe được lời khấn của em. Chắc mẹ sẽ vui lắm!", Sâm nói.
Cơn mưa chiều nặng hạt, căn nhà tình thương nằm trên miếng đất UBND xã Tịnh Hà cấp yếu ớt trước thiên nhiên. Sâm vội che chắn vài lỗ hổng chống dột, nhưng rồi gió đến khiến mái tôn kêu đùng đùng. Đợt áp thấp hơn hai năm trước đã lột đi một tấm tôn và cậu chỉ vá lại tạm bợ bằng một tấm tôn cũ, nên mỗi lần mưa gió là mỗi lần Sâm vá víu lại tổ ấm của mình.
"Lúc trước có một lần mưa gió làm tung cửa chính, cửa sổ, em ngồi ôm di ảnh mẹ khóc. Khi đó em sợ lắm, nhìn đâu cũng thấy tối om, em thức tới sáng luôn. Đó là lần duy nhất thôi, còn giờ em không sợ nữa. Có mấy lần đang ngồi học ở trường thấy mưa lớn là em hiểu về phải dọn nhà. Em quen rồi, em nghĩ số phận đã chọn em trong tình cảnh này và em phải sống chung với sự sắp xếp của ông trời", Sâm trải lòng.
Ba mùa Vu lan Sâm không còn mẹ. Cậu đang gói ghém tổ ấm, chuẩn bị hành trình mới - Ảnh: TRẦN MAI
Ráng học
Mẹ và ba Sâm gặp nhau trong một mối tình rổ rá, cậu ra đời thì người cha bỏ đi. Cũng từ lúc Sâm ra đời, mẹ cậu đổ bệnh.
Sáu năm trước, chúng tôi đến nhà Sâm dịp cận tết, lúc đó nhà chẳng có ai. Mẹ Sâm đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, còn cậu đi bán bao lì xì để có tiền trang trải viện phí và lo tết. Chiều 30 tết năm đó, trong cơn mưa lất phất ngày cuối năm, Sâm chở mẹ trên chiếc xe đạp về nhà.
Nếu không có vài cân thịt của chúng tôi và những phần bánh kẹo thơm thảo ai đó hỗ trợ để ở trước hiên, cái tết ấy của hai mẹ con chẳng khác gì ngày thường. Với mẹ con Sâm lúc đó, chỉ cần cái ăn mỗi ngày không thiếu là hạnh phúc rồi.
Suốt một quãng thời gian từ khi mẹ Sâm còn sống đến lúc mất, chúng tôi đã nhìn thấy một Sâm đầy bản lĩnh. Ngoài giờ học, Sâm tranh thủ làm việc kiếm thêm: trước tết Sâm đi bán bao lì xì, trong tết Sâm đi phụ bán cà phê.
Khi mọi người du xuân là lúc Sâm tính toán qua tết sẽ có một khoản kha khá cho sinh hoạt. Sâm là người tự trọng, cậu không chờ đợi sự giúp đỡ mà luôn muốn tự lo lấy.
Có lần thấy Sâm đi chợ mà trong túi chỉ còn vài đồng bạc lẻ, các tiểu thương cho hàng nhưng Sâm không nhận. Cậu vẫn trả tiền và nín nhịn bữa ăn chỉ có rau, mắm. Mọi người càng thương Sâm vì điều đó.
Chị hàng xóm Đỗ Thị Kim Thi kể mấy ngày trước kỳ thi, Sâm xỉu tại nhà ba lần vì suy nhược, và chị phải đưa đi viện, sau đó chị bảo Sâm sang nhà ăn cơm cùng. "Nó gầy nhom, có 38kg thôi, vậy mà vẫn ráng học. Tôi tin không gì cản được nó vào đại học đâu. Sâm sẽ làm được điều nó hứa với mẹ là lấy được tấm bằng đại học", chị Thi nói.
Mục tiêu ấp ủ
Với thành tích 12 năm học sinh giỏi, Sâm đã được tuyển thẳng vào Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Nhưng với số điểm 26, Sâm sẽ nộp đơn ứng tuyển vào ngành thương mại điện tử Trường đại học Kinh tế - luật thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Sâm đang sắp xếp lại căn nhà ẩm thấp, chuẩn bị một hành trình mới của đời mình. Cậu từng thấp thỏm lo học phí vào trường, nhưng khi nghe có học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ thì nỗi lo đã vơi đi phần nào.
"Em chỉ cần tiền đóng học phí vào trường thôi. Sau đó em sẽ tìm cách lo cho những năm sau. Ba năm mẹ mất là khoảng trống lớn đã qua, thì bốn năm đại học cũng sẽ mau thôi. Sau này em sẽ kiếm thật nhiều tiền, xây mộ cho mẹ, làm lại nhà và bàn thờ cho mẹ vui", Sâm bộc bạch mục tiêu mình ấp ủ.
Cô Trần Thị Ngọc Ánh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C3, bảo con đường đến trường của Sâm là hành trình của "con chữ mệt nhoài". Sâm phải chống chọi với quá nhiều cản ngại vô hình, mọi chuyện cứ ập đến và Sâm lại gồng mình đối diện.
Cô Ánh nói: "Tôi thương Sâm như con. Với tôi, Sâm là học trò đặc biệt nhất trong suốt đời dạy của mình. Tôi cứ khóc mãi mỗi lần nghĩ đến cảnh Sâm cô độc, nhưng tôi tin Sâm sẽ vượt qua mọi trở lực trên chặng đường phía trước".
Giấc ngủ cuối của mẹ
Sâm thắp hương báo cho mẹ biết mình thi được 26 điểm - Ảnh: TRẦN MAI
Sâm đã bước qua ba mùa mưa không có mẹ bên cạnh. Khi còn mẹ, Sâm rất sợ sấm sét, mỗi lần vậy mẹ sẽ che chở cho Sâm bằng những lời vỗ về. Nhưng từ khi mẹ mất, Sâm vượt qua nỗi sợ ấy bằng sự bình tâm. Đơn độc đã khiến Sâm mạnh mẽ hơn.
"Mẹ sẽ ở mãi bên con", dòng chữ Sâm ghi trên chiếc bàn gỗ trong một lần cậu trấn an mình trước bóng tối và sấm chớp. Ba năm, dòng chữ đã nhòe màu mực.
Nhưng thời gian không xóa đi ký ức ngày cậu thành đứa trẻ mồ côi. Đó là buổi chiều, năm Sâm học lớp 9, cậu đi học về, ghé chợ mua thức ăn. Nấu nướng xong, Sâm bón cho mẹ ăn, giúp mẹ tắm rửa và uống thuốc trị ung thư. Hôm đó Sâm gác chân mẹ lên đùi mình rồi xoa bóp để mẹ đỡ cơn đau. Mẹ Sâm nhắm mắt, khiến cậu nghĩ rằng mẹ đỡ đau và đã ngủ. Đứa con hiếu thảo cố xoa bóp để giấc ngủ mẹ được yên. Sâm đâu hay mẹ đã ngủ giấc sau cùng của đời mình trên tay con.
1.000 suất học bổng Tiếp sức đến trường năm 2020
Đồ họa: TẤN ĐẠT
"Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ!"
Bằng thông điệp này cùng với sự đồng lòng, chung sức của bạn đọc báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm, 17 năm qua chương trình Tiếp sức đến trường đã giúp hàng vạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thực hiện ước mơ, khát vọng đến với giảng đường đại học.
Năm học 2020 - 2021, chương trình dự kiến dành khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên trúng tuyển đại học, cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt. Đăng ký hồ sơ phỏng vấn trực tuyến tại http://tsdt2020.tuoitre.vn trước ngày 15-10-2020.
Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: [email protected] hoặc điện thoại: 0283.997.3838.
Bạn đọc có thể đồng hành với báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn điểm tựa ban đầu để vững tin trong học tập.
Kinh phí ủng hộ có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.
Hoặc chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM, hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận