Chị Chử Thị Thanh Hương trong một buổi nói chuyện với cha mẹ có con bị khiếm thính ở TP.HCM - Ảnh: M.TRÂM
Ngoài việc học hỏi để giúp con, chị Hương còn đem những kiến thức và tình thương của mình giúp đỡ các bé khiếm thính và phụ huynh có con khiếm thính khác như tặng tủ sách, kêu gọi hỗ trợ máy trợ thính, tổ chức các lớp hướng nghiệp cho các con khuyết tật, kết nối và cùng các chuyên gia tổ chức tập huấn, các buổi nói chuyện ở Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng, Quảng Bình..., giúp phụ huynh có thêm kiến thức dạy và đồng hành cùng con.
Khát khao tiếng con gọi mẹ
Hồng Anh, con gái chị, năm nay tròn 14 tuổi và sắp bước vào lớp 7. Đó cũng là chừng ấy thời gian chị đồng hành cùng con kể từ ngày bác sĩ kết luận con mất hoàn toàn khả năng nghe, khi ấy Hồng Anh mới hơn 1 tuổi.
Được các bác sĩ chẩn đoán con có thể sẽ phục hồi khả năng nghe vì không phải do bẩm sinh, chị không ngừng hi vọng đưa con đi chữa trị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, ra Bắc vào Nam liên tục.
Sau ba năm nhưng không có kết quả, chị tìm đường đưa con sang Singapore để khám chữa. Nhưng đến nơi, bác sĩ kết luận không thể cứu chữa, máy trợ thính cũng không có tác dụng vì con đã bước qua tuổi thứ 5, tuổi phát triển ngôn ngữ, phải cấy ốc tai mới có thể nghe.
Sau khi cấy ốc tai điện tử cho con, chị Hương lại tiếp tục bước vào hành trình giúp con học ngôn ngữ, học nghe, học nói vì con đã bỏ lỡ "giai đoạn vàng" trong việc hình thành và phát triển các khả năng, nhất là ngôn ngữ.
"Nhiều đêm nằm mơ thấy con gọi mẹ, thức dậy vẫn thấy con ngủ say và sự thật chưa hề có được điều đó. Phải một thời gian dài con mới gọi được "mẹ ơi" và nói những tiếng đầu tiên, đó là điều hạnh phúc nhất của một người mẹ có con khiếm thính" - chị xúc động.
Những ngày tháng đó, chị nghỉ làm và đồng hành cùng con, đưa con vào TP.HCM trị liệu ngôn ngữ, chăm sóc và làm bạn với con. Con bước vào lớp 1, chị cùng con đi học. Chị tìm tòi, đọc thêm các tài liệu về bệnh khiếm thính để hỗ trợ con, dịch thuật tài liệu từ nước ngoài để hỗ trợ cộng đồng cha mẹ có con là người khiếm thính. Chị còn quyết tâm thành lập Hội Cha mẹ khiếm thính Việt Nam (năm 2012) và chia sẻ kiến thức, thông tin và hướng nghiệp cho các em khiếm thính.
Con không phải là một bản lỗi
Chị Thanh Hương cho biết từ nhỏ bé Hồng Anh rất tự tin, nhưng đến khi lớn hơn một chút, nghe hiểu được bé bắt đầu tự ti thay vì tự tin như trước.
"Đây là lúc cha mẹ phải làm bạn cùng con, giúp con có nội lực, tự tin là chính con. Rằng các bạn khác đeo kính thì con đeo tai nghe, vậy con mới nghe rõ thì chẳng việc gì con phải ngại. Chúng ta nên chuẩn bị tâm lý cho con trước các tình huống để các bé không phải tổn thương" - chị Hương nói.
Sau đó chị cho con tham gia các hoạt động cùng bạn bè khiếm thính để con có bạn bè, con thấy mình không khác biệt. Cho con học những gì con thích như ngoại ngữ, học vẽ. Bây giờ Hồng Anh tự tin hơn rất nhiều, có thể đứng lớp hướng dẫn các bạn khác vẽ, chia sẻ và động viên, thậm chí bảo vệ các bạn khác trước những lời trêu chọc.
Cô Nguyễn Thanh Tú (Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) - giáo viên chủ nhiệm lớp Hồng Anh - cho biết: "Mặc dù con bị hạn chế nghe nói nhưng con rất nỗ lực trong tất cả môn học và tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, năm rồi con đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Đặc biệt với môn tiếng Nhật là môn rất khó đối với những bạn bình thường nhưng Hồng Anh vẫn nằm trong tốp học sinh học tốt nhất môn này của lớp, con còn yêu vẽ và vẽ rất đẹp".
Nói về hành trình để con có âm thanh là cả một hành trình dài. Nhiều phụ huynh chấp nhận bỏ mặc con hoặc nhiều người sai lầm nghĩ mọi chuyện đã ổn khi con nghe nói được.
"Mỗi bậc làm cha mẹ, ai sinh con ra cũng mong con mình khỏe mạnh, phát triển bình thường. Có những thời điểm tôi bất lực, nói con không hiểu, tôi đánh con mà thấy chán ghét bản thân mình. Bởi vì nhận thức của con chỉ đến thế thôi, ngôn ngữ của con chỉ được đến vậy và đó không phải là lỗi của con. Cái gì lỗi đều có thể sửa hoặc bỏ nhưng con thì không, chỉ cần lơ ra một chút mình sẽ mất con" - chị Hương tâm sự.
Theo chị Hương, cha mẹ hãy làm bạn và đồng hành để giúp con thấy mình không cô độc dù trên một quãng đời. Phụ huynh cũng nên học hỏi, đừng buông xuôi và tham gia các hoạt động cộng đồng để có người đồng cảm, chia sẻ kiến thức dạy con.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - hội trưởng Hội quán các bà mẹ TP.HCM, người đồng hành cùng chị Thanh Hương ở nhiều chương trình dành cho cộng đồng trẻ em và phụ huynh có con khiếm thính nhiều vùng trong cả nước - kể ngày đầu chị gặp chị Thanh Hương trong một chương tình giáo dục giới tính cho trẻ em ở Hà Nội khoảng ba năm trước. Khi nghe chị Hương đặt câu hỏi, chia sẻ với chuyên gia, chị đã rất xúc động với tấm lòng của người mẹ giàu bản lĩnh, kiên trì không chỉ với con mình mà còn với những đứa trẻ khác này.
Những niềm vui "lạ đời"
Hai mẹ con chị Thanh Hương và bé Hồng Anh - Ảnh: NVCC
Một hôm đi ngoài đường, như thường lệ tôi vẫn nói mẹ yêu con, nhưng lần này tôi cảm nhận được con ôm tôi chặt hơn và bỗng con nói con cũng yêu mẹ. Chỉ cần con nghe được lời mình nói là chúng tôi đã xúc động và sung sướng vô cùng.
Một chuyện khá ngược đời là chúng tôi luôn vui và khuyến khích con cãi lại mình. Con cãi lại là chứng tỏ con đã biết sử dụng ngôn ngữ. Những lúc con bực tức là lúc con sẽ tự thân vận động để tìm, bật ra được ngôn từ để mà sử dụng. Tuy nhiên, những lúc đó mình cần để ý, sau đó hướng dẫn con muốn tranh luận, "cãi nhau" thì phải như thế nào cho lịch sự, lễ phép, dùng từ gì cho phù hợp và phải chừng mực như thế nào.
(Chị Chử Thị Thanh Hương)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận