Suốt hơn 40 năm, hai vợ chồng ông Trung đã nâng niu giữ gìn cách làm truyền thống - Ảnh: MINH TÂM
Những loại bánh do vợ chồng ông làm mang đậm hồn cốt quê nhà.
Bánh gói cái tình
Nhà hai vợ chồng nằm trong con hẻm sâu. Đến đầu hẻm hỏi, ai cũng biết tài làm bánh của ông bà. Bà Tuyết hàng xóm vui vẻ: "Bánh dân gian nhiều người làm lắm nhưng người ta chủ yếu làm bằng khuôn, máy móc. Hiếm ai như hai vợ chồng ổng vẫn trung thành với cách làm thủ công của người xưa. Bánh gói cái tình ở trỏng nên ăn vô là ghiền hà".
Trong ngôi nhà, căn bếp chiếm hết phân nửa. Ông chia bột gạo sền sệt được xay từ gạo của lúa một vụ thành 5 phần, trộn vào đó những loại nước được làm từ hoa đậu biếc, lá cẩm, trái gấc, trái vành vành thành những hỗn hợp xanh, tím, cam, vàng bắt mắt. Ông đem hấp cách thủy từng loại.
Hấp xong, ông nhào bột bằng tay. Rồi ông dùng tay cẩn trọng cán bột thành bánh xếp. Phần bà tẩn mẩn xe bánh tằm, mỗi lần xe 2 cọng. Thỉnh thoảng, họ dùng sáp ong thoa lên mặt gỗ bóng loáng để bánh giữ vị thơm, ngọt của gạo.
Bánh đuông, bánh bèo, bánh ít trần,bánh bò,bánh bột báng, bánh chuối, bánh lá mơ, bánh tầm - Ảnh: MINH TÂM
Dù là bánh đơn giản đường phố nhưng được làm rất cầu kỳ, nâng niu từng hạt gạo, cẩn trọng độ lửa, chỉn chu trong cách tạo hình bánh, để rồi dưới đôi tay khéo léo của ông bà, 12 loại bánh gồm: bánh bèo mặn - ngọt, bánh ít trần, bánh trần bột báng, bánh ướt, bánh chuối, bánh bò, bánh lá, bánh lá mơ, bánh đúc, bánh tằm, bánh đuông và bánh xếp dần hiện ra.
Hầu hết các loại bánh đều có 5 màu: trắng, xanh, đỏ, tím và vàng, rất quyến rũ và hấp dẫn.
12 loại bánh được làm thủ công, màu sắc, hương vị từ cây cỏ thiên nhiên, không dùng chất bảo quản, bánh chỉ dùng trong 15-16 tiếng nên vợ chồng tôi phân công: cả hai cùng làm từ lúc 15h đến 20h, còn từ 1h khuya tới 6h sáng một mình tôi làm. Từ 6h đến 9h là đến phần bà đẩy xe đi bán. Mình chịu khó để những chiếc bánh đến tay thực khách vào buổi sáng sớm ngon nhất.
Ông Dương Hoài Trung
Bánh đuông của vợ chồng bà Trương Thị Chiều lần lượt đoạt huy chương bạc trong hội thi bánh dân gian của Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2018 và 2019 - Ảnh: M.T.
Trung thành với truyền thống
Ông bảo mình may mắn khi mẹ là một phụ nữ làm bánh quê rất khéo, khiến tuổi thơ ông mê mẩn suốt ngày bên gian bếp. Nhờ có chút khéo tay cộng thêm vị giác tốt nên năm 19 tuổi ông đã thành thạo làm các loại bánh, phụ người mẹ tảo tần quang gánh.
Rồi ông gặp bà, hai người đến với nhau trong nghèo khó. Cả hai quyết định mưu sinh từ nghề làm bánh dân gian. Bà vốn chịu khó, về làm dâu chẳng bao lâu đã học được nghề.
Để tồn tại giữa chốn thị thành, lo cho 3 con ăn học, vợ chồng ông dồn hết tâm sức làm ra những cái bánh ngon. Nhưng có lẽ phần là vợ chồng ông muốn lưu giữ hồn cốt những chiếc bánh dân gian đã chuyên chở ký ức tuổi thơ mà mẹ ông được truyền lại.
Vì vậy, các công đoạn làm bánh xưa được vợ chồng ông giữ gìn. Chẳng hạn, nguyên liệu làm bánh chỉ chọn lúa mùa - loại lúa chỉ làm một vụ/năm - để tạo ra loại bột gạo có vị ngọt tự nhiên, có độ xốp, không nhão.
Vợ chồng ông không sử dụng máy móc, thiết bị hỗ trợ làm bánh để đỡ phần vất vả, mà vẫn làm theo cách thủ công, truyền thống các công đoạn từ ngâm gạo, nhào bột bằng tay, đến khi làm thành những chiếc bánh. "Làm máy tuy nhanh, tiện lợi nhưng khi xé ra bánh không bóng, không dai bằng những sợi bánh tằm mình xe tay được".
Bánh xếp của vợ chồng bà Trương Thị Chiều lần lượt đoạt huy chương bạc trong hội thi bánh dân gian của Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2018 và 2019 - Ảnh: M.T.
Hương vị in đậm vào vị giác người ăn
6h hằng ngày, bà thường mặc áo bà ba, đội nón lá, đẩy xe ra hẻm cất tiếng rao "Ai ăn bánh tầm, bánh ít trần hông?". Xe đầy ăm ắp 12 loại bánh nhưng đến 9h là hết sạch.
Nghề bánh quê giúp vợ chồng chèo chống qua những giai đoạn khốn khó và nuôi 3 con nên người. Phần thưởng quý giá kế đến chính là sự ngợi khen của người thưởng thức. Nhiều thực khách ăn riết thành quen, thành mối, bởi ông bà chăm chút khẩu vị từng khách hàng.
Bằng chứng là một khách hàng như anh Trung, dù ở cách xa hơn 20km nhưng vài ngày anh lại chạy xe đến mua bánh cho người mẹ bị bệnh ở nhà. Anh bảo lúc còn khỏe, mẹ thường ăn bánh của vợ chồng bà, vị ngon của bánh khiến mẹ khi bệnh nằm liệt giường vẫn nhớ.
Có lần, anh mua bánh bò của người khác, mẹ anh chỉ nếm một cái rồi lắc đầu bảo không phải là bánh do vợ chồng ông làm. Thế mới biết, những hương vị độc đáo dân dã riêng của ông bà đã in đậm vào vị giác bao người.
Mọi người khuyên ông bà ráng giữ hồn bánh dân gian, đừng bỏ nghề bánh này. Nghe vậy, vợ chồng người đầu bếp già cùng bung nụ cười hạnh phúc, họ nói: sẽ chung thủy với nghề đến trọn đời.
Mỗi khi lễ hội bánh dân gian được tổ chức tại TP Cần Thơ, vợ chồng bà thường được mời tham dự. Những dịp lễ được tổ chức ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, vợ chồng bà cũng được mời tham dự để giới thiệu cho bà con về ẩm thực miền Tây. Riêng bà Trương Thị Chiều năm 2014 được Bộ VH-TT&DL phong là Nghệ nhân bánh dân gian Nam Bộ.
Một số loại bánh dân gian của gia đình ông Trung làm:
Bánh chuối, bánh bò - Ảnh: MINH TÂM
Bánh tầm se tay, bánh đuông, bánh ướt ngọt, bánh ít trần, bánh đúc, bánh bèo, bánh bột báng, bánh lá mơ - Ảnh: MINH TÂM
Bánh tầm, bánh đuông, bánh xếp ngũ sắc - Ảnh: MINH TÂM
Bánh tầm se tay ngũ sắc - Ảnh: MINH TÂM
Mời bạn đọc tham dự Diễn đàn Món ngon của tôi
Bài viết tối đa khoảng 1.000 chữ, kèm hình ảnh (clip nếu có), và gửi về email [email protected]. Các bài viết được đăng sẽ được trả nhuận bút!
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Công ty NutiFood.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận