05/05/2019 12:50 GMT+7

15.000 trẻ bại não đã sống cùng giáo án của ngoại Sáu

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Buổi sáng tại Cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu (phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), những đứa trẻ đang quây quần bên bà Lê Thị Hoa, tầm 70 tuổi, có khuôn mặt cương nghị, rắn rỏi, được mọi người gọi là ngoại Sáu.

15.000 trẻ bại não đã sống cùng giáo án của ngoại Sáu - Ảnh 1.

Mỗi ngày, bà Sáu dốc hết tâm lực tập vật lý trị liệu miễn phí cho trẻ bại não - Ảnh: MINH TÂM

Ngoại Sáu đang matxa phần mặt, trán, đầu cho bé Lê Kim Tân, 6 tuổi. Đôi tay bà miết, xoa, ấn huyệt khiến khuôn mặt đứa trẻ giãn ra, có vẻ thích thú. Ngoại Sáu làm liền tay, hết đứa này đến đứa khác. Lúc nào bà cũng ráng chắt chiu cố gắng tập thêm cho bé động tác nào hay động tác đó. 

Và mặc dù dùng sức nhiều, liên tục, rất cực nhưng bà vẫn không hề tỏ ra mệt mỏi hay cáu gắt, trái lại lúc nào cũng hoan hỉ, khích lệ những đứa trẻ tập cho tốt hơn. Cứ vậy, bà tập đến hơn 12 giờ mới xong bé cuối cùng. Trước khi về, mỗi bé được bà tặng sữa, bánh và hầu như bé nào cũng hôn bà liền mấy cái.

Ngoại Sáu thổ lộ năm 17 tuổi thoát ly kháng chiến, làm y tá cứu thương. Hòa bình lập lại, bà được cử đi học y khoa. Ra trường, bà tình nguyện đi chiến trường biên giới Tây Nam, sau đó đi học chuyên khoa sâu y học dân tộc và về công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Vĩnh Long. 

Năm 2005, nghỉ hưu, bà đến Cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu - một cơ sở miễn phí do bà Nguyễn Ngọc Điểu thành lập - xin vào làm miễn phí để giúp đỡ những đứa trẻ bất hạnh.

Với mỗi trẻ, ngoại Sáu có giáo án riêng. Ngoài ra, ngoại mang lại cho các bé tinh thần tự tập luyện chủ động. Bà bảo tuy tập rất cực nhưng đổi lại niềm hoan hỉ, hạnh phúc rất lớn khi nhìn vào sự tiến triển tốt của bé. Chỉ cần đứa trẻ nhấc người thêm hơn hôm qua một cái hoặc đi nhiều hơn hôm qua một bước chân là bà vui suốt cả ngày. Bà nói: "Tiền công của dì chính là tiếng gọi ngoại Sáu của bọn trẻ".

Bà Nguyễn Ngọc Điểu - giám đốc Cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu - cho biết: "Bà Lê Thị Hoa phục vụ ở cơ sở miễn phí này đã 15 năm. Tính đến nay, bà đã khám và tập miễn phí cho 15.000 lượt trẻ bại não ở khắp đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó có khoảng 300 trẻ hòa nhập được với cộng đồng và 150 trẻ đi học được.

Chẳng hạn như bé Châu Đăng Khoa - học sinh lớp 6, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Chị Lê Thị Chín, mẹ bé, kể khi con 1 tuổi vẫn chưa biết lật, biết bò. 3 tuổi chưa biết ngồi, tay chân bị gồng cứng. Ròng rã một năm trời, bằng sự kiên nhẫn cộng với chuyên môn, ngoại Sáu đã tập được cho bé ngồi. Đến năm thứ hai, bà tập được cho bé đứng. Rồi năm thứ 3, bé đi được cũng là vừa lúc bé vào lớp 1. 

Nhờ ngoại Sáu, bé Khoa biến thành một đứa trẻ khác, thông minh, năng động, để rồi 5 năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Chị Chín xúc động: "Ngoại Sáu đã cho con tôi sinh mệnh khác. Nếu không có ngoại, bé không có ngày hôm nay. Gia đình tôi mang ơn ngoại Sáu suốt cả đời".

TTO - Bà ngoại ôm ngực ho sù sụ, nấc từng cơn rồi nằm vật ra tấm phản thở đầy khó khăn. Mỹ ôm bà, khóc hoảng lên: “Ngoại ơi, thương con ngoại đừng chết”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên