Người dân Indonesia xuống đường tuần hành ngày 29-11 tại Jakarta hướng đến hội nghị ở Paris - Ảnh: Reuters |
Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, gọi tắt là COP21, khởi động từ hôm qua (29-11) với phiên trù bị của các nhà đàm phán. Hôm nay phiên chính thức sẽ bắt đầu tại Le Bourget, ngoại ô phía bắc Paris (Pháp), với sự có mặt của đại diện 195 quốc gia và lãnh thổ.
Phiên họp cấp cao dành cho các nguyên thủ và thủ tướng được tổ chức vào ngày 30-11 (ngày đầu tiên của COP21) để khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ ở cấp cao nhất ngay khi bước vào COP21 và định hướng cho đoàn đàm phán của mình tham gia thương lượng trong hai tuần tiếp theo nhằm đạt được Thỏa thuận Paris.
Có ít nhất 147 nguyên thủ các nước tham dự COP21, trong đó sẽ có ba nguyên thủ của ba quốc gia có lượng phát thải carbon lớn nhất thế giới là Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Các mục tiêu
Số đại biểu có mặt tại Pháp trong hội nghị lớn nhất thế giới về khí hậu lần này lên tới gần 50.000 người. Trong đó gồm đại diện các chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và khoảng 3.000 nhà báo.
Đài CNN cho biết nhiều nguyên thủ sẽ có mặt tại COP21 ngay từ những ngày đầu tiên diễn ra hội nghị. Đây là điểm khác biệt đáng kể so với COP15 tại Copenhagen, Đan Mạch khi có nhiều vị nguyên thủ, trong đó có Tổng thống Obama, chỉ góp mặt trong hai ngày đàm phán.
Mục tiêu đặt ra tại COP21 lần này là cụ thể hóa một cơ chế hợp tác hành động có ràng buộc pháp lý giữa các nước nhằm hạn chế lượng phát thải khí nhà kính.
Thông cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết: “COP21, còn được gọi là Hội nghị khí hậu Paris 2015, lần đầu tiên trong hơn 20 năm đàm phán của Liên Hiệp Quốc sẽ hướng tới mục tiêu đạt được thỏa thuận toàn cầu và có ràng buộc pháp lý về khí hậu, với mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2oC”.
Trong trường hợp không tính tới cam kết của khoảng 170 quốc gia, nhóm chuyên gia khoa học của Liên Hiệp Quốc ước tính năm 2100 nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng hơn 4,8oC. Còn ở điều kiện các nước đã đưa ra những cam kết, nhiệt độ toàn cầu dự kiến vẫn sẽ tăng vượt ngưỡng 2oC.
Vì tính bức thiết đó mà hội nghị khí hậu ở Paris đặt ra nỗ lực đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý để “giữ chân” các nước trong trách nhiệm thực thi những cam kết đã đưa ra.
Yếu tố then chốt
COP21 được nhiều người miêu tả như là “niềm hi vọng cuối cùng của chúng ta” trong việc ngăn chặn những nguy cơ lớn từ biến đổi khí hậu. Hội nghị hi vọng sẽ đạt được một thỏa thuận mới trong việc giải quyết vấn đề và thỏa thuận sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020.
Lần đầu tiên hầu hết các quốc gia, ít nhất là 155 nước tính đến thời điểm này, đã phác ra những cam kết của mỗi nước trong việc giảm lượng khí thải nhà kính. Điều này được thể hiện trong các báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC).
Các cuộc đàm phán tại COP21 ở Paris sẽ không chỉ tập trung vào cam kết của các nước trong việc giảm phát thải khí nhà kính, mà còn tập trung vào khía cạnh tài chính, đây cũng được xem là điểm then chốt của hội nghị.
Tại các cuộc họp trước ở Copenhagen năm 2009 và Cancún năm 2010, các nước phát triển đã cam kết đóng góp 100 tỉ USD mỗi năm (bắt đầu từ năm 2020) nhằm giúp đỡ các nước đang phát triển dần tách khỏi việc sử dụng năng lượng hóa thạch, hướng tới các nguồn năng lượng mới và sạch.
Tuy nhiên khoản tiền này được lấy từ đâu, các doanh nghiệp đóng vai trò như thế nào, đó là những vấn đề lớn sẽ được đưa ra bàn thảo. Việc có thể trả lời rốt ráo những câu hỏi đó được xem là phần trọng yếu tác động tới thành công hay thất bại của COP21.
Việt Nam thuộc nhóm bị ảnh hưởng Sáng 29-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp François Hollande, nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Dự kiến, cùng với phát biểu tại phiên họp cấp cao COP21 ngày 30-11, Thủ tướng Dũng sẽ đồng chủ trì đối thoại cấp cao về ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tại khu trưng bày Việt Nam trong trung tâm hội nghị. Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì biến đổi khí hậu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận