22/04/2017 11:28 GMT+7

12 dự án thua lỗ: ​Làm rõ trách nhiệm, xử lý hình sự

NGỌC AN - L.THANH
NGỌC AN - L.THANH

TTO - Trong buổi làm việc của tổ công tác của Thủ tướng về tiến độ xử lý các tồn tại, yếu kém ở một số dự án và doanh nghiệp ngành công thương diễn ra ngày 21-4, ông Mai Tiến Dũng yêu cầu phải làm rõ nhiều vấn đề...

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát yếu kém tồn tại của Nhà máy Đạm Hà Bắc đầu năm 2017 - Ảnh: N.A
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát yếu kém tồn tại của Nhà máy Đạm Hà Bắc đầu năm 2017 - Ảnh: N.A

Trong đó làm rõ  trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan với các dự án mà trong quá trình đầu tư có sự thay đổi so với phê duyệt ban đầu và không đúng pháp lý.

“Việc đánh giá từng dự án cũng phải làm rõ trách nhiệm, tại sao để xảy ra chậm trễ, khó khăn trong xử lý vướng mắc bắt nguồn từ đâu và nguyên nhân là gì?” - ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Cao Quốc Hưng - thứ trưởng Bộ Công thương, việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan đã được thực hiện.

Nếu chưa đạt, bộ vẫn yêu cầu tiếp tục làm kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm ở từng cấp từ chủ đầu tư, tập đoàn đến cơ quan quản lý.

Đến ngày 20-4, bộ đã hoàn thành báo cáo xác định đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan đến từng dự án và đã báo cáo Chính phủ.

Ông Nguyễn Trọng Thừa - thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên tổ công tác của Chính phủ - cho rằng việc sớm xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc cũng như xác định rõ trách nhiệm các bên liên quan là cần thiết.

Theo đó, vấn đề tài chính, quyết toán, đầu tư... cần được xem xét khách quan trên cơ sở nội dung nào thuộc về chuyên môn, quản lý thì xử lý, còn không thì chuyển cơ quan hình sự, kiểm toán, thanh tra, chứ không nên đợi “hoàn thiện pháp lý”.

“Tôi từng đi đến một số nhà máy ethanol, thấy rất tang thương. Đầu tư sai chủ trương, sản xuất lỗ, vùng nguyên liệu, đầu ra chưa có, đầu tư xong đắp chiếu, thiết bị không chuẩn, có vấn đề quản trị... gây thiệt hại quá nặng nề, cần phải kiến nghị để xử lý. Một số trường hợp cụ thể phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ” - ông Thừa đề nghị.

Điều tra dấu hiệu sai phạm tại các dự án

Trong các nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn còn trong thời hạn, Chính phủ đã giao cho Bộ Công an điều tra làm rõ các sai phạm, vi phạm pháp luật đã được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra các dự án, doanh nghiệp; làm rõ việc chấp hành quy định pháp luật của các nhà máy sản xuất phân bón yếu kém, thua lỗ của Tập đoàn Hóa chất.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng thanh tra toàn diện các dự án, nhà máy trong diện phải xử lý nhưng đến nay vẫn chưa thanh tra. Nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật phải chuyển thông tin và văn bản sang cơ quan công an để làm rõ.

* Ông Bùi Đức Thụ (phó Ban công tác đại biểu Quốc hội,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội):

Phải có người chịu trách nhiệm

Việc huy động nguồn lực từ nước ngoài là cần thiết nhưng không có nghĩa là huy động bằng mọi giá, mà phải lấy chất lượng, hiệu quả là điều kiện hàng đầu.

Thế nhưng do cần huy động nguồn lực hoặc vay vốn ưu đãi, trong đàm phán và ký hợp đồng với các nhà thầu quốc tế thời gian qua chúng ta đã chấp nhận các điều kiện bất lợi.

Chẳng hạn phải sử dụng nhà thầu của nước cho vay, hoặc phải sử dụng vật tư, thiết bị nhập khẩu của nhà thầu nào đó... dẫn tới đẩy chi phí lên rất cao.

Luật quản lý nợ công đã phân công cụ thể trách nhiệm với các dự án vay và các điều kiện sử dụng vốn vay.

Nhưng việc “cắt khúc” giữa người đi vay, người sử dụng và người trả nợ dẫn tới tình trạng “người vay cứ vay, người làm cứ làm, còn trả nợ thì tính sau” nên việc xác định trách nhiệm, hiệu quả sử dụng nguồn lực rất hạn chế.

Tuy nhiên, việc thuê nhà thầu nước ngoài đều có những cam kết rất rõ ràng, cần căn cứ vào đó để xem trách nhiệm các bên như thế nào, nguyên nhân chủ quan và khách quan ra sao, từ đó xử lý trách nhiệm vì phải có người chịu trách nhiệm vấn đề đó.

* TS Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Nên bán các dự án thua lỗ nghìn tỉ

Cần phải có phương án giám sát kỹ lưỡng về khả năng cạnh tranh của từng dự án như thế nào, chứ không nên cứu với bất kỳ giá nào.

Bởi với dự án đang thua lỗ, nếu được tiếp tục hỗ trợ liệu có cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài? Chẳng hạn, giá đạm của VN khó cạnh tranh nổi với đạm Malaysia, Indonesia.

Cơ quan quản lý phải đặt trong bối cảnh VN đã hội nhập sâu với thế giới, với các nước trong nội khối ASEAN, chứ không phải chúng ta một mình một chợ.

Theo tôi, Nhà nước nên bán những dự án thua lỗ nghìn tỉ càng sớm càng tốt, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới vực dậy dự án, thay vì tiếp tục hỗ trợ các dự án này.

(N.An - L.Thanh ghi)

 

NGỌC AN - L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên