20/12/2022 13:10 GMT+7

13 câu hỏi lớn của nông dân An Giang với UBND tỉnh

ĐẶNG TUYẾT
ĐẶNG TUYẾT

Tại buổi đối thoại với UBND tỉnh An Giang, nông dân đặt ra 13 câu hỏi lớn, 30 ý kiến xoay quanh các chính sách thị trường, tiêu thụ và chính sách vay vốn trong bối cảnh các ngân hàng siết chặt tín dụng hoặc cho vay kiểu "mua bia kèm lạc".

13 câu hỏi lớn của nông dân An Giang với UBND tỉnh - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị giữa UBND tỉnh An Giang và nông dân tỉnh - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Sáng 20-12, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị đối thoại giữa thường trực UBND tỉnh với nông dân năm 2022.

Nông dân trong tỉnh rất quan tâm vấn đề cung cầu thị trường, các chính sách hỗ trợ từ địa phương, tìm đầu ra cho sản phẩm chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP, thương hiệu Nếp Phú Tân bị lãng quên... 

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Khét, nông dân xã Bình Long, huyện Châu Phú, đặt vấn đề lao động trẻ ly hương trong bối cảnh cần lực lượng cho chuyển đổi số, công nghệ 4.0.

Đại diện Hội Nông dân huyện Tri Tôn nêu thực trạng hiện nay các ngân hàng khép kín cơ chế, chính sách cho vay hoặc cho vay kiểu "mua bia kèm lạc", muốn vay vốn phải mua các gói bảo hiểm kèm theo, khó tiếp cận với nghị định 68 của Chính phủ.

Ông Nguyễn Thành Huân - phó giám đốc Sở Công Thương - lý giải việc thương hiệu Nếp Phú Tân bị lãng quên là do chính nông dân không còn tha thiết với thương hiệu này sau thời gian dài trải qua nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn COVID-19.

13 câu hỏi lớn của nông dân An Giang với UBND tỉnh - Ảnh 3.

Nông dân huyện Phú Tân thu hoạch nếp vụ thu - đông năm 2022 - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Ông Tầng Phú An - giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ An Giang - cho biết An Giang có 70% lao động nông thôn dịch chuyển đến thành thị, chủ yếu độ tuổi 20-35. Lực lượng này sẽ kiếm tiền rồi quay về nông thôn làm trang trại.

"Chúng tôi khuyến khích và hỗ trợ chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên, hỗ trợ thêm chi phí đào tạo 100%, một doanh nghiệp khởi nghiệp 56 triệu đồng từng giai đoạn", ông An nói.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang khẳng định luật cho phép các tổ chức bán bảo hiểm, bán các sản phẩm liên kết thông qua tổ chức tín dụng.

"Các tổ chức bảo hiểm chỉ phối hợp giới thiệu tư vấn, bảo hiểm nhân thọ, còn bảo hiểm phi nhân thọ do sự cố thiên tai địch họa tư vấn thêm để bà con biết, mua dự phòng thêm. Mua bảo hiểm nhân thọ không bắt buộc kèm theo điều kiện cho vay, không ai được ép, làm khó bà con khi vay vốn", đại diện lãnh đạo ngân hàng nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - kết luận tại hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ nhất có hơn 13 câu hỏi, 30 ý kiến. Trong đó có bốn nhóm ý kiến liên quan đến thị trường, giá cả vật tư, chính sách vay vốn và phát triển các HTX.

"Đối thoại là mô hình hay, tôi đề nghị sẽ được tổ chức ít nhất mỗi năm một lần để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nông dân.

Qua đó thấy được trăn trở của nông dân về những vấn đề lớn, có tầm nhìn và năng lực tiếp cận thị trường hơn.

Những vấn đề bà con quan tâm sẽ được trả lời trực tiếp tại hội nghị và sau tập hợp thêm các ý kiến, trả lời cho bà con từng vấn đề cụ thể, thỏa đáng", ông Bình nói.

Trên 2.454 nông dân An Giang có thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm Trên 2.454 nông dân An Giang có thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm

TTO - Số hộ thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm trong tỉnh đã tăng 3 lần so với giai đoạn 2017-2019. Hộ có thu nhập thấp nhất trên 150 triệu đồng, cao nhất trên 26 tỉ đồng/hộ/năm.

ĐẶNG TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên