Nhu cầu dầu mỏ thế giới giảm do dịch COVID-19 tác động đến kinh tế - Ảnh: observalgerie.com
Do dịch COVID-19 tác động đến các nền kinh tế trên thế giới, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp năng lượng và các tổ chức nghiên cứu về năng lượng đang điều chỉnh dự báo về nhu cầu dầu mỏ trong năm 2020.
Công ty tư vấn Rystad Energy (Na Uy) dự báo đến tháng 4-2020, nhu cầu dầu mỏ thế giới có thể giảm hơn 11 triệu thùng/ngày.
Công ty kinh doanh năng lượng Trafigura (Thụy Sĩ) dự báo trong ngắn hạn nhu cầu sẽ giảm 10 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2020 có thể giảm 730.000 thùng/ngày. Ở mức này, Tập đoàn tài chính JP Morgan cũng ước tính mức giảm 750.000 thùng/ngày.
Các dự báo khác biệt đáng kể so với số liệu trước đó và sẽ còn tiếp tục thay đổi khi tác động từ dịch COVID-19 đến kinh tế rõ ràng hơn.
Nhu cầu dầu thô rồi sẽ giảm nếu dịch COVID-19 bớt hung hãn rồi bùng phát mạnh trở lại - Ảnh; AFP
7 yếu tố tiêu cực
Trang web investing.com đã nêu ra 7 yếu tố có thể kéo nhu cầu dầu mỏ giảm xuống như sau:
1. Dịch COVID-19 tiếp tục tàn phá các nền kinh tế trong nhiều tháng và hạn chế đi lại trên toàn cầu.
2. Sau khi giảm lây nhiễm, vài tháng sau dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại như những gì đã xảy ra với bệnh cúm Tây Ban Nha vào mùa thu năm 1918.
3. Saudi Arabia sản xuất nhiều dầu hơn và xuất khẩu phần lớn dầu với giá thấp rồi không thể tìm được người mua phần lớn dầu thô.
4. Trung Quốc quyết định tiếp tục giảm nhập khẩu dầu từ Nga cũng như từ Saudi Arabia và từ chối thực hiện cam kết trong giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại về mua các sản phẩm năng lượng của Mỹ.
5. Người tiêu dùng trên thế giới tiếp tục lo sợ dịch COVID-19 và các chuyến bay không thể hoạt động trở lại đáng kể vào năm 2020.
6. Các nước tiếp tục đóng cửa biên giới.
7. Suy thoái nghiêm trọng hoặc khủng hoảng kinh tế thống trị kinh tế thế giới khiến tài sản giúp phục hồi kinh tế ngày càng cạn kiệt.
Ngày 13-3, Tổng thống Trump quyết định mua thêm dầu dự trữ - Ảnh: AP
8 yếu tố tích cực
Giá dầu có thể sẽ tăng lên nếu có 8 yếu tố tích cực như sau:
1. Trung Quốc thoát khỏi khủng hoảng và tận dụng dầu giá rẻ để mua vào dự trữ.
2. Saudi Arabia tìm được nhiều khách hàng xếp hàng mua dầu của Công ty Aramco (Saudi Arabia) bán trên thị trường với giá giảm.
3. Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nhà nhập khẩu khác nhanh chóng xây dựng năng lực dự trữ bổ sung để mua thêm dầu với giá rẻ hiện tại.
4. Mỹ mua thêm dầu của Mỹ với giá hời để lấp đầy kho dự trữ dầu chiến lược như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo ngày 13-3 (giờ địa phương).
5. Dịch COVID-19 kết thúc có thể là do khí hậu nóng lên ở bán cầu bắc và không xuất hiện trở lại tràn lan vào mùa thu năm 2020.
6. Các doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh và giải trí giảm bớt nỗi sợ hãi để đi lại bằng máy bay nhiều hơn.
7. Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và nhiều nền kinh tế khác có sẵn tiền mặt hoặc sẵn sàng tiếp cận vốn bắt đầu áp dụng các gói kích thích hào phóng để vực dậy kinh tế.
8. Suy thoái xảy ra không dựa trên các điểm yếu kinh tế cơ bản của kinh tế thế giới và khả năng phục hồi sẽ diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ.
Kết luận
Không ai có thể dự đoán chính xác tương lai. Ví dụ không ai có thể dự báo đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.
Chính vì vậy, trang web investing.com đề nghị chúng ta nên xem xét 15 yếu tố tích cực và tiêu cực nêu trên về nhu cầu dầu mỏ.
Ngoài ra cũng cần xem xét đến mức độ sẵn sàng đáp ứng của các nguồn cung. Ví dụ như Saudi Arabia và Nga có thể thay đổi chính sách về dầu mỏ hoặc Mỹ cũng có thể giảm sản xuất dầu.
Phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đóng cửa trong những tuần qua là sự kiện khôn tiền khoáng hậu khiến hiện thời rất khó đưa ra dự báo chính xác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận