24/02/2025 09:14 GMT+7

13.000 trẻ mắc bệnh tim mạch được phẫu thuật, giấc mơ ấp ủ 20 năm

20 năm qua, dưới "bàn tay vàng" của các bác sĩ phẫu thuật tim mạch nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), hơn 13.000 trẻ em mắc dị tật tim bẩm sinh nặng, phức tạp được trả lại trái tim lành mạnh.

20 năm đưa ngành tim mạch nhi ra thế giới - Ảnh 1.

Trải qua hơn 20 năm, đã có hơn 13.000 trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 được trả lại trái tim lành mạnh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đây cũng chính là một trong những nơi ra đời của kỹ thuật can thiệp tim mạch bào thai đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Tất cả những thành tựu này đã đưa Trung tâm tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng 1 thành trung tâm tim mạch xuất sắc đầu tiên được tổ chức Children's HeartLink (Mỹ) công nhận tại Việt Nam và là trung tâm tim mạch thứ 7 trên thế giới được công nhận.

Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với PGS Vũ Minh Phúc - cố vấn Trung tâm tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1. Bà cũng là người gắn bó hơn 30 năm tại khoa tim mạch, từ ca phẫu thuật tim kín đầu tiên năm 2004.

Việc làm chủ được các kỹ thuật khó như can thiệp tim mạch bào thai là bước tiến cực kỳ quan trọng. Điều này khẳng định tay nghề của các bác sĩ Việt Nam có thể đạt được như ở các nước trên thế giới nếu chúng ta chịu khó học hỏi và làm việc chuyên cần.

PGS Vũ Minh Phúc

Giấc mơ ấp ủ hơn 20 năm

* Phẫu thuật tim là một trong những kỹ thuật phức tạp trong điều trị bệnh tim mạch, đòi hỏi chuyên môn tay nghề cao, việc lựa chọn phát triển theo định hướng này là do đâu?

20 năm đưa ngành tim mạch nhi ra thế giới - Ảnh 2.

PGS Vũ Minh Phúc

- Vào những năm 1990, đầu năm 2000, khi vừa mới ra trường làm bác sĩ nội trú, bản thân tôi cùng các đồng nghiệp rất xót xa khi chứng kiến rất nhiều trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nặng nhưng không qua khỏi, tỉ lệ tử vong rất cao khoảng 10%, mỗi năm khoảng 200 trẻ chết vì bệnh tim.

Thời điểm đó chúng tôi thường xuyên đồng hành với các bệnh nhi đến Viện Tim TP.HCM chờ đợi đến lượt siêu âm tim, hội chẩn cho các em vì cả khu vực phía Nam khi đó chỉ duy nhất nơi này có cơ sở vật chất và nhân viên y tế phẫu thuật tim cho cả người lớn và trẻ em.

Lượng bệnh nhân các tỉnh đổ dồn về quá đông, thời gian chờ đợi phẫu thuật kéo dài thậm chí là hàng năm. Nhiều trẻ nặng không thể chờ đợi được nên đã tử vong. Một số rất ít những gia đình có điều kiện đưa con sang nước ngoài chữa trị với chi phí rất cao.

Từ những lần đồng hành cùng trẻ đến Viện Tim, chúng tôi đã mơ về một trung tâm phẫu thuật tim cho trẻ em. Vì vậy, chúng tôi đã đề đạt ý kiến và được ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ thành lập một ê kíp nội ngoại khoa tim mạch và hành trình học hỏi liên tục bắt đầu từ đó.

Năm 2004 với sự hỗ trợ của Viện Tim, chúng tôi đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tim kín đầu tiên (tồn tại ống động mạch). Đến năm 2008 với sự hỗ trợ của Viện Tim TP.HCM và tổ chức Children's HeartLink, ca phẫu thật tim hở đầu tiên được thực hiện. Năm 2009, chúng tôi triển khai thông tim can thiệp.

Năm 2010, chúng tôi bắt đầu phẫu thuật những tật tim bẩm sinh phức tạp cho trẻ sơ sinh. Năm 2019, chúng tôi triển khai cắt đốt điện sinh lý cho những ca loạn nhịp tim nặng ở trẻ em. Và như vậy, đến nay hơn 20 năm, đã có hơn 13.000 trẻ được trả lại trái tim lành mạnh, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho các gia đình.

* Kỹ thuật can thiệp tim mạch bào thai đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được thực hiện thành công năm 2024 với tay nghề của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ, vì sao chúng ta không triển khai kỹ thuật này sớm hơn?

- Tỉ lệ trẻ cần can thiệp từ trong bào thai rất hiếm, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao trong chẩn đoán tiền sản (siêu âm tim bào thai), trong thông tim can thiệp, hồi sức tim mạch nhi.

Chính vì vậy chúng tôi tiếp cận và phát triển theo chiến lược ưu tiên, đầu tiên tập trung giải quyết cho các tật tim bẩm sinh thường gặp để cứu sống số lượng lớn bệnh nhi.

Đồng thời có thời gian chuẩn bị máy móc, trang thiết bị, dụng cụ và nâng cao năng lực chuyên sâu, tay nghề của các bác sĩ cả sản khoa và tim mạch nhi rồi mới tiến hành kỹ thuật can thiệp tim mạch bào thai.

Khi làm chủ được các kỹ thuật và thời điểm "chín muồi" để phối hợp với sản khoa của Bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi đã tiến hành can thiệp tim mạch bào thai (nong van động mạch chủ, van động mạch phổi bị hẹp nặng) - một kỹ thuật rất ít nước trên thế giới có thể làm được.

Trung tâm chuyên sâu về bệnh lý tim mạch trẻ em ngang tầm các nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á đã khẳng định tương lai tươi sáng hơn cho các gia đình và các trẻ em không may mắc các bệnh tim bẩm sinh.

Các em sẽ được phát hiện, điều trị với những kỹ thuật hiện đại nhất với chi phí hợp lý.

Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Vượt khó

* Để có được đội ngũ bác sĩ tim mạch giỏi chuyên môn có thể can thiệp và phẫu thuật hầu hết bệnh lý tim mạch phức tạp, nhất là trẻ sơ sinh non tháng, khó khăn lớn nhất là gì?

- Thời gian đầu bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn vì thời điểm đó nhân lực gần như không có ai biết về phẫu thuật tim ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh. Chính vì vậy bệnh viện đã cử một nhóm bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên đến Viện Tim TP.HCM học các kiến thức và kỹ năng cơ bản.

Trước khi triển khai bất kỳ kỹ thuật chuyên sâu nào, nhân viên y tế phải học (trong nước và hoặc ngoài nước) và phải được sở hoặc Bộ Y tế thẩm định về chuyên môn mới được thực hiện.

Ngoài việc bệnh viện tổ chức cho các bác sĩ đi nước ngoài học tập, tôi cùng các đồng nghiệp đã tìm đến các tổ chức phi chính phủ lớn trên thế giới chuyên huấn luyện phẫu thuật tim để xin học bổng đi học rồi về áp dụng tại bệnh viện.

Cơ sở vật chất còn thiếu nhiều máy móc thiết bị, nhưng được sự hỗ trợ của UBND TP.HCM, dần dần Trung tâm tim mạch nhi đã hình thành, đội ngũ nhân lực đã trưởng thành theo năm tháng.

Nhiều đoàn quốc tế nhận xét các bác sĩ Việt Nam tiếp thu nhanh và chịu khó học hỏi, sớm làm chủ được các kỹ thuật, biết cách khắc phục khó khăn thiếu thốn trong mọi hoàn cảnh.

Trong vòng 20 năm chúng tôi đã có thể chẩn đoán và điều trị cho trẻ mắc bệnh tim từ trong bào thai, cho trẻ sơ sinh, cả trẻ non tháng với cân nặng thấp, trẻ em đến từ các tỉnh thành khác nhau ở phía Nam.

Chúng tôi có thể phẫu thuật và can thiệp tim mạch cho các tật tim bẩm sinh và bệnh tim mắc phải từ đơn giản đến phức tạp như hoán vị đại động mạch, thất phải hai đường ra, tứ chứng Fallot, không lỗ van động mạch phổi, thân chung động mạch... cũng như các rối loạn nhịp tim nặng.

Hiện nay chúng tôi cũng chuyển giao kỹ thuật thông tim, phẫu thuật tim cho các đồng nghiệp của nhiều tỉnh thành trong nước và nước ngoài.

Tương lai gần sẽ ghép tim cho trẻ

* Để trở thành trung tâm chuyên sâu toàn diện về nhi khoa, ngang tầm với các nước trong khu vực, bệnh viện sẽ làm gì để hiện thực hóa định hướng này?

- Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 10.000 - 12.000 trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh, tức là cứ 15 phút có một trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh chào đời. Thời gian tới bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển và tiếp thu các kỹ thuật mới trên thế giới.

Làm sao để phẫu thuật được nhiều ca khó, phức tạp hiếm gặp và triển khai được phẫu thuật ghép tim cho trẻ em. Để chuẩn bị, bệnh viện cần phát triển song hành ngành miễn dịch học, di truyền học và nhất là vấn đề ngân hàng tạng.

Chúng tôi đang chuẩn bị các bước, phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để chuẩn bị ghép tim cho trẻ. Trong tương lai gần, bệnh viện sẽ cố gắng làm chủ được kỹ thuật ghép tim ở trẻ em.

Hiện nay Trung tâm tim mạch phải phẫu thuật và can thiệp tim mạch liên tục các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy và chủ nhật, để giải quyết một số lượng lớn các trường hợp nặng và cấp cứu.

Khó khăn chung nhất không chỉ riêng ngành phẫu thuật tim mà các ngành khác là nguồn nhân lực tay nghề cao, bác sĩ chuyên khoa sâu và đặc biệt là điều dưỡng.

Vì vậy về phương diện đào tạo y khoa, mặc dù chúng ta không cần số lượng lớn nhưng vẫn phải nhanh chóng triển khai những chương trình chính quy đào tạo chuyên khoa sâu cho cả bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên giống như các nước tiên tiến trên thế giới để cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho nhóm bệnh nhân nặng.

Ca phức tạp thành công trên 90%

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết trải qua hơn 20 năm Trung tâm tim mạch của bệnh viện đã phẫu thuật mổ tim hở trên 6.000 ca và thông tim 8.000 ca. Tỉ lệ tử vong ở trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh lúc đầu rất cao khoảng 5 - 10% nhưng hiện tại là 0,45%.

Ngoài ra, tỉ lệ thành công của các ca phẫu thuật hiện nay là trên 90%, nhất là những ca phức tạp, tiệm cận được với các nước tiên tiến.

20 năm đưa ngành tim mạch nhi ra thế giới - Ảnh 3.Trung tâm tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cứu hơn 10.000 trẻ bệnh tim

Ngày 18-7, Tổ chức Children's HeartLink - tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ - đã công nhận Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng 1 là Trung tâm tim mạch xuất sắc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên