Mô hình Chủ nhật xanh đã mở rộng nhiều nội dung công việc và trở thành hoạt động chung của tuổi trẻ cả nước, góp phần cải thiện các điểm ô nhiễm, bảo vệ môi trường - Ảnh: Q.NG. |
Giải thưởng suốt 15 năm qua tạo được những dấu ấn, sản phẩm cụ thể trong phong trào, hoạt động của tổ chức Đoàn các cấp. Chính những chất liệu phong phú, thiết thực ấy góp phần điều chỉnh, bổ sung, đổi mới kịp thời phương thức chỉ đạo hoạt động, tổ chức phong trào của Thành đoàn cũng như các cấp bộ Đoàn TP |
Anh NGUYỄN VIỆT QUẾ SƠN (phó bí thư Thành đoàn TP.HCM) |
Không ít những mô hình, chương trình, công trình sau khi được trao thưởng đã không ngừng tự làm mới mình, được nhiều đơn vị học tập kinh nghiệm và nhân rộng cho hoạt động Đoàn, phong trào của tuổi trẻ cả nước.
Đi cùng năm tháng
Được trao thưởng từ năm 2004, mô hình Chủ nhật xanh (Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM) đến nay đã bước qua tuổi 24. Ngày khởi động Tháng thanh niên 2017 đầu tháng 3 vừa qua đánh dấu bằng Chủ nhật xanh lần thứ 120.
Chị Bùi Thị Kim Chi - cán bộ Thành đoàn, người đã có mặt từ Chủ nhật xanh đầu tiên đến nay - nhớ lại những ngày đầu chỉ là các bạn trẻ giúp dọn vệ sinh đường phố.
Rồi Chủ nhật xanh vươn cánh tay rất dài với nhiều công việc: tổng vệ sinh các tuyến kênh rạch, trồng cây xanh, làm đường giao thông nông thôn, thăm các cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật ở những cơ sở nuôi dưỡng.
Bây giờ cách làm này đã không còn là “đặc sản” riêng của giới trẻ TP.HCM mà thành “tài sản” chung của tuổi trẻ VN. Ở đó, người ta gặp màu áo thanh niên dù với từng phần việc nhỏ thôi nhưng mang đến đổi thay tích cực cho cộng đồng, nhất là từng ngày vun trồng ý thức sống xanh trong chính mỗi bạn trẻ và cộng đồng quanh mình.
Cũng vậy, nhiều đoàn học sinh hôm nay tìm đến các bảo tàng ở TP nhưng chắc không nhiều người biết đến tác giả mô hình này. Năm 2002, anh Dương Thành Truyền - khi ấy là phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (hiện là chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản Trẻ) - đã được Thành đoàn trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn, ghi nhận anh là tác giả cuộc vận động “Hành trình đến với bảo tàng”.
Như một cách giúp học sinh, các bạn trẻ tìm hiểu nhiều điều, trong đó có lịch sử một cách sống động, trực quan và dễ nhớ, hành trình ấy hiện vẫn còn khá hấp dẫn với nhiều đơn vị.
Bạn Minh An (Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) chia sẻ bạn vốn không thích học sử nhưng khi đến bảo tàng, bài học lịch sử qua lời thuyết minh của các nhân viên giúp bạn thấy dễ nhớ hơn.
“Vui nhất là khi nghe thuyết minh về một sự kiện nào đó mình đã học trên lớp sẽ dễ hiểu, dễ nhớ hơn nên các tiết học lịch sử trên lớp đã không còn quá khô khan, mất thời gian với mình nữa” - An bộc bạch.
Làm mới chính mình
Có không ít mô hình sau khi được trao thưởng theo thời gian đã thay đổi, tự làm mới để phù hợp với thực tiễn phong trào. Như mô hình giải thưởng khoa học sinh viên Euréka (Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ) được nhận giải thưởng năm 2004 đã mở rộng quy mô tổ chức.
Hiện giải thưởng này được đổi tên thành “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka” mà nhiều năm trước đây chỉ là sân chơi dành cho sinh viên TP.HCM, thì năm 2015 đã mở rộng cho sinh viên các trường khu vực phía Nam. Và lần tổ chức gần nhất năm 2016, sân chơi này đã mở rộng cho sinh viên cả nước tham dự.
Hay phong trào “Sinh viên 3 tốt” của Hội Sinh viên VN TP.HCM từng nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2005 hiện phát triển thành “Sinh viên 5 tốt”.
Đúc kết cách làm của TP.HCM, T.Ư Hội Sinh viên VN đã điều chỉnh để từ năm 2013 đến nay, phong trào này đổi thành “Sinh viên 5 tốt”, chính thức được chọn làm phong trào duy nhất để sinh viên VN rèn luyện trong hoạt động hội và phong trào sinh viên hiện nay.
Chia sẻ về danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” của TP.HCM, Danh Đặng Bảo Anh (cựu sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) nói hành trình đạt đến danh hiệu khá gian nan nhưng đầy tự hào.
Theo Bảo Anh, để đạt đủ năm tiêu chí là cả sự nỗ lực toàn diện của mỗi sinh viên, trong môi trường được Đoàn, Hội giúp sức nhiều. Để khi cầm trên tay biểu trưng của giải thưởng này, mỗi bạn đều cảm nhận rõ hơn sự trưởng thành của chính mình.
Còn có thể nhắc đến mô hình phiên tòa tập sự của Đoàn Trường ĐH Luật TP.HCM được trao thưởng năm 2002. Cách làm này đến nay được xem như một trong các phương thức tuyên truyền pháp luật sinh động, dễ nhớ, được nhân rộng cả nước và đổi tên gọi là phiên tòa giả định.
Cùng với hình thức phiên tòa, cách tuyên truyền pháp luật còn mở rộng thành những buổi tư vấn, diễn đàn, kịch tình huống lồng ghép đưa kiến thức pháp luật cơ bản đến với người trẻ.
Đó còn là cẩm nang rèn luyện đoàn viên của anh Lê Nhựt Tân (nguyên phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) nhận giải thưởng năm 2004 mà nay là chương trình rèn luyện đoàn viên trong toàn hệ thống Đoàn cả nước.
Mới hơn có mô hình “Cùng em vững bước” để giáo dục, phổ biến pháp luật và kỹ năng thực hành xã hội cho đội viên, học sinh của Hội đồng Đội TP.HCM, đã nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2011 và được Hội đồng Đội trung ương triển khai trên phạm vi toàn quốc...
Giải thưởng Hồ Hảo Hớn dành tuyên dương những cá nhân, tập thể có nhiều sáng kiến hiệu quả, mô hình hay, giải pháp thiết thực đóng góp cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi TP.HCM. Được trao tặng lần đầu tiên năm 2002, đến nay sau 15 năm Thành đoàn đã trao 131 giải thưởng, trong đó có 44 cá nhân và 87 tập thể vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26-3 hằng năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận