30/11/2015 20:31 GMT+7

150 nhà lãnh đạo đến Paris dự Hội nghị biến đổi khí hậu

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Ngày 30-11, các nhà lãnh đạo quốc tế khai mạc Hội nghị biến đổi khí hậu (COP21) ở thủ đô Pháp với thông điệp “Hi vọng của loài người” phụ thuộc vào một thỏa thuận giảm khí thải nhà kính toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo quốc tế dự hội nghị biến đổi khí hậu - Ảnh: Reuters

Theo AFP, hơn 150 nhà lãnh đạo quốc tế đã có mặt tại trung tâm hội nghị ở khu Le Bourget, ngoại ô phía bắc Paris dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của lực lượng an ninh Pháp. Đây là cuộc gặp lớn nhất trong lịch sử của nguyên thủ và lãnh đạo các nước, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc.

“Chưa bao giờ một cuộc họp quốc tế có tầm quan trọng đến như vậy. Bởi nó quyết định tương lai của Trái đất, tương lai của sự sống - Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố tại lễ khai mạc COP21 - Hi vọng của loài người đè nặng lên đôi vai của tất cả chúng ta”.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tỏ ra lạc quan với khả năng hội nghị sẽ đạt được thỏa thuận giảm khí thải nhà kính toàn cầu. “Sự thành công nằm trong tầm với”  - ông Fabius nhấn mạnh. Các nhà lãnh đạo bắt đầu hội nghị với một phút mặc niệm các nạn nhân vụ khủng bố Paris ngày 13-11.

Trước đó, các nhà khoa học cảnh báo nếu cộng đồng quốc tế không sớm hành động để giảm khí thải, thế giới sẽ hứng chịu những trận bão khủng khiếp, các đợt hạn hán khô cháy, nước biển dâng cao đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người.

Có mặt tại Paris, Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề COP21. Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia xả khí thải nhà kính lớn nhất thế giới. “Là hai nước xả khí thải lớn nhất, chúng tôi xác định chúng tôi phải có trách nhiệm hành động” - ông Obama tuyên bố.

TạI Paris, các nước đang phát triển nhắc lại yêu cầu các nước giàu phải chịu trách nhiệm chính trong việc giảm khí thải nhà kính vì đã đốt nhiên liệu hóa thạch từ thời kỳ cách mạng công nghiệp. “Các nước đang phát triển cần được phép tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch. Cuộc sống của thiểu số không thể cướp đi cơ hội của nhiều nước vẫn đang ở nấc đầu tiên trong chiếc thang phát triển” - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết trên báo Financial Times.

Nhưng Mỹ và các nước phát triển đòi hỏi Trung Quốc, Ấn Độ và các nước xả khí thải lớn khác phải tham gia hành động, bởi các nước này đang đốt một lượng than lớn trên con đường phát triển kinh tế. Và các nước đang phát triển đang phải hứng chịu hậu quả trực tiếp. Điển hình là hôm nay miền bắc Trung Quốc chìm ngập trong khói bụi.

Theo AFP, khói bụi bao phủ bầu trời hàng loạt thành phố ở miền bắc Trung Quốc ngay sau thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bay đến Paris dự hội nghị biến đổi khí hậu. Theo Đại sứ quán Mỹ, chỉ số ô nhiễm không khí PM2.5 ở thủ đô Bắc Kinh leo lên mức 560 mg/m3, cao gấp 22 lần mức độ an toàn 25 mg/m3 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra.

Nhà chức trách địa phương cũng xác nhận tại một số thành phố thuộc tỉnh Hà Bắc, chỉ số PM2.5 cũng tăng cao hơn ngưỡng 500 mg/m3. Hôm qua, chính quyền Bắc Kinh đã phải ra cảnh báo ô nhiễm da cam, kêu gọi người dân ở trong nhà và ra lệnh đóng cửa một số nhà máy công nghiệp.

Để gây sức ép buộc các nhà lãnh đạo quốc tế hành động quyết liệt, hơn 500.000 người dân thế giới đã tham gia các cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu. Khẩu hiệu chung của các cuộc biểu tình là “Không có hành tinh thứ hai cho chúng ta” và "Con cháu chúng ta cần có tương lai”.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên