09/05/2017 09:25 GMT+7

16 triệu cử tri Pháp không chọn ai cả

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Hơn 1/4 số cử tri đã không bỏ phiếu chọn ông Macron hay bà Le Pen ở vòng hai. Lần đầu tiên tỉ lệ cử tri vắng mặt ở vòng hai cao hơn vòng một.

Ngày 8-5, Tổng thống François Hollande (thứ hai từ phải sang) cùng Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron (thứ hai từ trái sang) dự lễ kỷ niệm phát xít Đức đầu hàng tại Khải hoàn môn ở Paris - Ảnh: AFP
Ngày 8-5, Tổng thống François Hollande (thứ hai từ phải sang) cùng Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron (thứ hai từ trái sang) dự lễ kỷ niệm phát xít Đức đầu hàng tại Khải hoàn môn ở Paris - Ảnh: AFP

Bộ Nội vụ Pháp đã thông báo kết quả chung cuộc bầu cử tổng thống vòng hai tổ chức ngày 7-5.

Theo thông báo, ứng cử viên Emmanuel Macron đắc cử với 66,1% phiếu bầu (20.753.798 phiếu), nữ ứng cử viên Marine Le Pen được 33,9% phiếu bầu (10.644.118 phiếu).

Tỉ lệ đắc cử dưới 50% là bình thường

Nếu so với 47.568.588 cử tri có tên trong danh sách, như vậy chỉ có 43,63% cử tri Pháp bầu cho ông Macron.   

Báo Libération nhận xét trên thực tế, tỉ lệ đắc cử tổng thống ở đệ ngũ Cộng hòa dưới mức 50% là chuyện bình thường.

Từ năm 1965 đến nay, chỉ có ông Jacques Chirac vượt qua ngưỡng tỉ lệ đắc cử trên 50% ở vòng hai vào năm 2002 (62%).

Còn lại từ năm 1965 đến nay, tỉ lệ đắc cử đều dưới 50% như với ông François Hollande năm 2012 (39,08%), Nicolas Sarkozy năm 2007 (42,68%), Jacques Chirac năm 1995 (39,43%), François Mitterrand năm 1988 (43,75%), François Mitterrand năm 1981 (43,16%), Valéry Giscard d'Estaing năm 1974 (43,77%), Georges Pompidou năm 1969 (39,49%) và Charles De Gaulle năm 1965 (45,26%).

Về phần bà Marine Le Pen, dù đã thua với tỉ lệ 33,9% nhưng đây là tỉ lệ cao nhất một ứng cử viên của đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) thu được từ trước đến nay. Lần đầu tiên tỉ lệ bầu cho ứng cử viên đảng này vượt ngưỡng 10 triệu phiếu.

Nếu so với vòng một được 7,66 triệu phiếu, bà Le Pen đã đạt mức kỷ lục với thêm 3 triệu phiếu nữa ở vòng hai.

Nước Pháp gồm tổng cộng 13 vùng lãnh thổ chính quốc. Ông Macron chiến thắng trọn vẹn tại 13/13 vùng trong khi bà Le Pen thua trắng tay. Trên phạm vi các tỉnh, ông Macron dẫn đầu ở 99/101 tỉnh trong khi bà Le Pen chỉ thắng ở tỉnh Pas-de-Calais và tỉnh Aisne.

25,44% cử tri không đi bầu

Ở cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ngày 7-5, Bộ Nội vụ Pháp ghi nhận có 25,44% cử tri trong danh sách đã không đi bầu (12.101.416 cử tri).

Đây là lần thứ hai có số cử tri vắng mặt cao kỷ lục ở vòng hai bầu cử tổng thống. Lần trước xảy ra vào năm bầu cử 1969 với tỉ lệ không đi bầu lên đến 31,15% (phe cánh tả tẩy chay trong cuộc đối đầu giữa ứng cử viên cánh hữu Pompidou với đối thủ trung hữu Poher).

Đây cũng là lần đầu tiên tỉ lệ cử tri vắng mặt ở vòng hai cao hơn vòng một (21,31%).

Như thông lệ, cử tri không đi bầu đặc biệt tăng cao ở hải ngoại và đảo Corse. Ở hải ngoại, kỷ lục không đi bầu đối với xã trên 1.000 dân là Papaichton (Guyane thuộc Pháp) với 84,66% cử tri không đi bầu.

Ở chính quốc, ba thành phố lập kỷ lục trên 40% không đi bầu gồm Vaulx-en-Velin (43,16%), Behren-lès-Forbach (41,6%) và Gaillard (40,56%).

Một kỷ lục khác là tỉ lệ cử tri bỏ phiếu trắng (8, 51%, tương đương 3.019.735 phiếu) và cử tri bỏ phiếu không hợp lệ (2,96%, tương đương 1.049.522 phiếu).

Nếu gộp số cử tri vắng mặt, bỏ phiếu trắng và bỏ phiếu không hợp lệ, có đến hơn 16,1 triệu cử tri không thể hiện quan điểm chọn ông Macron hay bà Le Pen, chiếm khoảng 1/3 tổng số cử tri đăng ký.     

Sau tranh luận, ông Macron có thêm 7 điểm

Trước nay, các cuộc tranh luận truyền hình thường không thay đổi tương quan lực lượng giữa hai ứng cử viên ở vòng hai, trừ cuộc tranh luận năm 1974 đã giúp Valéry Giscard d’Estaing chiến thắng sát sao François Mitterrand.

Năm nay thì khác. Theo ghi nhận của báo Le Monde, cuộc tranh luận truyền hình tối 3-5 đã tác động đến kết quả chung cuộc, giúp ông Macron vươn lên hạ gục bà Le Pen.

Tỉ lệ cử tri dự tính bầu cho ông Macron tăng thêm 2,5 điểm sau tranh luận. Nếu tính từ lúc tranh luận đến khi bầu cử, chỉ trong bốn ngày ông Macron đã thu thêm 7 điểm ủng hộ.

Theo điều tra của hãng thăm dò Ipsos đối với 4.838 cử tri, 43% cử tri bầu cho ông Macron để bày tỏ thái độ phản đối bà Le Pen. 57% còn lại bỏ phiếu vì ủng hộ quan điểm đổi mới của ông Macron (33%), ủng hộ chương trình hành động của ông (16%) và thích tính cách của ông (8%).

Như vậy phần lớn cử tri bầu ông Macron chỉ để cản bước tiến của đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc và bà Le Pen.

Sắc lệnh phải được Quốc hội thông qua

Ngày 14-5, Tổng thống François Hollande sẽ chính thức chuyển giao quyền lực cho ông Macron. Sau đó tân tổng thống sẽ chỉ định thủ tướng và nội các. Theo quy trình, nếu muốn ban hành sắc lệnh, chính phủ phải trình sắc lệnh để Quốc hội thông qua. 

Từ ngày 15-5 đến 18h ngày 19-5, các ứng cử viên Quốc hội sẽ đăng ký ứng cử. Ngày 22-5 bắt đầu chiến dịch tranh cử Quốc hội.

Bầu cử Quốc hội được tổ chức hai vòng gồm vòng một ngày 11-6 và vòng hai ngày 18-6. Đến ngày 19-6, Quốc hội khóa 14 kết thúc nhiệm kỳ. 

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên