The Diary of a age Girl
Đúng như tựa phim, The Diary of a Teenage Girl là chuỗi sự kiện diễn ra suốt quá trình khám phá bản thân của cô gái Minnie, người có năng khiếu vẽ tranh.
Bên cạnh sở thích rất hồn nhiên ấy, Minnie lại khao khát được một lần... đánh mất trinh tiết bởi cô bé quá tò mò về tính dục. Đặc biệt hơn cả, Monroe - bạn trai đỏm dáng của mẹ Minnie - lại chính là điểm mấu chốt khiến cô bé 15 tuổi "đòi" nổi loạn.
Mối quan hệ kỳ lạ trong phim - Ảnh: Sony Pictures Classics
Với kịch bản nhạy cảm, mang tính thời sự, nữ đạo diễn Marielle Heller đã chọn cách thể hiện tình cảm, mang nhiều tính nữ.
Để tránh gây tranh cãi vì những cảnh khỏa thân và làm tình nóng bỏng, Heller chọn Bel Powley, khi đó đã 23 tuổi, vào vai Minnie vị thành niên.
The Diary of a Teenage Girl Official Trailer
Nếu bỏ qua yếu tố "đủ tuổi", rõ ràng nhiều tình tiết trong The Diary of a Teenage Girl xứng đáng là bài học nhớ đời cho các bậc làm cha mẹ, khi chính họ còn không lo nổi cho bản thân thì càng không có sức răn đe với con cái, đặc biệt là những đứa trẻ đang ở độ tuổi biến động.
The Diary of a Teenage Girl thuộc dòng phim độc lập, cả kinh phí và doanh thu đều khiêm tốn, nhưng ngược lại tạo tiền đề khá tốt cho Marielle Heller lần đầu bước vào kinh đô điện ảnh.
Easy A
Nếu Mean Girls trở thành cult classic của giới trẻ những năm 2000 thì chắc chắn Easy A sẽ có vị trí tương tự. Ra mắt vào năm 2010, cuốn phim hài học đường ngay lập tức gây sốt phòng vé vì đánh trúng tâm lý nổi loạn tuổi trẻ.
Diễn viên Emma Stone nổi lên nhờ vai diễn Olive trong phim - Ảnh: Screen Gems
Nội dung phim xoay quanh Olive Penderghast - nữ sinh trung học thân thiện. Để giúp cậu bạn, Olive đã nói dối với mọi người rằng cô đi nghỉ cuối tuần với chàng trai ấy. Làm ơn mắc oán, ngay sau đó Olive bị đồn thổi là "lẳng lơ", "dễ dãi"...
Không dừng lại ở đó, chỉ vì lòng tốt không được biết ơn mà lại gây hiểu nhầm, Olive tiếp tục bị gán ghép cho các biệt danh chẳng hay ho khi đồng ý giúp thêm một anh bạn khờ khạo khác...
Poster phim
Không "nặng đô" như xêri phim 13 Reason Why, nhưng Easy A có thể xem như là cảm hứng cho hai mùa phim ăn khách kia.
Bộ phim ẵm một loạt giải thưởng quan trọng, trong đó có đề cử Quả cầu vàng cho Emma Stone - người vào vai Olive.
Eighth Grade
Đây được xem như là đại diện mới nhất (2018) cho dòng phim tuổi teen tạo được dấu ấn riêng, phác họa sinh động về thế hệ Z (bội nhiễm Internet) ở Mỹ.
Không khó nhìn ra thành công của Eighth Grade bởi phim được dàn dựng bởi Youtuber nổi tiếng Bo Burnham - người rất nhạy cảm với những vấn đề phức tạp của tuổi vị thành niên.
Eighth Grade | Official Trailer
Không mang gánh nặng phải đi sâu vào các nhân vật cá biệt, cô bé vai chính trong phim Kayla Day chỉ giống như nhiều đứa trẻ nhạy cảm khác: ham mê chỉnh sửa hình ảnh trên mạng; tìm cách gây chú ý với bạn nam sinh điển trai...
Sống với ông bố đơn thân, luôn mang trong mình những dòng suy nghĩ khác với các bạn đồng trang lứa, Kayla thu mình trên mạng xã hội, nơi cô bé dễ dàng giãi bày tâm sự...
Mặc dù bị dán nhãn R hạn chế độ tuổi dưới 15 nhưng Eighth Grade vẫn dễ dàng chinh phục số đông khán giả trưởng thành, vẫn thu về gấp nhiều lần kinh phí. Phim được giới chuyên môn đánh giá rất cao và giành hầu hết giải thưởng điện ảnh của nước Mỹ suốt năm 2018.
Lady Bird
Không xa lạ gì với giới yêu điện ảnh, Lady Bird từng là ứng cử viên sáng giá cho Oscar 2018. Phim do nữ đạo diễn kiêm biên kịch Greta Gerwig thực hiện, được nhiều bình chọn là 1 trong 10 phim hay nhất năm.
Lady Bird nhận được 5 đề cử Oscar - Ảnh: A24
Với sự phức tạp của vai diễn, Gerwig quyết định giao vai 17 tuổi cho nữ diễn viên 23 tuổi có ngoại hình rất trẻ Saoirse Ronan đảm nhận.
Lựa chọn này không chỉ mang lại cảm xúc rất thật cho phim mà còn giúp Lady Bird mang nội tâm sâu sắc, đồng thời đoạt vô số giải thưởng.
LADYBIRD| TRAILER
Ở tuổi 17, cô bé Christine McPherson hay còn tự gọi là Lady Bird bắt đầu bị cuộc sống khốn khó của gia đình gây ảnh hưởng. Cô vào học tại một trường trung học Công giáo với điều kiện ngặt nghèo để giảm bớt chi phí.
Tại đây, Lady Bird có những người bạn giúp cô trưởng thành sau những vấp váp và sự nổi loạn dễ hiểu của tuổi trẻ...
The Perks of Being a Wallflower
Mẫn cảm và tinh tế, The Perks of Being a Wallflower có thể "chạm đáy nỗi đau" của những ai một thời thanh xuân khép mình, âm thầm và cô độc trong thế giới dường như tất cả đều quay lưng lại.
Nghe có vẻ bi quan, song The Perks of Being a Wallflower lại quá đẹp và quá tình cảm để người xem dễ dàng bị cuốn vào lúc nào không hay. Tất nhiên, sự cá biệt của phim không phải "độc đạo" bởi những con người như Charlie, Sam hay Patrick đều có ở quanh đây, đặc biệt là môi trường học đường.
Cảnh trong phim - Ảnh: Summit
Hay ho nhất cho êkip làm phim chính là việc họ chọn lựa một quá khứ không có Internet, không có Facebook, không có YouTube... không có bất cứ thứ gì "làm bạn" cho những kẻ Wallflower - tiếng lóng nhằm ám chỉ những gương mặt nhút nhát, sống khép kín.
Ở nơi cô đơn chắc chắn là cô đơn, Charlie - “tân binh” mới toanh - may mắn làm quen được với hai người bạn - anh em Sam và Patrick. Thỏi nam châm cảm xúc hút cả ba cũng rất dễ hiểu: Charlie quá rụt rè, trong khi Sam và Patrick lại quá nổi loạn.
Cảnh trong phim - Ảnh: Summit
Họ tìm thấy ở nhau những điều thú vị, tất nhiên trải nghiệm của Charlie cũng dần thay đổi theo thế giới quan của Sam và Patrick. Cậu lần đầu tiên biết rung động, biết hưởng thụ thời học sinh sắp sửa tan biến...
The Perks of Being a Wallflower gây xúc động bởi sự chân thành và thấu hiểu, nơi mỗi nhân vật đều mang đến cảm giác gần gũi như một phần của tuổi trẻ, đặc biệt là thế hệ giao thoa giữa thời đại trước và sau khi có mạng xã hội.
The Perks of Being a Wallflower Official Trailer
Tiểu thuyết gia Stephen Chbosky đã thành công mỹ mãn khi chuyển thể chính cuốn sách cùng tên của mình (năm 1999) lên màn ảnh.
Girlhood
Nếu để tìm một đại diện khác biệt trong danh sách này, Girlhood chắc chắn là số một. Phim được dàn dựng bởi Céline Sciamma - nữ đạo diễn vừa giành được giải kịch bản tại Liên hoan phim Cannes 2019.
Cảnh trong phim - Ảnh: Canal+
Cũng vì là thế hệ đạo diễn trẻ, thuộc LGBTQ+ mà Sciamma rất nhạy bén trong việc khai thác các nhân vật nữ. Với Girlhood là những cô gái thanh thiếu niên người Pháp gốc Phi trên hành trình tìm kiếm chủng tộc, giới tính, tầng lớp xã hội... trong cuộc sống ở một vùng ngoại ô Paris.
Đề cao nữ quyền nhưng cũng đề cao sự tự do dù có thể gây tranh luận, Girlhood là góc nhìn mang tính cảm thông, phá cách của Céline Sciamma dành cho những cô gái có hoàn cảnh đặc biệt như Marieme và đám bạn mình.
Love, Simon
Không kèn không trống bởi đối thủ truyền thông quá mạnh là Call Me by Your Name ra mắt cùng năm nhưng Love, Simon vẫn có chỗ đứng riêng, đặc biệt với những ai ưa thích bối cảnh cùng các nhân vật "chưa đủ tuổi" đã phải đau khổ.
Diễn viên Nick Robinson trong vai Simon - Ảnh: 20th Century Fox
Chọn một tình huống trớ trêu, phim xoay quanh chàng Simon đang cố giấu bản ngã giới tính nhưng lại bị phanh phui bởi mạng xã hội. Vì sao ở ngay thời hiện đại Simon lại chọn cách "từ từ công khai"?
Có một gia đình hạnh phúc, những người bạn vui tươi... dường như khiến Simon lo sợ rằng việc cậu công bố quen bạn trai sẽ làm mọi thứ sụp đổ. Thật ra Simon chỉ là đang chọn thời điểm thích hợp, cậu muốn công khai khi có thể làm chủ cuộc sống của mình.
Love, Simon | Official Trailer
Tất nhiên bộ phim không làm khó Simon lẫn khán giả khi mở ra một chương mới tươi sáng và cảm động cho thế hệ trẻ. Họ có quyền được yêu và được sống đúng với giới tính của họ gần như là thông điệp ngầm mà êkip làm phim hướng đến.
The Myth of The American Sleepover
Nếu hầu hết các phim trong danh sách đều chọn bối cảnh học đường thì đạo diễn độc lập David Robert Mitchell với tác phẩm đầu tay lại chọn cách kinh điển: về vùng ngoại ô.
Điểm này khiến bộ phim được so sánh với hai tác phẩm nổi tiếng dành cho tuổi teen là American Graffiti và Dazed and Confused.
Poster phim
"Tôi muốn trở lại thời trai trẻ của mỗi người chúng ta, khi chúng ta cảm nhận sự việc thật sôi nổi và nồng nhiệt" - Mitchell nói về đứa con tinh thần đầu đời mà anh dành rất nhiều ký ức cá nhân đem vào.
Không có bóng dáng người lớn, thế giới của The Myth of The American Sleepover là vùng ngoại ô Detroit, nơi 4 đứa trẻ tự do khám phá lẫn nhau, bỏ quên đô thị bên ngoài.
The Spectacular Now
Đặt giữa hai thái cực: cái tôi mãnh liệt luôn khao khát trở thành kẻ tài ba, hoặc cái tôi chán nản luôn nghĩ rằng mình bất tài vô dụng.
The Spectacular Now là thời kỳ mà người trẻ luôn bơ vơ, lạc lõng giữa những ngã rẽ và luôn bị ám ảnh bởi việc ra quyết định lẫn sợ hãi trước tương lai.
Shailene Woodley và Miles Teller rất đẹp đôi trên phim - Ảnh: A24
Không muốn rập khuôn theo khuôn phép của cha mẹ, thầy cô, xã hội..., chàng trai Sutter có một thế giới riêng của chính cậu, nhưng tất cả bỗng dưng thay đổi khi cô bé nhút nhát Aimee xuất hiện. Aimee hoàn toàn khác với Sutter: cô bé rụt rè, đơn giản, chỉ biết học và nghe lời mẹ.
Cùng tác giả kịch bản với 500 Days of Summer nổi tiếng năm nào, nhưng The Spectacular Now đơn giản hơn bởi những câu chuyện được kể dễ hiểu, các nhân vật cũng không phức tạp quá hay nặng nề quá.
The Perks of Being a Wallflower Official Trailer
Sự lãng mạn của The Spectacular Now chính là điểm cộng để bộ phim được yêu thích. Nhà phê bình phim Roger Ebert lúc sinh thời đã dành trọn tình cảm cho tác phẩm này: "Một bộ phim chân thành hiếm hoi, tuyệt đẹp về người trẻ. Nó không cố làm tổn thương, nhồi nhét tình dục, bạo loạn... để tăng cao trào hay phục vụ mục đích gây chú ý...".
Palo Alto
Thêm một tác phẩm đầu tay do nữ đạo diễn thực hiện, lần này là của Gia Coppola - tên tuổi đại gia đình làm nghệ thuật Coppola bao gồm Francis Ford Coppola, Sofia Coppola...
Cảnh trong phim - Ảnh: Tribeca Film
Cũng như các bậc tiền bối của mình, Gia Coppola chọn đề tài tương đối gai góc cho lần "chào sân điện ảnh".
Cô chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn của tài tử James Franco và mời anh vào một vai quan trọng Mr. B - vị huấn luyện viên đội bóng thầm yêu một nữ sinh có tên April.
Love, Simon | Official Trailer
Trong khi April đại diện cho hình mẫu nữ sinh ngoan hiền, phát triển tâm lý bình thường... thì chính môi trường xung quanh lại biến cô trở thành nạn nhân của tình dục, bạo lực và các mối quan hệ không rõ ràng.
Các phim còn lại trong danh sách bao gồm: Booksmart, Dope, The Edge of Seventeen, The To Do List, To All the Boys I've Loved Before.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận