Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết những năm qua, dù đã có nhiều biện pháp tích cực được áp dụng trong cuộc chiến phòng, chống bệnh lao, song cũng như trước đây, hiện nay, trung bình mỗi năm căn bệnh nguy hiểm này vẫn cướp đi sinh mạng của gần 1,5 triệu người trên toàn thế giới, thuộc mọi châu lục, vùng miền.
Những năm gần đây, nhờ những tiến bộ của y học, trên thế giới đã có ít nhất 37 triệu người được chữa khỏi bệnh lao, song điều đó không có nghĩa là loại bệnh này đã được khống chế, vì riêng năm 2013, trên thế giới đã có thêm 9 triệu bệnh nhân mắc lao mới.
Điều đáng nói hơn là 85% số bệnh nhân lao mới này đều tập trung ở 18 quốc gia, chủ yếu là các nước từng thuộc Liên bang Xô Viết trước đây và vùng Đông Âu.
WHO kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ của tất cả mọi người trong cộng đồng, giúp tất cả những người có triệu chứng mắc bệnh lao đều được nhanh chóng chẩn đoán và chữa trị kịp thời, coi đó là sự công bằng xã hội cần có ở tất cả mọi nơi.
Thực tế cho thấy nếu các bệnh nhân lao không được phát hiện và chữa trị kịp thời, sẽ khiến cho căn bệnh này lây lan rất nhanh tại nơi các bệnh nhân này sinh sống.
WHO đánh giá cao việc thời gian gần đây, giới y học thế giới đã áp dụng thành công nhiều biện pháp phòng chống bệnh lao, đặc biệt là các loại thuốc đặc trị chữa bệnh lao và có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động những người mắc bệnh tự nguyện khám, chữa bệnh, nhờ vậy đã có rất nhiều người được chữa khỏi.
Trong chiến lược mới nhằm chống lại bệnh lao, WHO đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm được 90% số bệnh nhân lao trên phạm vi toàn cầu, và giảm 95% số ca lao bị tử vong.
Để thực hiện được mục tiêu này, WHO kêu gọi các quốc gia và các cộng đồng dân cư tích cực đầu tư, mở rộng mạng lưới y tế tới mọi vùng miền, và tăng cường công tác tuyên truyền, giúp mọi người hiểu được tính chất nguy hiểm của bệnh lao, chủ động khám, chữa bệnh thật sớm để đạt hiệu quả cao nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận