22/09/2021 10:52 GMT+7

120 ngày không có việc làm - Kỳ 3: Giỏi nghề cũng mỏi mòn nằm nhà

MẠNH DŨNG - LÊ VÂN
MẠNH DŨNG - LÊ VÂN

TTO - Bình thường, những người có tay nghề chuyên môn sống rất ổn, thậm chí còn được săn đón làm việc và trả lương cao, nhưng đợt dịch thứ tư này họ cũng phải mỏi mòn nằm dài ở nhà suốt gần 4 tháng qua.

120 ngày không có việc làm - Kỳ 3: Giỏi nghề cũng mỏi mòn nằm nhà - Ảnh 1.

Tiệm hớt tóc tấp nập của anh Lâm giờ cửa đóng then cài - Ảnh MẠNH DŨNG

"Đóng băng" hoàn toàn

"Cả bốn tháng rồi, tôi chưa có một hợp đồng nào cả. Tình hình căng quá, nếu qua tháng 10 mà dịch giã không ổn, gia đình 6 người của tôi không biết sống ra sao nữa" - kiến trúc sư Nguyễn Trung Thành, người đã có gần 20 năm làm việc ở quận Tân Bình, TP.HCM, tâm sự. 

Anh Thành kể từ đầu năm 2020 về trước, cuộc sống gia đình khá ổn nhờ nghề thiết kế nhà của anh. Ngoài vẽ nhà, anh còn kiêm  tư vấn vật liệu xây dựng, nội thất, nên trung bình anh thu nhập 400 - 500 triệu đồng mỗi năm để nuôi vợ làm nội trợ, hai con đang đi học, kể cả cha mẹ vợ lớn tuổi lại bị tàn tật vì tai nạn giao thông.

Nhưng từ năm 2020 khi dịch giã bùng phát, nghề chuyên môn của anh Thành bắt đầu xuống dốc, giảm cả hơn nửa thu nhập. Đến cuối tháng 5-2021 này, "cơn bão" khó khăn dồn dập nặng thêm với gia đình anh. 

"Có hợp đồng thiết kế đã thỏa thuận cho tôi vẽ, nhưng chủ nhà lại hủy vì không thể xây dựng được trong tình hình dịch căng thẳng này. Những hợp đồng mới thì hoàn toàn không có nữa. Không riêng gì tôi mà có mấy kiến trúc sư không kiếm ra nổi hợp đồng mới lúc này?" - anh Thành kể thêm 4 tháng không có thu nhập, cộng thêm hơn một năm khó khăn trước đó, đã khiến vợ chồng anh phải bán cả vòng vàng cưới, kỷ vật 20 năm của họ để xoay xở sáu miệng ăn.

Túng quẫn, họ bán luôn cả chiếc xe ga của người vợ nhưng nói dối bố mẹ là cho bạn mượn tạm. Anh Thành chùng giọng nói: "Ông bà già rồi, đã stress vì dịch giã, chắc không chịu đựng nổi khi thấy con cháu sa cơ khó khăn như vậy".

So với anh Thành, nghề hớt tóc bình dân của anh Võ Văn Lâm tuy dân dã hơn nhưng cũng nuôi sống gia đình cả chục năm qua. Có mặt tiền nhỏ ở đường Tên Lửa, quận Bình Tân, anh Lâm cầm kéo, vợ phụ việc, mỗi ngày cũng kiếm được gần 20 cái đầu đủ để gia đình sống nhẹ nhàng. Nhưng cuối tháng 5 vừa rồi, anh đưa vợ con về quê Đồng Tháp chơi, ai ngờ mắc kẹt luôn dưới đó vì dịch giã. 

"Mà có ở Sài Gòn tôi cũng đâu có làm nghề được, hớt tóc là một trong những dịch vụ bị cấm đầu tiên" - anh Lâm cho biết thêm không mở được tiệm, mỗi ngày họ mất hoàn toàn 400.000-500.000 đồng, không thể kiếm đâu ra được đồng nào.

Mắc kẹt ở Đồng Tháp, vợ chồng anh hớt tóc đang ngày ngày hái rau vườn, lưới cá để cầm cự miếng ăn cho hai con nhỏ. "Ngày nào tôi cũng đọc tin tức trên điện thoại, trông ngóng được mở lại tiệm. Chưa bao giờ bị mất thu nhập trắng suốt 4 tháng thế này" - anh Lâm trĩu giọng.

Đồng cảnh khó khăn, anh Nguyễn Hưng, 35 tuổi, một giám đốc làm thuê ngành khách sạn - dịch vụ tại TP.HCM, đang điêu đứng vì công ty có khách sạn anh quản lý đang lỗ nặng. Hưng tốt nghiệp ĐH Kinh tế, hai năm trước được tuyển dụng làm giám đốc một khách sạn tại quận 1. Nhưng đó cũng là lúc cơn bão COVID-19 ập đến. Nếu như năm ngoái đại dịch còn ngấp nghé thì tháng 5 năm nay, nó ập thẳng vào... Hưng.

Dịch giã, công ty Hưng giảm lương 30-50%. Từ mức lương khá khẩm, Hưng đang phải ăn dè, sống mòn để cầm cự. Anh còn lo cho gia đình có con nhỏ mới 5 tuổi, mẹ đang chạy thận, bố mất sức lao động. Mọi thứ trở nên khó khăn không tưởng với Hưng. 

Hưng bộc bạch: "Sau hơn 3 tháng nghỉ việc, từ giảm lương, tôi bị trả về phòng kinh doanh của trụ sở chính làm việc, mảng khách sạn coi như "chết đứng.  Công ty trên bờ vực phá sản nên cắt giảm hầu hết nhân sự, chỉ giữ lại các vị trí quan trọng để chờ dịch qua".

120 ngày không có việc làm - Kỳ 3: Giỏi nghề cũng mỏi mòn nằm nhà - Ảnh 2.

Anh Phi Hùng những ngày còn làm nghề chụp ảnh, đang mong được quay lại công việc - Ảnh LÊ VÂN

Cơn ác mộng của những "start up" trẻ

Gần 120 ngày giãn cách lần này thực sự trở thành cơn ác mộng với nhiều bạn trẻ của thành phố khởi nghiệp lớn nhất nước. Anh Phi Hùng, quận Tân Bình, TP.HCM, cùng vợ gom góp hết tiền tiết kiệm trước khi cưới để mở tiệm spa nhỏ gần 2 năm nay. Mới chớm có nguồn thu thì dịch ập đến khiến họ điêu đứng.

Anh Hùng vốn là nhiếp ảnh gia chụp sự kiện, đám cưới, người mẫu cũng lao đao vì hợp đồng dần bỏ anh đi từ tháng 2-2021 tới nay. Tiệm spa của gia đình anh càng khó khăn vì chi phí mặt bằng vẫn nguyên đó, giãn cách kéo dài suốt 4 tháng nay khiến vợ chồng như ngồi trên đống lửa. Hiện tại biết khó mà mở lại tiệm được, vợ chồng anh Hùng spa xoay qua bán... cá online để cầm cự.

Trong khi đó, cô gái 29 tuổi với 5 năm khởi nghiệp ở một tiệm đồ da thủ công là Trần Thùy (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng rơi vào tình trạng căng thẳng suốt mấy tháng nay vì dịch giã. Thùy chia sẻ: "Tụi mình thật sự đang trên bờ vực phải dừng lại hoàn toàn. Hồi đầu dịch thì vẫn duy trì làm việc online nhưng sau đó gần như chết đứng. Thực hiện "3 tại chỗ" 3 tháng liền tụi em cũng không xoay chuyển được tình hình ổn hơn. Thậm chí có lúc muốn từ bỏ".

Nếu hồi đầu dịch, Thùy vẫn lạc quan thì sau đó cô rơi vào tình trạng stress nặng. "Hầu như tụi mình không thể xoay xở mà thay đổi chiến lược kịp. Chi phí mặt bằng, nguyên phụ liệu rồi tới kỳ trả lương cho nhân viên. Mỗi tháng gần 200 triệu đồng" - cô kể cách đây một tháng phải cắt giảm hơn 50% nhân lực.

Thùy tâm sự: "Các bạn nhân viên rất nhớ công việc, tụi mình nhắn tin lên group mỗi ngày. May là bạn nào cũng lạc quan và khỏe mạnh, ai cũng mong được sớm gặp nhau. Trong mùa dịch này, các bạn cũng thông cảm cho mình rất nhiều". Thùy chia sẻ mùa dịch nên cô không có chi phí phụ thêm cho nhân viên được vì thiếu thốn do gồng gánh nhiều thứ. Nhưng Thùy hứa khi được làm việc lại, cô nhất định tìm mọi cách để bù đắp cho nhân viên.

Bạn bè Thùy làm trong ngành dịch vụ bar, pub thì hầu như đóng cửa luôn. Thùy bùi ngùi chia sẻ về lần đi khai trương một quán bar của người bạn thân mới được 1-2 tuần thì lệnh phong tỏa ập tới, quán bar coi như đóng cửa luôn, bạn cô phải chuyển sang công việc khác.

Trước mắt có nhiều khó khăn, nhưng điều Thùy và nhân viên mong ngóng nhất là được trở lại với công việc. "Nhớ mùi khét của da mỗi khi chạm khắc, nhớ những buổi tăng ca để kịp đơn cho khách lắm rồi. Chỉ mong sao tiền thuế cuối năm sẽ giảm được ít nhiều cho doanh nghiệp nhỏ như tụi mình. Hoặc có thể kinh doanh thêm mặt hàng thời vụ để duy trì công ăn chuyện làm cho anh em nhân viên" - cô tâm sự.

Những ngày giãn cách, cô gái trẻ Trần Thùy nhớ lại thời hoàng kim khi khách ra vào phải đặt lịch tiệm mới phục vụ kịp. "COVID ơi, bao giờ cho đến tháng 10?" - Thùy tâm sự.

4 tháng nằm nhà, anh Trần Văn Chân, một thợ mộc có 30 năm tay nghề ở đường An Dương Vương (quận 6, TP.HCM), cho biết chưa bao giờ đời nghề của mình lại thất nghiệp, mất thu nhập dài như thế này.

"Hồi chưa dịch giã, cánh thợ mộc giỏi có giá lắm. Một ngày làm việc 500.000-700.000 đồng mà muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ, vì việc cần người chứ người không cần việc. Nhưng bây giờ, tụi tôi tìm đỏ mắt cũng không ra chuyện gì làm để có chút tiền nuôi vợ con" - anh Chân kể mình may mắn được đủ hai suất chính quyền hỗ trợ với tổng 3 triệu đồng, nhưng số tiền này chưa đủ đóng nửa tiền nhà trọ và chi phí điện nước suốt 4 tháng nằm nhà.

Vừa rồi, anh Chân phải cầm chiếc xe Honda được 13 triệu đồng để lo 5 miệng ăn trong nhà. Nếu tháng 10 chưa được làm lại, chắc anh mất luôn chiếc xe này vì không thể nào chuộc lại nổi với lãi suất quá cao.

Kỳ tới: Chủ cũng điêu đứng

"Nhìn tụi tui làm chủ quán, chủ cơ sở này nọ, nhiều người nghĩ còn của để dành nhưng thật sự kiệt quệ lắm rồi".

120 ngày không có việc làm - Kỳ 2: Khi công nhân không thể đến nhà máy 120 ngày không có việc làm - Kỳ 2: Khi công nhân không thể đến nhà máy

TTO - "Tháng này mẹ lo cho cháu giúp con, cháu sắp đi học rồi, bao giờ có tiền con sẽ gửi về sau" - chị Hương thở dài qua cuộc gọi về cho mẹ.

MẠNH DŨNG - LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên