Gốc cây cao su có hình dáng đặc biệt, phần dưới bè ra và nhiều khối u sần - Ảnh: THÁI LỘC
Và khu bảo tồn bách thảo - bách thú quý giá ngay giữa lòng thành phố này chính là nơi khởi thủy ươm giống cao su tại Việt Nam cung cấp cho nhiều nơi. Trước khi trồng thành công, cây cao su đã trải qua giai đoạn thử nghiệm "trầy trật" ngay tại khu vườn này.
Tự tìm hiểu thì tôi thấy rằng cây cao su này có thể có mặt khoảng từ khi người ta muốn đưa cây cao su vào Việt Nam để xem có phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng hay không, để nhân giống, trồng trên diện rộng. Việc trồng chính xác thời điểm nào thì hiện chưa có tài liệu nào xác nhận một cách chính thống.
Bà TRẦN THỊ THÚY HẰNG
(phó giám đốc Xí nghiệp Quản lý thực vật - Thảo cầm viên Sài Gòn)
125 năm cây cao su tỏa đi từ đây
Sau khi chiếm được Sài Gòn và Nam Kỳ, người Pháp quyết định thành lập Vườn thực vật và Vườn thú Sài Gòn.
Theo sách 100 năm cao su ở Việt Nam của tác giả Đặng Văn Vinh, tháng 3-1864, người ta chọn khoảnh đất khoảng 12ha phía đông bắc Sài Gòn, cạnh kênh Alavanche (Thị Nghè) khi ấy chủ yếu sình lầy, nhiều tre pheo, cây bụi để xây dựng Vườn thực vật (Thảo cầm viên ngày nay).
Sự gấp rút xây dựng trước mắt để chuẩn bị việc trồng cây gì trong thành phố Sài Gòn đang được kiến thiết và nuôi những con thú sẽ đưa từ nước Pháp sang. Về lâu dài, cũng như nhiều "vườn thực vật" khác, nhằm thử nghiệm trồng cây mới ở Việt Nam để cung cấp nguyên liệu cho nền công nghiệp Pháp.
Vài năm sau, cơ sở 2 của Vườn thực vật cũng được xây dựng tại vùng sình lầy, nay ven đường Nguyễn Văn Cừ, phía tây nam Sài Gòn.
Nhà thực vật học J.B. Louis Pierre, giám đốc Thảo cầm viên từ 1865-1877, đã đi điều tra khảo sát cây cối nhiều nơi trên toàn xứ Nam Kỳ để lấy giống, đồng thời cho nhập về trồng thử nghiệm nhiều loại cây kinh tế, trong đó có cả cây cao su.
Trong năm 1877, trong số những giống cây nhập về Sài Gòn, ông Pierre đã cho nhập hạt cao su hévéa brasiliensis. Sang năm 1878, trong danh mục cây trồng tại Thảo cầm viên có hai cây cao su, và chính là hai cây cao su đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Ít năm sau, có thể do điều chỉnh phạm vi và quy hoạch lại cây trồng trong Thảo cầm viên mà người ta loại bỏ hai cây cao su đầu tiên này.
Năm 1884, một số cây cao su hévéa brasiliensis tiếp tục được gửi từ Vườn thực vật Buitenzorg (Indonesia) về Sài Gòn, và được vị lãnh sự Pháp đương thời hướng dẫn trồng ven một hồ nước ở cơ sở 2 Thảo cầm viên.
Giai đoạn này, người Pháp tiếp tục nghiên cứu về sự thích ứng của cây cao su để nhập giống về trồng tại Nam Kỳ.
Sau khi xác định cao su hiệu quả kinh tế hơn cả cà phê và mía đường - dù lúc ấy hai loài cây này đang hưng thịnh - vị kỹ sư người Pháp là Seeligmann tiếp tục gửi 50 cây cao su về trồng ở Sài Gòn.
Qua năm đầu sống được năm cây, ông tiếp tục gửi cây giống về trồng. Tuy nhiên, toàn bộ những cây này xem như... mất tăm tích.
Mãi cho đến năm 1897, đợt nhập giống cao su quy mô lớn do ông E. Raoul, một dược sĩ đam mê thực vật người Pháp, thực hiện, "kinh tế cao su" mới dần định hình và cũng là thời điểm được chính thức xác lập loài cây này có mặt tại Việt Nam.
Tài liệu của Phòng Kinh tế Đông Dương cho hay khi tới Sri Lanka, ông E. Raoul đã bỏ công nghiên cứu và mua hơn 2.000 hạt cao su hévéa brasiliensis gửi về Việt Nam. Số hạt này được giao cho ông Haffner, giám đốc Vườn thực vật Sài Gòn, ươm tại vườn này, lên được 1.800 cây con.
Năm 1897 (có tài liệu ghi năm 1898), số cây con này được phân chia: 1.000 cây trồng ở Vườn thực nghiệm Ông Yệm (Thủ Dầu Một), 200 cây gửi cho bác sĩ Yersin trồng ở Suối Dầu (Khánh Hòa), 600 cây còn lại cấp cho một số tư bản tư nhân Pháp, như Canavaggio, Josselme, Belland và một số người Pháp khác để trồng thử nghiệm.
Như vậy, Thảo cầm viên Sài Gòn chính là "đất tổ", nơi trồng cây cao su đầu tiên tại Việt Nam; là nơi khởi thủy của hàng loạt cao su được ươm trồng và cấp cho những vườn thực nghiệm và đồn điền cao su đầu tiên ở khu vực Nam Kỳ từ 125 năm trước.
Hiện nay, Thảo cầm viên có còn những cây cao su thời kỳ đầu ấy?...
Cây cao su cổ thụ trong Thảo cầm viên Sài Gòn - Ảnh: THÁI LỘC
Cổ thụ đặc biệt
Chúng tôi dạo một vòng quanh Thảo cầm viên với hy vọng may mắn tìm được cây cao su "đời đầu" ở Việt Nam.
Khu vườn gần 160 tuổi gồm khoảng 2.500 cây thuộc hơn 380 loài này, với nhiều người, đáng chú ý nhất là 50 cây quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, hoặc sự chú ý tập trung vào cây sọ khỉ được xem đưa về trồng sớm nhất và to nhất ở trong nước cho tới thời điểm hiện nay.
Nhưng với chúng tôi, điều đáng chú ý nhất của Thảo cầm viên vẫn là sự tồn tại của cây mét nằm ngay sát cổng Bảo tàng Lịch sử.
Là cây rừng tự nhiên tồn tại trước đó, khi thành lập Thảo cầm viên người ta đã giữ lại; cho dù phần thân chính đã bị ngã đổ và cây sống tái sinh từ phần vỏ, nhưng vẫn là cây xưa nhất, "chứng nhân đủ tư cách nhất" của cả khu vườn.
Khá nhiều công nhân tại khu vườn này khi được hỏi ở đây có cây cao su hay không, phần lớn bảo không biết. Tôi may mắn gặp một chị công nhân đạp xe làm nhiệm vụ, biết và chỉ đường: "Anh đi theo lối này, tới cổng chuồng voi, nhìn sang bên trái là thấy cái cây có phần gốc u sần là cây cao su đó!".
Cây cao su nằm ngay sát lối đi, cách mươi bước là các cổ thụ mù u, me tây, hợp hoan và mò cua...
Tiếp xúc nhiều nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến cây cao su có hình dáng lạ lùng đến như thế: cây cao chừng 15m, cành khá thưa thớt có vẻ do tranh chấp với những cây cổ thụ xung quanh, song phần gốc cây bè ra, đường kính khoảng gần 1m, mang trên mình hàng chục "khối u", khối này nối tiếp khối kia hoặc các khối chồng lên nhau làm cho hình thức trông khá dị dạng, rất đặc biệt.
Theo bà Trần Thị Thúy Hằng, phó giám đốc Xí nghiệp Quản lý thực vật - Thảo cầm viên Sài Gòn, đây là cây cao su duy nhất còn sót lại từ xưa ở Thảo cầm viên. Cây không có vết cạo. Chưa thể xác định được chính xác cây này bao nhiêu tuổi, song bà Hằng vẫn "hy vọng đây là cây cao su đời đầu của cao su Việt Nam".
Và dù cổ lão nhưng cây vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường, không có dấu hiệu bị xâm hại bên trong, không có hiện tượng mục thân, rỗng thân. Tán cây cũng tương đối gọn, phần gốc nhìn chung chắc chắn nên người chăm sóc chẳng cần phải cắt tỉa cành.
Bà Hằng cho biết tư liệu chính thống về cây cao su này, từ việc trồng, phát triển, gắn với những câu chuyện, sự kiện gì thì Thảo cầm viên không còn giữ.
Theo bà, hiện nay Thảo cầm viên chú ý hơn đối với những cây rừng có giá trị về nguồn gene, đặc hữu, quý hiếm, nhất là ngoài tự nhiên có nguy cơ tuyệt chủng... Cho nên đơn vị này ưu tiên trồng những loại cây đặc hữu, quý hiếm hơn là những cây công nghiệp như cao su.
"Vấn đề về khoa học hay về giá trị nguồn gene, bảo tồn đa dạng sinh học thì cây cao su này giá trị không lớn đối với Thảo cầm viên. Tất nhiên, cây cao su có ở đây từ xưa thì nó cũng gắn với những câu chuyện nhất định, cho nên hiện tại vườn cũng đang duy trì, chăm sóc để bảo tồn", bà Hằng nói.
Tất cả những tư liệu về buổi đầu "mò mẫm" thực nghiệm trồng cây và khai thác mủ cao su tại Việt Nam đều nhắc về công lao của vị bác sĩ khả kính Alexander Émile Jean Yersin và đồn điền Suối Dầu của ông.
Kỳ 3: Tìm cây cao su của bác sĩ Yersin nơi Suối Dầu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận