25/05/2021 10:52 GMT+7

14 năm chờ đợi metro số 1

ĐỨC PHÚ - TUẤN PHÙNG
ĐỨC PHÚ - TUẤN PHÙNG

TTO - Sau nhiều lần lỗi hẹn, dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) từng được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021 nhưng nay tiếp tục lùi đến 2022 trước bối cảnh nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho công tác chạy thử, vận hành.

14 năm chờ đợi metro số 1 - Ảnh 1.

Nhà ga Ba Son của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Người dân chờ quá lâu rồi, không thể chậm hơn nữa"

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, một trong những khó khăn hiện nay là tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng việc vận chuyển vật tư, thiết bị, chuyên gia nhập cảnh đang rất khó khăn và không đồng bộ, dẫn đến một số hạng mục phải chờ vật tư hoặc chờ chuyên gia để triển khai đáp ứng tiến độ. 

Ban cũng đã yêu cầu các nhà thầu lên kế hoạch chi tiết, chủ động thực hiện trong bối cảnh dịch có diễn biến phức tạp.

Về kế hoạch chạy thử nghiệm, Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho hay các đoàn tàu đang liên tục được vận chuyển về trong thời gian qua cho thấy các công tác của gói thầu CP3 (cơ điện, đường ray, đầu máy, toa xe...) đang được đẩy nhanh để chuẩn bị vận hành thử nghiệm theo từng giai đoạn. 

Giai đoạn vận hành thử nghiệm trong depot, vận hành thử nghiệm đoạn trên cao từ depot đến Bình Thái, vận hành thử nghiệm từ depot đến Tân Cảng và cuối cùng là toàn tuyến cùng với việc thử nghiệm vận hành 11 hệ thống khác như hệ thống điện, hệ thống thông tin tín hiệu (điều khiển tàu), đường ray...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Hồng Thanh - phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP - cho biết dự kiến trong tháng 6-2021 nhà thầu sẽ đóng điện ở trạm biến áp Bình Thái (TP Thủ Đức), sau đó sẽ chạy kiểm tra các thiết bị đoàn tàu. 

"Nếu tình hình dịch không ảnh hưởng nhiều, chúng tôi cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ để chạy thử tàu metro số 1 đoạn từ ngã tư Bình Thái về depot Long Bình vào cuối năm nay" - ông Thanh nói.

Ông Thanh cho biết thêm đến thời điểm này, nhiều gói thầu của tuyến metro số 1 vẫn đang vượt tiến độ, đặc biệt là gói thầu đi ngầm. Nhà ga trung tâm Bến Thành đã hoàn thành gần 87% khối lượng, bắt đầu lắp đặt thiết bị cơ điện ở một số vị trí cơ bản. Còn gói thầu có ga Nhà hát TP và Ba Son lũy kế khối lượng thực hiện đạt 96,16%.

"Theo kế hoạch, đoạn đào hở từ Lê Lợi nối Bến Thành đến ga Nhà hát TP sẽ hoàn thành 100% và trả mặt bằng toàn bộ khu vực này lại vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, chủ đầu tư cùng với nhà thầu đang kiểm soát và phấn đấu đẩy nhanh hoàn thành sớm hơn mấy tháng, cụ thể vào tháng 9 hoặc tháng 10" - ông Thanh cho biết thêm.

Ông Hà Ngọc Trường, phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP, cho rằng hiện nay tuyến metro số 1 vẫn còn hai khúc mắc cần phải sớm tháo gỡ. Thứ nhất là làm sao phải đẩy nhanh tiến trình khắc phục kỹ thuật vụ gối cầu và sớm chạy thử đoạn trên cao vào cuối năm nay. Thứ hai là dự án đang tăng tốc về đích, do đó TP cùng các bộ ngành cũng cần phải chủ động tháo gỡ các thủ tục giải ngân cho chủ đầu tư, tránh chuyện có tiền mà không tiêu được.

"Từ lúc phê duyệt dự án đến nay đã 14 năm. Quá trình thực hiện nhiều vướng mắc về cơ chế, thủ tục. Người dân chờ đợi tuyến metro đầu tiên của TP quá lâu rồi, không thể chậm hơn nữa", ông Trường nhấn mạnh.

Tìm hướng đi mới cho các tuyến metro tại TP.HCM

14 năm chờ đợi metro số 1 - Ảnh 2.

Toa tàu thứ nhất của đoàn tàu số 2 (tuyến metro số 1) đã được đặt lên đường ray tại depot Long Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị TP gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (tramway hoặc monorail). Tổng chiều dài toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỉ USD. Hiện nay mới có 2 tuyến đang triển khai (metro số 1 và metro số 2).

Hướng đi mới cho các dự án metro tại TP ra sao? Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP về tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị trọng tâm, Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho hay hiện nay, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ tháng 1-2021 là cơ sở thu hút vốn tư nhân vào đầu tư dự án metro. 

Hiện một số đối tác nước ngoài cũng đặt vấn đề tìm hiểu dự án đường sắt đô thị tại TP theo hình thức PPP, như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) tìm hiểu metro số 5 giai đoạn 2.

Ban quản lý đường sắt đô thị TP cũng đã kiến nghị TP giao sở ngành để đánh giá định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cũng như phương thức đối tác công tư trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo đánh giá của các chuyên gia metro, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA thường đi kèm một số điều kiện ràng buộc mà những điều kiện này có thể làm hạn chế trong công tác lựa chọn nhà thầu xây dựng. Ngoài ra, các dự án hạ tầng sử dụng vốn ODA còn gặp khó khăn chung nữa là vấn đề giải phóng mặt bằng bởi hàng loạt yếu tố liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng.

Tiến độ metro ở Hà Nội thế nào?

Hiện nay Hà Nội có 2 dự án metro đang xây dựng và đặt ra tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian tới.

* Dự án metro Cát Linh - Hà Đông: còn thủ tục cuối

Ngày 29-4, Liên danh tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống ACT (do Apave, Pháp đứng đầu) đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đây là một trong những chứng chỉ quyết định để đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác.

Ngay sau khi có chứng nhận trên, cùng ngày 29-4, Bộ GTVT đã có công văn gửi Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đề nghị hội đồng kiểm tra và ban hành thông báo kết quả kiểm tra nghiệm thu của chủ đầu tư, làm cơ sở để bàn giao dự án vào vận hành khai thác. Đồng thời Bộ GTVT cũng gửi công văn đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp trong quá trình tiếp nhận dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Như vậy, để đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể đưa vào khai thác cần các thủ tục sau: kết quả kiểm tra và thông báo của Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận đưa dự án vào khai thác.

Thông báo của hội đồng sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, tổng thầu Trung Quốc hoàn tất thủ tục bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho TP Hà Nội, để Công ty Metro Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác.

* Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: cuối năm khai thác tuyến trên cao

Dự án do Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, dài 12,5km có 12 ga, trong đó có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Tháng 7-2019, UBND TP Hà Nội điều chỉnh thời gian thực hiện dự án với mục tiêu tháng 4-2021 đưa vào khai thác, vận hành 8,5km đoạn tuyến trên cao, sau đó vừa khai thác vừa xây dựng đoạn ngầm còn lại để khai thác toàn tuyến vào tháng 12-2022.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và một số yếu tố, tiến độ khai thác đoạn trên cao được điều chỉnh vào cuối năm 2021. Còn đoạn đi ngầm 4km vẫn đang được dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Hiện nay 2 robot đào hầm đã hoàn thành lắp đặt, chạy thử. Khi thực hiện đào chính thức, mỗi robot có tốc độ khoan trung bình 10 - 12m/ngày và tối đa có thể đạt 18m/ngày.

Hai tuyến metro tại TP.HCM:  Đầu xuôi, bao giờ đuôi lọt? Hai tuyến metro tại TP.HCM: Đầu xuôi, bao giờ đuôi lọt?

TTO - Tiến độ giải phóng mặt bằng cho tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã khởi đầu như mơ và kỳ vọng sẽ có mặt bằng sạch trong năm 2020, nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn 'trầy trật'.

ĐỨC PHÚ - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên