08/09/2024 14:24 GMT+7

15.000 cây xanh từng bị quật ngã sau bão, Huế đã cứu như thế nào?

Trận bão số 5 quét qua Huế hồi tháng 9-2020 khiến 15.000 cây xanh, trong đó có cả ngàn cây cổ thụ bị quật ngã, bật gốc.

15.000 cây xanh từng bị quật ngã sau bão, Huế xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Cây xanh cổ thụ bật gốc, nằm rạp xuống đường ở TP Huế sau trận bão số 5 hồi tháng 9-2020 - Ảnh: NHẬT LINH

Sau cơn cuồng phong, TP Huế đã chọn cách không loại bỏ bằng hết mà dựng lại những cây xanh còn có thể cứu vãn được.

15.000 cây xanh bật gốc sau bão, nỗi đau ở "thành phố xanh"

Trận bão số 5 hồi tháng 9-2020 là một trong những trận bão kinh khủng đối với người dân ở TP Huế. Trận bão này tuy chỉ có sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 10 nhưng khiến hơn 15.000 cây xanh, trong đó có cả ngàn cây cổ thụ bị bật gốc, ngã xuống đường phố.

Cơn cuồng phong quét qua, cả thành phố Huế như vừa trải qua một trận bom rải thảm. Cây xanh bật gốc, gãy cành ngã sấp xuống đường phố. 

Dây điện bị đứt, một số công trình xây dựng bị cây xanh đè xuống đổ sập. Cả TP Huế mất điện trên diện rộng.

15.000 cây xanh từng bị quật ngã sau bão, Huế xử lý như thế nào? - Ảnh 2.

Cây xanh cổ thụ bị bật gốc sau bão số 5 (2020) ở Huế được cắt tỉa cành, bôi thuốc ở rễ để chờ dựng lại vị trí cũ - Ảnh: NHẬT LINH

Điều khiến người Huế lo lắng nhất sau cơn bão này đó là số cây xanh bật gốc nằm la liệt trên đường phố.

Huế được mệnh danh là thành phố xanh với những con đường rợp bóng cây râm mát vào những trưa hè oi ả. 

Thế nhưng sau trận bão này, nhiều người lo sợ danh hiệu thành phố xanh ấy sẽ không còn khi đến tận 15.000 cây xanh bị bão số năm 5 quật ngã.

Nhớ lại thời điểm đó, ông Nguyễn Xuân Kiểm (trú phường Vĩnh Ninh, TP Huế) nói rằng chưa bao giờ thấy Huế rơi vào cảnh tan hoang như vậy.

"Cây xanh thì nằm chỏng chơ, đường phố thì bị chặn lại, ngước nhìn lên bầu trời thì chỉ thấy trơ trọi, không còn màu xanh tươi như trước. Tiếng cưa máy thì vang lên suốt mấy ngày để xử lý cây bật gốc.

Là người Huế, tôi thấy buồn và lo vì không biết bao lâu nữa mới có thể nhìn thấy những cây xanh cao vút tươi mát trong thành phố này", ông Kiểm nói.

Không loại bỏ mà cứu cây xanh

Sau trận bão, gánh nặng xử lý hàng ngàn cây xanh được Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế đảm nhận.

Ông Lê Như Chinh, giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế, cho biết áp lực của đơn vị lúc đó rất lớn bởi phải có phương án xử lý những cây xanh này thật nhanh, đặc biệt là những cây cổ thụ bởi trận bão này mới chỉ là màn "dạo đầu" của mùa mưa bão năm 2020.

Theo ông Chinh, sau khi tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, trung tâm đã quyết định chọn phương án không loại bỏ mà sẽ dựng lại những cây xanh còn có khả năng cứu sống được.

Trung tâm đã tiến hành khảo sát hiện trạng toàn bộ cây xanh bị bật gốc ở TP Huế rồi sau đó lọc ra, cắt bỏ những cây xanh bị sâu hại, mục ruỗng từ bên trong, không có cơ hội cứu chữa.

Với những cây xanh bị bật gốc, trung tâm tiến hành cắt tỉa phần ngọn, bôi thuốc phần rễ rồi dùng xe cẩu dựng cây đứng lên trở lại vị trí ban đầu. Những cây xanh này sau đó được chăm sóc đặc biệt, được theo dõi sát sao đảm bảo cây sống và khỏe mạnh trở lại.

"Nhờ như vậy trải qua mùa mưa bão liên tục năm 2020 mà hệ thống cây xanh ở TP Huế vẫn trụ vững và tỏa bóng xanh tươi. Đặc biệt là những cây xanh bật gốc nằm ở cồn Dã Viên trên sông Hương phần lớn được chúng tôi dựng lại bằng cách này", ông Chinh nói.

Sau trận bão số 5, đến tháng 11 cùng năm trận bão số 13 cũng khiến nhiều cây xanh cổ thụ ở Huế bị bật gốc. Trong số đó có cụ cây xà cừ nằm ngay trước bến xe Nguyễn Hoàng ở bờ bắc sông Hương tuổi đời cả trăm năm bị bật gốc.

Trung tâm Công viên cây xanh sau đó đã áp dụng phương án tương tự, cắt tỉa cành, bôi thuốc kích rễ rồi dựng lại cụ cây ở công viên phía đối diện bến xe Nguyễn Hoàng.

15.000 cây xanh từng bị quật ngã sau bão, Huế đã xử lý như thế nào? - Ảnh 5.

Cây xà cừ trăm tuổi bị bật gốc sau bão số 13 năm 2020 được TP Huế dựng lại, chăm sóc đặc biệt và hiện đã lên mầm xanh tươi - Ảnh: NHẬT LINH

Theo ông Chinh, hiện nay cụ cây xà cừ này đã sống khỏe mạnh, phát triển tốt.

"Cụ cây xà cừ này và nhiều cụ cây khác được chúng tôi chăm sóc, cứu sống sau bão như minh chứng rõ nhất về nghĩa tình của người Huế đối với cây xanh đô thị. Hiện nay chúng tôi cũng đang tiến hành cắt tỉa hơn 90% cây xanh trên toàn thành phố trước mùa mưa bão tới, nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa của thiên tai đến các mảng xanh của thành phố này", ông Chinh nói.

15.000 cây xanh từng bị quật ngã sau bão, Huế xử lý như thế nào? - Ảnh 6.

Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện cuộc giải cứu cây đa 200 tuổi chưa từng có sau khi cụ cây bị đổ ngã, bật gốc - Ảnh: TRẦN MAI

Cuộc giải cứu chưa từng có giúp cụ đa 200 tuổi hồi sinh

Đó là cuộc giải cứu cụ đa 200 tuổi, nặng 120 tấn ở TP Quảng Ngãi bị ngã đổ sau một trận mưa hồi tháng 9-2021. Đây là cây đa to nhất tỉnh Quảng Ngãi nên được cả chính quyền, người dân quan tâm đặc biệt.

Hàng chục xe cẩu siêu trọng được đưa đến hiện trường, những chuyên gia cây xanh giỏi nhất tỉnh cũng được huy động đến để bàn cách cứu cụ cây.

Ở cuộc giải cứu này, mỗi nhát cắt tỉa cành, mỗi lần bôi keo bảo vệ rễ được tính toán đến từng cm để đảm bảo cụ cây sống khỏe khi được di chuyển đến nơi ở mới.

Theo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi, hiện nay cụ cây này đã sống tốt ở núi Thiên Bụt. Hằng năm công ty vẫn có một khoản kinh phí riêng để "bồi bổ" cho cụ đa 200 tuổi này.

15.000 cây xanh từng bị quật ngã sau bão, Huế xử lý như thế nào? - Ảnh 7.Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt

Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) - nơi tâm bão số 3 quét qua, hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên