Ếch Leiopelma archeyi
Ảnh: Phil Bishop/IUCN
Theo báo Anh Guardian, loài ếch "cực kỳ nguy cấp" Leiopelma archeyi sống trên bán đảo Coromandel (loài đặc hữu của New Zealand) có quần thể dân số giảm mạnh 80% trong thời gian 1996-2001.
Tuy nhiên, nhờ chiến dịch bảo tồn môi trường sống hợp lý, cách ly các khu vực khai thác mỏ… nên dân số chúng hiện cải thiện ở mức "ổn định".
Chim cắt Falco punctatus
Ảnh: Jacques de Speville/IUCN
Năm 1974, loài cắt Falco punctatus tại đảo quốc Mauritius, Đông Phi bị đe dọa bên bờ tuyệt chủng, chỉ còn 4 cá thể nhưng chỉ có một con cái có khả năng sinh sản.
Các nỗ lực bảo tồn thực hiện như chăm sóc trong môi trường nuôi nhốt, tăng cường thức ăn dinh dưỡng...nên dân số của chúng hiện tăng lên 400 cá thể.
IUCN đánh giá đây là một trong những dự án bảo tồn chim thành công nhất trên thế giới.
Dơi Pteropus rodricensis
Ảnh: Jacques de Speville/IUCN
Loài dơi ăn trái cây Pteropus trên đảo Rodrigues nằm ở phía tây Ấn Độ Dương có dân số từ 70-100 con trong thập niên 1970 nhưng nay tăng lên đáng kể khoảng 25.000 con nhờ nỗ lực trồng rừng và bảo vệ rừng.
Đười ươi Pongo abelii
Ảnh: Chester Zoo/IUCN
Các đồn điền trồng dầu cọ không bền vững đang lấn chiếm diện tích đất rừng trên thế giới đã dẫn tới loài đười ươi cùng với nhiều loài khác bên bờ tuyệt chủng.
Điển hình là loài đười ươi Sumatra Pongo abelii đang bị đe dọa nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 1/3 (36%) dân số loài này sống trong các khu bảo tồn.
Hiện sở thú Chester, Anh đang nỗ lực thực hiện "thành phố dầu cọ Chester bền vững đầu tiên trên thế giới" để bảo vệ đười ươi.
Vượn cáo Prolemur simus
Ảnh: Russell A. Mittermeier/IUCN
Loài vượn cáo lớn Prolemur simus chỉ được tìm thấy trong những cánh rừng phân mảnh ở đông Madagascar. Ban đầu, loài này được cho tuyệt chủng nhưng đã tái khám phá vào năm 1986 ở vùng rừng Ranomafana.
Các nhà sinh vật học cùng với cộng đồng địa phương nỗ lực thực hiện chiến dịch bảo tồn trước các vấn nạn như phá hủy môi trường sống và săn bắn nên loài vượn cáo này "bước đầu đã có những kết quả tích cực".
Dẽ Calidris pygmaea
Ảnh: Mark Simpson/IUCN
Vùng Meinypil’gyno, Nga là nơi sinh sống của quần thể nhỏ loài dẽ Calidris pygmaea vào mùa hè. Chúng chỉ sinh sản tại Meinypil’gyno, dân số của chúng có thời điểm giảm chỉ còn 200 cặp chim do bẫy chim và ảnh hưởng các dự án cải tạo khu vực bờ biển.
Sau đó, nhờ thực hiện nhân giống chúng trong môi trường nuôi nhốt nên đến nay đã phóng thích hơn 100 con chim vào môi trường sống tự nhiên.
Tuyết tùng Cedrus libani
Ảnh: James Hardcastle/IUCN
Tuyết tùng Cedrus libani là loài cây biểu tượng của Libăng khi hình vẽ màu xanh lá cây loài cây này được in trên quốc kỳ của quốc gia này. Bức ảnh trên được chụp tại khu bảo tồn thiên nhiên tuyết tùng Al-Shouf, nơi chiếm ¼ diện tích rừng tuyết tùng còn lại của Libăng.
Khu bảo tồn này là một phần trong chương trình của IUCN nhằm khuyến khích, thúc đẩy các dự án bảo tồn loài trên thế giới.
Đồi mồi dứa Chelonia mydas
Ảnh: James Hardcastle/IUCN
Đồi mồi dứa Chelonia mydas là loài được bảo vệ nghiêm ngặt trên bình diện quốc tế. Tại Úc, một dự án bảo tồn đang được thực hiện là gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS lên cơ thể loài rùa biển này để giám sát, bảo vệ chúng.
Cự đà xanh Cyclura lewisi
Ảnh: Sophie O’Hehir/IUCN
Chương trình phục hồi dân số loài cự đà xanh Cyclura lewisi được thực hiện vào đầu những năm 1990 tại quần đảo Cayman.
Ban đầu, với số lượng chỉ khoảng 10 con nhưng nay đã tăng đáng kể lên 1.000 con sống trong khu bảo tồn thiên nhiên đảo Grand Cayman.
Gấu trúc lớn Ailuropoda melanoleuca
Ảnh: Xinhua/REX/Shutterstock
Sau khi được phát hiện vào năm 1869, loài gấu trúc lớn Ailuropoda melanoleuca của Trung Quốc bị săn trộm và mất môi trường sống.
Nhờ những nỗ lực bảo tồn trên quy mô lớn, bảo vệ những khu rừng trúc, tre - thức ăn chính của gấu trúc nên dân số chúng gia tăng, từ mức nguy cấp được nâng lên dễ bị tổn thương theo mức phân loại của IUCN.
Rồng rộc Foudia rubra
Ảnh: Jacques de Speville/IUCN
Loài rồng rộc Foudia rubra từng sống phổ biến trong các khu rừng ở Mauritius. Nhưng do mất môi trường sống nên chúng chỉ sống trong phạm vi rừng nhỏ với khoảng 200 con vào năm 1993.
Tuy nhiên, nhờ những chiến dịch bảo tồn hợp lý tại khu bảo tồn Ile aux Aigrettes nên dân số của chúng tăng lên khoảng 300 con.
Sói Canis simensis
Ảnh: Tim Colston/IUCN
Loài sói Canis simensis hay còn gọi chó rừng đỏ sống trên vùng cao nguyên Ethiopia là loài động vật ăn thịt có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất châu Phi và là loài nguy cấp nhất trên thế giới.
Loài sói này trong những năm gần đây giảm đến 30% dân số do bị lây bệnh từ chó nhà nhưng cũng không quá lo ngại do các dự án bảo tồn loài sói này vẫn đang tiếp diễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận