Các bức tượng được che vùng "nhạy cảm" sau khi dư luân xôn xao - Ảnh: HÀ TRANG
Tất thảy những điều ấy đều diễn ra trước những suy nghĩ về việc tượng trên thực sự có đáng được nói đến hay không và nên nhìn nó như thế nào.
Lần giở lại truyện cổ Andersen, chúng ta bắt gặp một vị hoàng đế vì thích ăn mặc đẹp mà bị hai gã thợ may giả danh lừa đảo.
Chúng bắt nhà vua cởi truồng trước dân chúng để khoác lên ông một bộ quần áo "trong suốt" và cho lan truyền rằng ai không thấy được bộ quần áo ấy thì đó là những kẻ ngu ngốc.
Dĩ nhiên, chẳng ai nhận mình là kẻ ngốc và nhà vua thì vẫn cứ cởi truồng trước thiên hạ.
Những đứa trẻ tìm được nụ cười ở truyện Andersen còn người lớn hơn thì thấy bài học: có những điều rất hiển nhiên, thậm chí ngay trước mắt nhưng chúng ta lại cố tình (hoặc vô tình) gắng cho chúng một ý nghĩa xa vời hoặc một câu chuyện văn hóa đồ sộ.
12 tượng con giáp ở Đồ Sơn chẳng khác chuyện hoàng đế cởi truồng là mấy.
Nếu thừa nhận rằng con người có năng lực phán đoán cái đẹp và năng lực ấy được trau dồi qua việc học tập (xem các bức tượng khỏa thân cổ, tìm hiểu lịch sử nghệ thuật) thì những bức tượng trên cũng chẳng có chút gì là giá trị thẩm mĩ.
Còn nếu xem bức tượng trên là biểu tượng văn hóa thì thực tế chúng cũng chẳng có đáng bị lên án là làm suy đồi thuần phong mỹ tục.
Cố gắng tranh cãi về 12 bức tượng "đầu thú mình người" cũng giống như chuyện chúng ta đi chứng minh chi tiết cái xấu, cái vô nghĩa với hàng loạt lý do mà bằng mắt thường cũng có thể thấy được.
Trao những cuộc tranh luận miên man cho cái vô nghĩa, cái xấu không khác gì tước đoạt khoảng trống cơ hội cho những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật mang chiều sâu.
Tranh cãi càng lớn, cái xấu hiển nhiên càng có cơ hội trở thành một thứ "văn hóa hiện tượng", để rồi xấu - đẹp trở nên lẫn lộn, còn chúng ta thì cố gắng tìm ý nghĩa nghệ thuật cho những điều tầm thường.
Tình trạng ấy trước mắt nó đã khiến nhiều người trở nên bối rối trong cách giải quyết 12 bức tượng. Đập bỏ thì không đành vì lẽ dĩ nhiên chúng vô nghĩa và xấu chứ không phải suy đồi đạo đức như mọi người vẫn nghĩ nên không đến mức phải bị tiêu hủy.
Mặc thêm quần áo cho tượng thì phải mặc thế nào mới không "phản cảm"? Hay phải tạc tượng thế nào mới không vi phạm thuần phong mỹ tục?
Càng giải quyết, mọi chuyện càng trở nên rối bời, công chúng cũng chia ba xẻ bảy hoặc để lên án hoặc để hiến kế cho chủ nhân của 12 bức tượng trên.
Có lẽ, cách tốt nhất là chúng ta hãy tạm ngưng nói những câu chuyện về các bức tượng ở Đồ Sơn vì thực tế chúng ta còn chẳng biết được liệu khoả thân có phải đặc quyền của loài người hay không.
Bớt những tranh luận về 12 bức tượng ấy, chúng ta sẽ có thêm thời gian, không gian cho những tác phẩm sâu sắc hơn. Cũng như vị vua trong truyện Hoàng đế cởi truồng lẽ ra ông đã có cơ hội bắt giam những kẻ lừa đảo thay vì cứ mãi dối trá rằng mình không phải là một kẻ ngốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận