24/09/2021 09:59 GMT+7

120 ngày không có việc làm - Kỳ cuối: Những mong muốn cho ngày hoạt động lại

QUỐC MINH - DIỆU QUÍ
QUỐC MINH - DIỆU QUÍ

TTO - Gần 4 tháng đóng băng, ngừng hoạt động hoàn toàn, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng vì dịch giã bùng phát, và các lệnh giãn cách nghiêm ngặt đã khiến cả giới chủ lẫn người lao động đều kiệt quệ.

120 ngày không có việc làm - Kỳ cuối: Những mong muốn cho ngày hoạt động lại - Ảnh 1.

Đến nay, nhiều hàng quán vẫn không dám mở cửa lại vì không thể thực hiện được các quy định phòng dịch và sợ lỗ lã - Ảnh: QUỐC MINH

Họ đang tính toán, mong muốn gì cho "ngày bình thường mới", được hoạt động trở lại.

Nên có chiến lược rõ ràng

* Là chủ doanh nghiệp ngành sản xuất và kinh doanh giấy bao bì liên quan đến rất nhiều ngành hàng khác, điều ông quan tâm nhất lúc này là gì?

- Ông Trương Quang Văn (giám đốc Công ty sản xuất giấy PG Green): Doanh nghiệp chúng tôi đang ngổn ngang trăm mối lo toan, nhưng điều đầu tiên tôi quan tâm nhất lúc này là sau ngày 30-9 tới sẽ như thế nào. 

Chúng ta có chiến lược cụ thể, rõ ràng và dài hạn không? Doanh nghiệp chúng tôi rất sợ sự "giật cục" chính sách, chỉ thị, quy định này nọ. 

Doanh nghiệp đã kiệt quệ 4 tháng rồi, hệ quả của nó sẽ còn kéo dài nhiều tháng, thậm chí phải tính bằng năm, hàng năm. Nếu sắp tới nhà máy được tái hoạt động, rồi lại bất ngờ phải dừng vì biến động dịch giã thì sẽ như "đòn bồi" thêm trên cơ thể đã quá yếu ớt. Doanh nghiệp chúng tôi chắc chắn không thể chịu đựng nổi nữa.

Tôi nghĩ rằng nhiều nước lớn, nhỏ trên thế giới đã cho thấy rõ kinh nghiệm đối phó với dịch như thế nào. Nếu cố gắng dập dịch hoàn toàn thì sẽ ra sao, được không? Nếu "sống chung với dịch" thì phải làm gì? 

Chúng ta nên đúc kết các kinh nghiệm này và áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của mình. Và dù thế nào cũng phải cho doanh nghiệp thấy rõ ràng, cụ thể những chính sách dài hạn. Chúng tôi không thể nào chịu đựng nổi hôm nay thế này, hôm sau thế khác.

Bốn tháng phòng chống dịch với đủ cấp độ quyết liệt, nghiêm ngặt nhất của TP.HCM đã cho thấy kết quả cụ thể, và rõ ràng là không còn gì bất ngờ nữa để phải bị động, đối phó tình thế. Từ đó, nên xây dựng chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Điều này không chỉ vô cùng cần thiết cho doanh nghiệp mà cho cả người dân tính toán cuộc sống, công ăn việc làm của mình trong thời kỳ "bình thường mới" của xã hội có COVID-19.

Điều đặc biệt nữa là các chính sách này phải cụ thể, dễ hiểu, có thể áp dụng được, chứ không nên chung chung cho tùy nghi diễn giải và thực hiện mỗi nơi mỗi kiểu, làm thuận lợi cho bên này, khó cho bên kia như vừa qua.

* Nhiều người đang căng thẳng tài chính, từ người lao động đến doanh nghiệp. Mối bận tâm về vấn đề tài chính của doanh nghiệp ông hiện ra sao?

- Ông Trương Quang Văn: Tài chính thì rõ ràng đang kiệt quệ rồi. Bốn tháng trời hầu như tê liệt hoạt động, dòng tiền doanh nghiệp cũng tê liệt theo, và đang rất cần chính sách hạ lãi suất thực tế cho vay của ngân hàng. 

Tôi nói hạ lãi suất thực tế vì có nhiều lời kêu gọi, công bố hạ lãi suất này nọ để hỗ trợ doanh nghiệp lúc ngặt nghèo, nhưng thực tế có mấy ngân hàng bên dưới hạ đâu. Có mấy doanh nghiệp được hạ lãi suất cho vay và hạ được bao nhiêu, đáng kể không?

Hơn bốn tháng đợt dịch thứ năm 2021 này, tôi ròng rã thương thuyết xin hạ lãi suất vay mà chưa thành công. Qua cả bốn đợt dịch, tôi chỉ được hạ chút lãi suất vay ngắn hạn trong đợt dịch đầu tiên năm 2020. Con số này là không đáng kể.

Doanh nghiệp nào cũng có hai phần vay dài hạn và ngắn hạn. Cái tôi quan tâm nhất là hạ lãi suất vay dài hạn, còn ngắn hạn hạ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Một thực tế nữa là doanh nghiệp nhỏ chiếm số đông như chúng tôi lại rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, trong khi các doanh nghiệp lớn lại dễ hơn.

120 ngày không có việc làm - Kỳ cuối: Những mong muốn cho ngày hoạt động lại - Ảnh 2.

Các nguồn nhân lực đều đang tập trung phòng chống dịch - Ảnh: QUỐC MINH

Cần các gói hỗ trợ từ Chính phủ

* Là một trong những nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch này, anh đánh giá tình hình chung về "sức khỏe" của các doanh nghiệp nhóm ngành của mình hiện nay nói chung và doanh nghiệp cá nhân nói riêng thế nào?

- Anh Nguyễn Nhất Vũ (tổng giám đốc Công ty du lịch Fittour): Trải qua 4 đợt dịch, tôi nghĩ "sức khỏe" của các doanh nghiệp lữ hành giảm sút nghiêm trọng, nếu không muốn nói là "chết lâm sàng" khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Cũng như tình hình chung, công ty tôi đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn khi doanh thu sụt giảm, tour hoãn, hủy gần như toàn bộ. Hiện tại phải sử dụng nguồn ngân sách dự phòng cuối cùng của doanh nghiệp.

* Anh đã có sự chuẩn bị gì cho đợt tái hoạt động sắp tới? Việc mở cửa của doanh nghiệp được thực hiện theo lộ trình ra sao và ưu tiên điều gì?

- Anh Nguyễn Nhất Vũ: Hệ thống công ty cũng như một cỗ máy vận hành bị bỏ lâu ngày. Trước mắt cần kiểm tra, bảo trì lại hệ thống, tra dầu nhớt... để hệ thống ấy có thể khởi động lại được, rồi mới tính đến chuyện hoạt động trơn tru. Vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp lữ hành là bắt đầu lại như thế nào, bắt đầu từ đâu trong khi đại dịch vẫn còn phức tạp và các nguồn lực đang kiệt quệ dần.

Hiện 100% nhân viên của chúng tôi đã được tiêm vắc xin mũi 1 và 70% trong đó đã tiêm mũi 2. Chúng tôi vẫn duy trì làm việc tại nhà. Chúng tôi đã và sẽ thống nhất với các khách hàng dời/hoãn chuyến đi trong năm nay vào một thời điểm an toàn khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Một số đối tác châu Âu, châu Phi của chúng tôi đã sẵn sàng đón khách từ tháng 10-2021. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc dự đoán và lên kế hoạch cho năm 2022.

* Anh nhìn nhận chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn thời gian qua như thế nào?

- Anh Nguyễn Nhất Vũ: Chúng tôi chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các chính sách. Việc hỗ trợ cũng cần có các phương án tính toán, cân đối ngân sách cẩn trọng và cần có thời gian. Tuy vậy vẫn mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các ban ngành về du lịch.

* Qua tháng 10, TP có thể sẽ mở cửa dần nền kinh tế nhưng hiện tại tình hình dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp. Là chủ một doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng vì dịch, anh có kiến nghị gì về các quy định, chính sách của Nhà nước giúp các doanh nghiệp hồi sinh trở lại? Đâu là sự hỗ trợ mang tính cấp thiết nhất?

- Anh Nguyễn Nhất Vũ: Hiện tại chúng tôi phải huy động toàn bộ nguồn lực và thương lượng với các nhà cung cấp, đối tác, khách hàng để giãn công nợ, giảm tiền thuê văn phòng để cùng nhau đi qua giai đoạn khó khăn này.

Theo tôi, để sớm "hồi sinh", doanh nghiệp lữ hành cần được tiếp cận những gói cứu trợ từ Chính phủ, tiếp cận được gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp lữ hành. Đây là hai yếu tố cơ bản nhất như những "bình oxy" cho nạn nhân F0 cần hồi phục.

- Ông Trương Quang Văn: Là doanh nghiệp sản xuất cần nguồn vốn dài hạn và ngắn hạn để tái hoạt động, tôi rất mong chính sách hạ lãi suất ngân hàng cho vay được thực hiện đồng bộ và doanh nghiệp có thể tiếp cận được hiệu quả, chứ không chỉ là "hạ lãi suất" trong cuộc họp hay trên các bản tin.

Anh Nguyễn Thanh Vũ (chủ cửa hàng giày chính hãng Bulldog): Đối với nhóm ngành thời trang thì nhu cầu ăn mặc sẽ xuất hiện khi người ta được đi lại bình thường, còn khi chỉ ở nhà thì nhu cầu đó không còn nữa, chỉ một số ít có nhu cầu mua để dành.

Đợt tái hoạt động sắp tới, mục tiêu của tôi là xả hàng trong kho để thu lại tiền mặt. Ngoài ra vẫn phải xem tình hình dịch thế nào rồi tính tiếp, còn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước. Tôi sẽ tìm hướng đi mới như kinh doanh thực phẩm chức năng, dịch vụ ăn uống theo nhu cầu hiện tại của người dân để xoay xở, không thể nào dồn lực cho tiệm giày nữa.

Về chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh thì tôi chưa thấy hợp lý lắm. 4 tháng nghỉ dịch tôi mất 200 triệu đồng chỉ riêng tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, chưa kể các phí khác và vốn "chết" trong kho. Cá nhân tôi nghĩ tại sao lúc mới bùng dịch, không sớm triển khai cho doanh nghiệp chích vắc xin dịch vụ và ưu tiên doanh nghiệp nào chích ngừa xong thì hồi phục hoạt động trước. Trong khi để quá lâu, không thể làm gì và kéo mọi thứ đồng loạt đi xuống.

120 ngày không có việc làm  - Kỳ 4: Chủ cũng điêu đứng 120 ngày không có việc làm - Kỳ 4: Chủ cũng điêu đứng

TTO - Là người trước giờ mua đồ không nhìn giá, song ông chủ trẻ cho biết hiện chi tiêu bất kỳ cái gì cũng phải xem có giảm giá không, có cần thiết hay không.

QUỐC MINH - DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên