Hệ tiêu hóa. Nguồn: emedicinehealth.com
Đau bụng là triệu chứng về tiêu hoá thường gặp hằng ngày. Đau bụng thường không kéo dài và có nguyên nhân do nhiễm trùng ở đường tiêu hóa hay rối loạn tiêu hóa nhẹ, ngoài ra đau bụng còn có thể do nhiều nguyên nhân khác. Khi cơn đau trở nên dữ dội hay đau không thuyên giảm nhanh, bạn có thể cần đến sự can thiệp của bác sĩ.
Trước tiên, bụng là phần cơ thể nằm dưới xương sườn và trên vùng chậu. Khi bạn bị đau ở vùng này thì các bác sĩ sẽ gọi đó là đau bụng. Tuy nhiên, đau bụng còn có những thuật ngữ khác như đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa,…
Thường thì đau bụng là do tổn thương ở đường tiêu hóa, đôi khi nó có thể là do tổn thương ở những cơ quan khác.
Đường tiêu hóa là gì?
Đường tiêu hóa (hay còn gọi là ống tiêu hóa) bắt đầu từ miệng và tận cùng ở hậu môn. Khi chúng ta ăn hay uống, thức ăn và nước uống đi xuống thực quản rồi vào trong dạ dày. Dạ dày có nhiệm vụ nhào trộn thức ăn và sau đó đẩy xuống ruột non.
Ruột non (hay còn gọi là tiểu tràng) dài vài mét và là nơi thức ăn được tiêu hóa và hấp thu. Thức ăn, nước không được tiêu hóa và sản phẩm dư thừa sẽ được đẩy xuống ruột già. Phần ruột già chính được gọi là đại tràng, đoạn này dài khoảng 150cm. Nó được phân ra làm 4 đoạn: đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống và đại tràng sigma. Từ đây, một lượng nước và muối sẽ được hấp thu vào cơ thể. Tiếp nối đại tràng là trực tràng dài khoảng 15cm, là nơi chứa phân trước khi chúng được tống ra khỏi cơ thể qua hậu môn.
Có những loại đau bụng nào?
Các bác sĩ có những từ ngữ khác nhau để mô tả các kiểu đau bụng khác nhau. Nói chung, đau bụng có thể là đau nhói hay đau như dao đâm, đau căng tức, đau từng cơn hay đau âm ỉ khắp bụng. Đau từng cơn có nghĩa là đau từ từ, dần dần tăng lên sau đó dịu trở lại. Nó xảy ra lặp đi lặp lại nhiều lần.
Các bác sĩ cũng có thể quan tâm đến việc liệu đau bụng này có lan (hay di chuyển) theo một hướng nào đó hay không. Việc có được những triệu chứng này cùng với những triệu chứng khác như có buồn nôn hay tiêu lỏng hay không sẽ giúp các bác sĩ tìm ra bệnh.
Đau bụng xuất hiện đột ngột được gọi là đau bụng cấp tính. Đau bụng kéo dài hơn được gọi là đau bụng mạn tính. Sau đây là các nguyên nhân gây đau bụng thường gặp.
Những nguyên nhân nào có thể gây ra đau bụng?
Dưới đây không phải là tất cả các nguyên nhân có thể gây ra đau bụng mà chỉ là một số nguyên nhân thường gặp:
Chứng đầy bụng khó tiêu
Khó tiêu là cảm thấy khó chịu trong người sau khi ăn. Có thể là cảm giác không thoải mái ở phần bụng trên hay ở sau xương ức. Nó thường xuất hiện sau khi ăn một loại thức ăn cụ thể, có thể là đồ ăn chứa nhiều chất béo và đạm. Cũng có thể là cảm giác ợ hơi nhiều và có vị chua trong miệng . Nó thường xuất hiện trong một vài giờ đồng hồ. Dùng thuốc có bán ở các hiệu thuốc có thể sẽ làm dịu cơn đau.
Với người già hay những người mắc bệnh tim, đau bụng do khó tiêu xuất hiện khi gắng sức hay căng thẳng sẽ đáng lo ngại. Đôi khi khó có thể phân biệt cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim với chứng khó tiêu. Nếu đau lan lên quai hàm hay xuống cánh tay trái thì có thể đó là cơn đau thắt ngực. Nếu nó mất đi nhanh, hãy thử đến khám bác sĩ, còn nếu nó không dịu đi và cảm thấy khó chịu, hãy gọi cấp cứu.
Táo bón
Táo bón là một nguyên nhân thường gặp. Táo bón có nghĩa là số lần đi ngoài ít hơn so với bình thường hay khó rặn hoặc đau khi đi ngoài. Đôi khi có đau bụng từng cơn ở vùng bụng dưới. Nếu táo bón nặng, có thể gặp chướng bụng và mệt mỏi.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn thường gặp ở phụ nữ, sau 40 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết đến rõ ràng. Các triệu chứng có thể khá khác nhau, gồm có: Đau bụng, chướng bụng, có thể tiêu chảy và/hoặc táo bón. Các triệu chứng xuất hiện rồi biến mất. Hội chứng ruột kích thích không chữa trị được nhưng các triệu chứng có thể thường giảm đi nếu điều trị.
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là tình trạng viêm nhiễm ở ruột thừa. Ruột thừa là một túi nhỏ lồi ra khỏi thành ruột. Viêm ruột thừa là 1 bệnh lý hay gặp hằng ngày. Triệu chứng đặc hiệu là đau bụng nặng lên dần dần trong vòng 6 đến 24 giờ đồng hồ. Đau thường khởi đầu từ vùng giữa bụng hay trên rốn, nhưng sau đó thường lan đến vùng hông bên phải. Một số trường hợp có ít triệu chứng đặc hiệu.
Sỏi thận
Đau bụng đầu tiên ở lưng và có cảm giác như lan ra vùng bụng đến mặt trong đùi, có thể là do sỏi thận. Đau bụng dữ dội xuất hiện, đau quặn lên từng cơn sau đó biến mất và được gọi là cơn đau quặn thận. Đau mất đi khi viên sỏi đi qua được vị trí tắc nghẽn. Đôi khi sỏi không thể đi qua, cần phải đến bệnh viện để tán sỏi thành những viên nhỏ hơn. Có thể còn có máu trong nước tiểu.
Nhiễm khuẩn tiết niệu
Đây là nguyên nhân thường gặp của cơn đau liên tục ở vùng bụng dưới ở phụ nữ. Nó rất ít gặp ở nam giới. Kèm theo đau bụng, có thể có mệt mỏi và vã mồ hôi. Khi đi tiểu, có thể đau nhói, đau buốt và đái máu.
Viêm nhiễm vùng tiểu khung
Viêm nhiễm vùng tiểu khung là tình trạng nhiễm trùng ở tử cung và ống dẫn trứng, điều trị bằng kháng sinh. Triệu chứng hay gặp nhất là đau ở vùng bụng dưới (tiểu khung), có thể đau từ nhẹ đến nặng. Có thể đau trong khi quan hệ. Phụ nữ có thể gặp chảy mủ âm đạo kèm theo, có huyết trắng hôi và ngứa.
Sỏi mật
Rất nhiều người không biết họ có sỏi mật. Triệu chứng bao gồm đau dữ dội ở vùng bụng trên bên phải, và được gọi là cơn đau quặn mật. Vị trí đau nhất thường là bên phải, ngay dưới xương sườn. Nếu sỏi được đẩy vào ống dẫn mật (sau đó xuống ruột) hay quay trở lại túi mật thì đau sẽ giảm và mất đi. Nếu đau nhiều vùng bụng trên bên phải kèm theo có tình trạng vàng da và sốt, đó có thể là bạn đã có sỏi trong đường dẫn mật chính và có tình trạng nhiễm trùng. Trong trường hợp này bạn nên đến bệnh viện sớm để có chẩn đoán chính xác và phương hướng điều trị hiệu quả nhất.
Đau bụng do sỏi mật có thể kéo dài một vài phút nhưng phổ biến hơn là vài giờ đồng hồ. Đau dữ dội có thể chỉ xuất hiện một lần trong đời hay có thể thỉnh thoảng tái phát. Đôi khi những cơn đau ít dữ dội nhưng khó chịu thỉnh thoảng xuất hiện, đặc biệt là sau một bữa ăn nhiều chất béo khi mà túi mật co nhỏ nhất.
Đau bụng kinh
Phần lớn phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt đều thấy đau bụng. Đau thường ở mức độ vừa phải nhưng một số trường hợp đau dữ dội đến mức ảnh hưởng đến những hoạt động hằng ngày, không thể đến trường hay làm việc được. Với người già, đau bụng có xu hướng giảm đi. Có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm để làm dịu bớt cơn đau.
Ngộ độc thức ăn
Khi nhắc tới ngộ độc thức ăn, chúng ta thường nghĩ tới viêm dạ dày ruột điển hình, một tình trạng viêm nhiễm ở ruột mà thường gây ra ỉa chảy, có hoặc không có nôn kèm theo. Triệu chứng thường gặp là đau bụng từng cơn kèm nôn ói. Cơn đau có thể dịu đi một lúc sau mỗi lần đi ngoài hay sau khi nôn ói.
Loét dạ dày - tá tràng
Đau do ổ loét có thể xuất hiện và tự mất đi. Đau ở vùng bụng trên nhưng cũng có thể đau xuyên ra sau lưng. Đau thường xuất hiện vào buổi tối và lúc thức dậy. Ăn vào có thể bớt đau nhưng với một số loại loét lại đau tăng lên. Bạn cần đến bác sĩ để được tư vấn nội soi dạ dày đề loại trừ các bệnh lý ác tính và có phương hướng điều trị thích hợp
Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một bệnh gây nhiễm trùng đường ruột. Bệnh thỉnh thoảng xuất hiện. Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào phần nào của ruột bị viêm và mức độ viêm nhiễm. Các triệu chứng hay gặp là ỉa chảy, ỉa máu, đau bụng và mệt mỏi.
Trên đây không phải là toàn bộ các nguyên nhân gây ra đau bụng, mà chỉ là một số nguyên nhân thường gặp nhất. Mọi người thường lo lắng rằng đau bụng là do ung thư, nhưng trong phần lớn các trường hợp, hầu hết các bệnh ung thư ruột hay gặp như ung thư đại tràng sẽ có các triệu chứng khác nữa, có thể là gầy sút, chảy máu hay thay đổi thói quen đi ngoài.
Những thăm khám gì có thể được chỉ định?
Một số bệnh có thể không cần thăm khám. Mặt khác, loại thăm khám sẽ phụ thuộc vào phần nào của bụng bị tổn thương.
Điều trị gì có thể được đưa ra khi đau bụng?
Giống như đã nói ở trên, điều này sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân có thể gây đau bụng là gì. Một số loại đau có thể chữa trị bằng thuốc thông thường có bán ở hiệu thuốc. Một số có thể phải cần chữa trị tại bệnh viện.
Bạn có thể nhận ra loại đau bụng của mình thuộc loại nào trong những loại đã được mô tả ở trên. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải cơn đau nào không mất đi nhanh chóng (trong vòng một vài giờ đồng hồ) hay bạn không thể chịu được nữa, bạn nên gặp bác sĩ để khám và điều trị.
Làm thế nào để giữ cho đường tiêu hóa khỏe mạnh?
Ăn nhiều hoa quả và rau xanh
Nên ăn ít nhất 5 khẩu phần hoa quả và rau xanh khác nhau mỗi ngày. Nếu vậy sẽ làm giảm khả năng mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư đại tràng.
Ngoài ra, hoa quả và rau xanh còn:
- Chứa nhiều chất xơ tốt cho ruột, làm giảm nguy cơ mắc táo bón và bệnh túi thừa;
- Chứa nhiều vitamin và chất khoáng, giúp cơ thể khỏe mạnh;
- Tất nhiên là ít chất béo;
- No và ít năng lượng.
Ăn nhiều chất xơ
Chất xơ là phần của thức ăn mà không bị tiêu hóa. Nó tạo cảm giác no nhưng ít năng lượng, giúp cho đường tiêu hóa nhào trộn nhịp nhàng, giảm nguy cơ táo bón và các bệnh đường ruột khác. Chất xơ cũng có thể giúp làm giảm mức cholesterol xuống.
Thức ăn giàu tinh bột, hoa quả và rau xanh chứa nhiều chất xơ nhất. Vì vậy, ăn nhiều thức ăn giàu tinh bột, hoa quả và rau xanh cũng sẽ tăng lượng chất xơ vào cơ thể. Ngoài ra, đậu cũng chứa nhiều chất xơ.
Khi ăn chế độ ăn giàu chất xơ, nên uống nhiều nước (ít nhất 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận