10/01/2020 16:29 GMT+7

164.500 học sinh không chịu tới lớp, Nhật Bản 'đau đầu'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Trong tiếng Nhật có hẳn một từ để chỉ trường hợp một đứa trẻ không chịu đến trường là 'futoko'. Số học sinh không chịu tới lớp ngày càng tăng khiến ngành giáo dục Nhật 'đau đầu'.

164.500 học sinh không chịu tới lớp, Nhật Bản đau đầu - Ảnh 1.

Các em học sinh lớp 1 tại Trường tiểu học Takinogawa ở Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Business Insider

Tuy nhiên khi số futoko ngày càng tăng, giới chuyên gia giáo dục nhận ra nguyên nhân vấn đề không chỉ nằm ở bản thân trẻ, mà còn ở chính những thực tế chưa ổn trong hệ thống giáo dục.

"Futoko" theo định nghĩa của Bộ Giáo dục Nhật Bản chỉ những đứa trẻ không đến trường trong hơn 30 ngày vì những lý do không phải sức khỏe hay tài chính.

Trên thực tế, các quan điểm về futoko đã thay đổi theo thời gian tại Nhật. Cho tới năm 1992, việc chối bỏ trường học còn được gọi là "tokokyohi" mang nghĩa phản kháng, được xem như một kiểu bệnh tâm thần. 

Nhưng tới năm 1997, thuật ngữ này đã được thay đổi sang sắc thái trung lập hơn là "futoko" với nghĩa "không tới lớp".

Trường học tự do

Phong trào trường học tự do (free school) bắt đầu xuất hiện tại Nhật vào những năm 1980 nhằm đáp ứng tình trạng số futoko gia tăng. Đây là mô hình trường học độc lập hoạt động trên các nguyên tắc tự do và tôn trọng cá tính cá nhân. Tại đó, trẻ được tự quyết về cách sử dụng thời gian ở trường.

Những ngôi trường này cũng không bắt học sinh phải mặc đồng phục và tự chọn các hoạt động tham gia theo kế hoạch giáo dục đã được thống nhất giữa gia đình, nhà trường và học sinh. Trẻ được khuyến khích theo đuổi những kỹ năng sở trường và sở thích cá nhân.

Tại Nhật, mô hình trường học tự do và giáo dục tại nhà được chấp nhận như những lựa chọn thay thế cho việc tới trường học chính thống. Trẻ vẫn được cung cấp đủ các kiến thức cần thiết, song sẽ không được cấp bằng chứng nhận. Số học sinh theo học tại các trường tự do này ở Nhật đã tăng vọt theo các năm, từ 7.424 em năm 1992 lên 20.346 em năm 2017.

Cậu bé Yuta Ito (10 tuổi) là một trong các futoko. Em đã phải chờ mãi tới kỳ nghỉ tuần lễ vàng thường niên mùa xuân năm ngoái mới dám thú nhận với bố mẹ việc không muốn tới trường nữa.

Trong suốt nhiều tháng, Yuta Ito đã phải miễn cưỡng tới trường vì liên tục bị bắt nạt và cũng thường xuyên ẩu đả với đám bạn cùng lớp. Hiện ở trường học tự do, Yuta được tự do làm mọi thứ em muốn ở trường và cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều.

Vì sao ngày càng nhiều futoko?

Theo kết quả thăm dò của Bộ Giáo dục Nhật, hoàn cảnh gia đình, các vấn đề trong giao thiệp cá nhân với bạn bè và bị bắt nạt là những nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ ở Nhật không muốn tới trường.

Nhìn chung, những em bỏ học cho biết đã không thể hòa hợp cùng các bạn, và đôi khi cả với các giáo viên. Đây là tình huống của cô bé Tomoe Morihashi, 12 tuổi. "Em không cảm thấy thoải mái với nhiều người - em nói - Cuộc sống ở trường thật đau khổ".

Cô bé bị chứng câm chọn lọc ("selective mutism", một dạng khiến người bệnh, thường là trẻ em, nói rất ít hoặc không nói trong một số hoàn cảnh cá biệt). Bệnh này khiến cô bé luôn á khẩu mỗi khi ra ngoài. 

"Em không thể nói mỗi khi ở ngoài nhà mình và không ở bên gia đình", cô bé chia sẻ với Đài BBC (Anh). Chưa kể, cô bé cũng thấy thật khó khăn khi phải tuân thủ những quy định chặt chẽ của trường ví như không được mặc quần màu mè, không được nhuộm tóc, màu dây buộc tóc cũng phải được quy định và không được đeo dây buộc tóc trên cổ tay...

Rất nhiều trường học ở Nhật quản lý cả vẻ diện mạo bên ngoài của học sinh, buộc chúng phải nhuộm tóc màu đen, không cho mặc quần tất kể cả khi trời lạnh. Thậm chí có những trường cực đoan hơn còn quy định cả màu của đồ lót!

Những quy định khắt khe của trường học được áp dụng vào những năm 1970 và 1980 để ứng phó với tình trạng bạo lực và bắt nạt. Mặc dù đã được nới bớt vào những năm 1990 nhưng gần đây đã nghiêm ngặt trở lại.

Tất cả những quy định ngặt nghèo này bị xóa sổ tại các ngôi trường tự do. Bầu không khí tại "free school" được ví như một gia đình lớn. Các em gặp nhau trong những không gian chung để nói chuyện và chơi với nhau.

"Mục đích của trường này là để phát triển các kỹ năng xã hội" - ông Takashi Yoshikawa, hiệu trưởng của một ngôi trường như vậy, nói. 

Yoshikawa mở ngôi trường tự do đầu tiên năm 2010 trong một tòa nhà 3 tầng ở khu dân cư Fuchu thuộc vùng đô thị Tokyo. Ông Yoshikawa cho rằng các vấn đề về giao tiếp chính là nguyên nhân khiến hầu hết các em từ chối đến trường.

Tuy nhiên, theo giáo sư Ryo Uchida - chuyên gia giáo dục tại ĐH Nagoya, một phần thách thức với các em còn là tình trạng quá tải của các lớp học. 

"Trong những lớp học với khoảng 40 em ở cạnh nhau suốt cả một năm, nhiều thứ có thể xảy ra" - ông nói. Uchida cho rằng một lớp học quá đông cũng là vấn đề thực sự đáng kể với một số em, nhất là khi các em phải làm mọi việc cùng nhau trong một không gian nhỏ hẹp.

164.528

Ngày 17-10 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản công bố tình trạng không đi học trong nhóm học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Nhật đạt mức kỷ lục với 164.528 học sinh không tới lớp từ 30 ngày trở lên trong năm 2018, cao hơn 144.031 em năm 2017.

41% teen Nhật cho chương trình giáo dục giới tính trong trường 41% teen Nhật cho chương trình giáo dục giới tính trong trường 'vô dụng'

TTO - Theo nghiên cứu khảo sát của Quỹ Nippon, gần 41% thanh thiếu niên Nhật trong độ tuổi 17-19 cho rằng chương trình giáo dục giới tính trong trường học là vô dụng.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên