Các quan chức Hong Kong biểu tình trong im lặng trước Tòa án tối cao phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh ngày 8-11 - ảnh: Reuters |
Theo báo South China Morning Post, cảnh báo này xuất hiện hai ngày sau khi chính quyền Trung Quốc can thiệp vào vụ tranh cãi về nghi thức tuyên thệ của các nhà lập pháp Hong Kong - động thái gây ra cả hai luồng ý kiến phản đối và ủng hộ.
Hôm đầu tuần này, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc đưa ra một văn bản diễn giải điều 104 Bộ luật cơ bản Hong Kong, theo đó các nhà lập pháp phải “thành tâm” khi tuyên thệ, nếu không sẽ ngay lập tức bị tước đi tư cách.
Theo cách đánh giá mới này, có đến 15 nhà lập pháp Hong Kong nằm trong "danh sách đen" của Bắc Kinh tuy chưa bị nêu tên công khai. Trả lời truyền thông, một số nhà lập pháp trong nhóm này khẳng định họ không làm gì sai và đã tuyên thệ “một cách long trọng và thật lòng”.
Bà Carrie Lam Cheng Yuet Ngor, Tổng thư ký phụ trách hành chính - nội vụ chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong, từ chối cung cấp thông tin liệu họ có mở các cuộc điều tra đối với các nhà lập pháp bị Bắc Kinh “điểm danh” hay không. Bà Carrie Lam chỉ nói ngắn gọn: “Chính quyền đang xem xét tác động của văn bản hướng dẫn luật mới đối với các nhà lập pháp khác”.
Chính trường Hong Kong lâm vào khủng hoảng hồi tháng trước sau khi 2 nhà lập pháp trúng cử là cô Yau Wai-ching (25 tuổi) và anh Sixtus Baggio Leung Chung-han (30 tuổi) trong lần tuyên thệ hôm 12-10 đã thêm vào những từ ngữ bị xem là xúc phạm Trung Quốc.
Ông Lương Chấn Anh, Đặc khu trưởng Hong Kong, đã yêu cầu tòa án tước bỏ tư cách nghị sĩ của hai nhân vật ủng hộ dân chủ này với lý do họ vi phạm Bộ luật cơ bản. Tòa án tối cao Hong Kong chưa đưa ra phán quyết.
Tại một hội thảo vừa diễn ra ở thành phố Thâm Quyến, ông Chen Zuoer, cựu phó lãnh đạo Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau (Trung Quốc), chỉ trích bộ máy tư pháp Hong Kong là “không đạt được sự kỳ vọng của người dân” trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, tạo điều kiện cho “tội ác chống Bắc Kinh” diễn ra mà không phải trả cái giá nào. Ông này dẫn chứng một số sự kiện trong 2-3 năm qua trong đó có vụ chiếm đóng doanh trại quân đội Trung Quốc, phong trào chiếm đóng trung tâm Hong Kong, vụ nổi dậy Mong Kok…
“Với chỉ thị của Chính phủ trung ương, hiện đã có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các hành động tuyên thệ không phù hợp. Tất cả người dân Trung Quốc và Hong Kong đang theo dõi và ủng hộ bộ máy tư pháp Hong Kong thực thi công lý để vãn hồi trật tự cho Hội đồng lập pháp” - ông Chen nhấn mạnh, ám chỉ quyết tâm “không khoan nhượng” của Bắc Kinh đối với các thành phần đối lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận