24/03/2019 09:30 GMT+7

16 năm sau phát hiện chính quyền làm sổ đỏ nhầm thửa đất hàng xóm

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Hai miếng đất không sát nhau do hai gia đình canh tác, cả hai bên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), yên tâm cất vào tủ.

16 năm sau phát hiện chính quyền làm sổ đỏ nhầm thửa đất hàng xóm - Ảnh 1.

Bà Chịa bên thửa đất bị cấp nhầm sổ đỏ - Ảnh: H.Đ.

Sự việc bắt đầu rắc rối khi một bên đã mang đất đi bán, còn một bên đến 16 năm sau mới tá hỏa phát hiện khi biết của mình thuộc sơ đồ thửa đất bên kia khi mang sổ đi đổi.

16 năm sau mới phát hiện nhầm lẫn

Bà Huỳnh Thị Chịa (70 tuổi), ngụ ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi (TP.HCM), hiện đang sử dụng 2.533m2 đất tọa lạc tại xã Hòa Phú. Đất này đã được cấp sổ đỏ số R797564 từ năm 2001. 

Sau khi nhận sổ đỏ bà Chịa cất kỹ vào tủ, cũng không xem xét, so sánh gì về sơ đồ miếng đất trong sổ với đường ranh thực tế của thửa đất bên ngoài. 

"Cho đến 16 năm sau, tức năm 2017, mẹ tôi lấy sổ ra để mang đi yêu cầu đổi, cấp sổ mới. Sau khi xem xét, đo đạc thì cán bộ địa chính thông báo thửa đất mà gia đình tôi canh tác bấy lâu nay đã được cấp sổ cho một người khác. Còn sổ nhà tôi được cấp trên sơ đồ thửa đất của người đó" - anh Nguyễn Văn Phụng, con trai bà Chịa, người được bà Chịa ủy quyền lo mọi thứ giấy tờ liên quan đến mảnh đất, chia sẻ.

Sau đó, nhà bà Chịa đã sang tìm gặp phía gia đình người được cấp lộn sổ là bà Nguyễn Thị Tư (trú tại ấp 5, xã Hòa Phú). Khổ nỗi, thửa đất này đã được bà Tư bán cho ông Trần Quang Nhung (hiện đang sinh sống tại quận 1). 

Quá trình mua bán, đăng bộ đối với thửa đất này, cơ quan chức năng cũng không phát hiện việc cấp lộn giữa giấy chứng nhận và đất thực tế. 

Bà Chịa liền mang giấy lên xã yêu cầu giải quyết, tuy nhiên việc cấp lại sổ đỏ thuộc thẩm quyền của huyện. Do đó, nhà bà Chịa mang sổ lên huyện yêu cầu đổi sổ.

Sau đó, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Củ Chi đã thực hiện việc kiểm tra thực địa khu đất của bà Huỳnh Thị Chịa và ông Trần Quang Nhung. 

Tại biên bản thực địa này ghi nhận: Hiện tại có con đường 5m dài 35m đi qua đất của ông Nhung (khu đất cấp sai vị trí với bà Huỳnh Thị Chịa - PV). Bà Huỳnh Thị Chịa mong muốn cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng vị trí khu đất mà gia đình bà đang sử dụng. 

Bà Chịa cũng đồng ý đo đạc lại khu đất theo hiện trạng cột mốc ranh, việc tăng hay giảm diện tích bà Chịa không khiếu nại.

Trong khi đó, người đại diện của ông Nhung là bà Đỗ Hồng L. mong muốn giữ nguyên cột mốc ranh theo hiện trạng, con đường dân sinh phát sinh trên đất thì các hộ dân phải thỏa thuận. Đồng thời, bà L. đồng ý hủy sổ đỏ đã cấp lộn cho bà giữa thực địa và trên giấy.

Hủy để cấp lại hay khởi kiện ra tòa?

Đến tháng 5-2018, UBND xã Hòa Phú đã có tờ trình gửi UBND huyện Củ Chi ghi rõ UBND xã Hòa Phú có nhận được hồ sơ xin cấp đổi sổ đỏ của bà Chịa. 

Qua kiểm tra sổ đỏ cấp cho bà Huỳnh Thị Chịa với diện tích 2.533m2 với mục đích sử dụng là đất trồng lúa thuộc tờ bản đồ số 8. 

Thực địa tại khu đất bà Chịa đang canh tác không đúng với vị trí do cấp sổ đỏ sai vị trí khu đất. 

Nay bà Chịa có nhu cầu đổi sổ đỏ theo đúng hiện trạng sử dụng với diện tích 1.321m2 thuộc thửa số 9, 10 tờ bản đồ số 4.

Tuy nhiên, sau đó tháng 11-2018 UBND xã Hòa Phú lại thực hiện việc hòa giải theo hướng dẫn của văn bản 1905 của UBND huyện Củ Chi. 

Theo một cán bộ địa chính xã Hòa Phú thì văn bản này hướng dẫn: đối với việc cấp sai sổ đỏ thì cần phải tổ chức hòa giải cho hai bên. Khi hai bên đồng thuận thì mới cấp lại sổ mới.

Thế nhưng, cũng theo cán bộ địa chính xã, phía bà Chịa mong muốn được sửa đổi sổ đỏ nhưng người đại diện cho chủ mới của lô đất kia không đồng ý vì thửa đất đó đang có tranh chấp với người khác. 

Việc hòa giải không thành nên UBND xã chuyển hồ sơ để đương sự khởi kiện ra tòa án.

Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng UBND huyện có thẩm quyền cấp lại sổ đỏ. Bởi vì việc thực địa cũng như tại các biên bản làm việc, tờ trình của UBND xã Hòa Phú cho thấy có sự nhầm lẫn trong việc cấp sổ đỏ cho bà Chịa và ông Nhung. Do đó, thẩm quyền thu hồi các sổ đỏ bị cấp nhầm rồi cấp lại cho người dân chính là UBND huyện Củ Chi theo điều 106 Luật đất đai 2013.

Ngoài giải pháp trên, bà Huỳnh Thị Chịa có thể khởi kiện UBND huyện Củ Chi ra TAND TP.HCM yêu cầu hủy bỏ và cấp đổi sổ đỏ theo đúng thực địa. Tuy nhiên theo luật sư Đức, việc bà Huỳnh Thị Chịa khởi kiện tại TAND TP.HCM sẽ rất nhiêu khê, tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho bà Chịa và các bên liên quan (kể cả UBND huyện Củ Chi và TAND TP.HCM). Bởi từ việc khởi kiện ra tòa cho đến khi xét xử, án có hiệu lực thi hành là quãng thời gian rất dài, có thể 2 năm, cũng có thể không biết bao nhiêu năm. Do đó, UBND huyện Củ Chi cần phải xử lý theo phương án thứ nhất để tránh phiền hà, khó khăn cho người dân.

Theo điểm d, khoản 2 điều 106 Luật đất đai 2013 quy định: giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.
HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên