Các tân cử nhân khúc xạ nhãn khoa đầu tiên của Việt Nam tuyên thệ trong lễ tốt nghiệp sáng 7-11 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết như vậy tại lễ tốt nghiệp cử nhân khúc xạ nhãn khoa khóa 2014 của trường sáng nay 7-11.
"Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2020, Việt Nam cần có tối thiểu 1 chuyên viên khúc xạ nhãn khoa chăm sóc mắt cho 50.000 dân. Nhưng đến hôm nay Việt Nam mới chỉ có 12 chuyên viên khúc xạ nhãn khoa trình độ cử nhân phục vụ cho 93 triệu dân.
Đây là những người tiên phong của ngành khúc xạ nhãn khoa tại Việt Nam. Những năm tới nhà trường sẽ tăng chỉ tiêu đào tạo ngành này lên khoảng 60 sinh viên/năm", ông Xuân cho biết.
Năm 2014, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển sinh khóa đào tạo cử nhân khúc xạ nhãn khoa đầu tiên của Việt Nam, được bắt đầu với 18 sinh viên nhập học.
Thời điểm đó, các thí sinh này dự thi khối B (toán - hóa - sinh) trúng tuyển với điểm chuẩn 21 điểm và phải đáp ứng điều kiện tiếng Anh IELTS 4.5 (vì phải học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh do giảng viên người Úc trực tiếp giảng dạy).
Sau đó, khóa khúc xạ nhãn khoa thứ hai được mở tại Trường ĐH Y Hà Nội vào năm 2015 với 63 sinh viên nhập học. Hiện tại, có khoảng 327 sinh viên đang theo học ngành này tại cả hai trường đại học trên.
Trong số 12 sinh viên tốt nghiệp cử nhân khúc xạ nhãn khoa đầu tiên này có 83% tốt nghiệp đạt loại khá. Thủ khoa của khóa 1 là tân cử nhân Nguyễn Thị Thì Trang, người được nhà trường giữ lại tiếp tục đào tạo để trở thành giảng viên.
Bảng xếp hạng sinh viên tốt nghiệp đợt này sẽ được nhà trường gửi đến Sở Y tế TP.HCM để phân công nhiệm sở. Nhà trường cho biết 100% sinh viên tốt nghiệp khóa 1 này đều có việc làm đúng chuyên môn được đào tạo.
PGS.TS Phạm Đăng Diệu - phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết thêm tại Việt Nam, tình trạng tật khúc xạ chiếm 15-40% dân số tức khoảng 14 đến 36 triệu người dân. Trong đó, từ 25-40% trẻ em 6-15 tuổi có tật khúc xạ, 71% người dân có tật khúc xạ không được chỉnh kính, 30% đeo sai kính, 25% mù lòa do bị tật này.
Việc điều chỉnh tật khúc xạ hiện nay chủ yếu được thực hiện bởi nhân viên tiệm kính mà phần lớn không được đào tạo dẫn đến việc đeo sai kính.
Khúc xạ nhãn khoa được hành nghề ở nhiều nước trên thế giới. Thông thường, các chuyên viên khúc xạ nhãn khoa được đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc mắt toàn diện (khám khúc xạ, lắp kính tiếp xúc, cấp kính gọng cũng như phát hiện, điều trị và phục hồi tình trạng mắt)...
Các dịch vụ chuyên viên khúc xạ nhãn khoa có thể cung cấp bao gồm đo khám mắt, quản lý các bệnh về mắt, theo dõi và quản lý bệnh nhược thị và rối loạn thi giác, điều trị khiếm thị, phục hồi chức năng thị giác…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận