25/07/2017 11:38 GMT+7

13 nơi chậm giải ngân đầu tư công bị Thủ tướng phê bình

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Trong 13 bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp có các bộ Kế hoạch đầu tư, Ngoại giao, Y tế, và các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng 

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng sáng nay 25-7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chuyển lời phê bình của Thủ tướng đến các bộ trưởng, chủ tịch UBND của 13 bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm vốn đầu tư công năm 2017.

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước năm nay là trên 357.000 tỉ đồng (307 tỉ đồng vốn ngân sách, 50.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ).

Thống kê đến 15-6, tổng số vốn thanh toán là 85.000 tỉ đồng, đạt 23,9% tổng kế hoạch năm 2017 và 27,6% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng giao.

Trong đó, có 13 đầu mối mới giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn được giao: Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Dân tộc, Thông tấn xã VN, Hội Cựu chiến binh, TP Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

Tổ công tác cho rằng nếu không có giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi tỉ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng có nguy cơ cao.

“Tiền để trong két không tiêu được, trong khi chúng ta vẫn phải trả lãi, đó là lãng phí” - ông Mai Tiến Dũng nói.

Theo ông Dũng, nguyên nhân giải ngân chậm trước hết là do lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, trong đó có vấn đề thủ tục, chỉ đạo không quyết liệt, năng lực đơn vị thi công…

Một ví dụ được nêu ra là dự án xây dựng trụ sở Học viện Chính sách của Bộ Kế hoạch đầu tư, chiếm hơn 50% kế hoạch vốn năm 2017 của bộ này.

Lý do giải ngân chậm của dự án này là công tác thẩm tra, thẩm định mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là gửi hồ sơ sang Bộ Xây dựng để thẩm tra hồ sơ thiết kế, sau thẩm tra thì theo quy định mới là đến bước Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định, mất 9 tháng làm thủ tục. Bây giờ mới thực hiện các bước tiếp theo, dự kiến tuần tới phát hành hồ sơ mời thầu.

“Mới chỉ một thủ tục giữa bộ với bộ mà đã mất 9 tháng, nếu là tỉnh trình lên chắc còn lâu lắm” - ông Mai Tiến Dũng bình luận.

Từ đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Đào Quang Thu nêu quan điểm cần sửa luật Đầu tư công vì theo quy định hiện hành, Thủ tướng phải phê duyệt rất nhiều loại dự án, trong khi các dự án lớn của địa phương có thể để địa phương tự thẩm định, tự chịu trách nhiệm.

“Bộ Kế hoạch đầu tư cứ bị mang tiếng, vốn chủ yếu là do các bộ, ngành, địa phương trình lên, Bộ Kế hoạch đầu tư chỉ rà soát, hợp thức hoá trình Thủ tướng ký, chứ Bộ Kế hoạch đầu tư đâu có giao” - ông Thu cho rằng cần phân cấp mạnh mẽ để tiết kiệm thời gian, thủ tục.

Trong khi nhiều dự án có tiền rồi mà không giải ngân được do vướng mắc thủ tục, thì có những dự án lại đợi lâu rồi mà chưa được cấp tiền. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Đào Minh Tú nêu ví dụ nhà máy in tiền quốc gia là dự án trọng điểm.

Thủ tướng đã phê duyệt dự án này từ năm 2009, nhưng đến năm 2017 vẫn lúng túng chưa biết nguồn vốn như thế nào. Dự kiến vốn cho dự án này 5.700 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất nhiều lần nhưng được trả lời là ngân sách không cấp đủ được.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên