Hiện ở Việt Nam, khoảng 11,7 triệu người (khoảng 13% dân số) đang phải sống trong các khu vực có bệnh sốt rét, chủ yếu là ở các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền Trung và Đông
Nam Bộ. Bệnh xảy ra chủ yếu ở người dân tộc thiểu số, người di cư và những người đi rừng, ngủ rẫy.
Tuy nhiên, so với khoảng thời gian từ 2000-2013, đến nay số ca xác nhận sốt rét ở Việt Nam đã giảm trên 75%, số ca tử vong do sốt rét cũng đã giảm trên 90%.
Với kết quả này, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, những thành tựu của Việt Nam là rất ấn tượng, nhưng để biến những thành tựu này trở thành việc chiến thắng bệnh sốt rét lâu dài đòi hỏi phải có các chiến lược trọng điểm.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề sốt rét kháng thuốc, khi các loại thuốc chống sốt rét hiệu quả nhất hiện có thể không còn tác dụng, thì việc lan tràn dịch bệnh có thể sẽ là một thảm họa.
Nhân ngày thế giới phòng chống bệnh sốt rét (25-4), với chủ đề “Đầu tư cho tương lai, đánh bại sốt rét”, Văn phòng WHO ở khu vực Tây Thái Bình Dương kêu gọi Việt Nam tăng cường đẩy nhanh nỗ lực nhằm hướng tới một khu vực không còn sốt rét.
Năm 2015 là một năm quan trọng đối với bệnh sốt rét. WHO cùng với các bên liên quan, đã xây dựng dự thảo đầy tham vọng Chiến lược Kỹ thuật toàn cầu đối với bệnh sốt rét giai đoạn 2016 -2030 với mục tiêu giúp các quốc gia có bệnh sốt rét giảm 90% gánh nặng sốt rét vào năm 2030.
Chiến lược tiếp cận tầm xa này dự kiến sẽ được thông qua tại Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5-2015.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận