01/11/2017 08:00 GMT+7

12-13 tuổi đã bị đột qụy

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

12-13 tuổi đã bị đột qụy - Ảnh 1.

Các chuyên gia cập nhật thông tin mới nhất về phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ

Trước đây, bệnh đột quỵ thường gặp từ 60-70 tuổi thì nay có ca mới 12-13 tuổi đã bị đột quỵ, còn 20-10 tuổi bị đột quỵ đã là chuyện thường ngày ở bệnh viện.

Chị M.T.G., 47 tuổi, làm nghề buôn bán tại TP.HCM đã bị đột quỵ trong một chuyến du lịch ở Vũng Tàu. Sau khi quá chén cùng vài người bạn, chị G. về ngủ. Sáng hôm sau, khi người thân lay gọi dậy nhưng chị G. không có bất kỳ phản ứng gì nên đã đưa chị đến bệnh viện cấp cứu. Chị G. được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người, không phản ứng gì với lời nói người khác.

Các bác sĩ khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp và chẩn đoán chị bị đột quỵ thiếu máu não nặng do tắc một động mạch lớn trong lúc ngủ. Do người bệnh được đưa đến bệnh viện hơn 12 giờ sau khi bị tắc mạch máu não, vượt quá khoảng "thời gian vàng" trong điều trị đột quỵ, hình chụp cắt lớp cho thấy gần một nửa bộ não của chị đã bị hư hại, khiến các bác sĩ không thể can thiệp tái thông mạch máu cho người bệnh. Chị G. được cứu sống, nhưng bị liệt nửa người, suy giảm nhận thức và khả năng giao tiếp.

 80% bệnh nhân bị đột quỵ không có triệu chứng cảnh báo trước

Mới đây, Bayer phối hợp với Hội Y tế Công cộng TP.HCM và VTV9 tổ chức buổi tọa đàm 'Đột quỵ: Có thể phòng ngừa?' nhằm kỷ niệm Ngày Đột quỵ thế giới 29-10. 

Tại buổi tọa đàm này, TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, trưởng Khoa Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết đột quỵ thường gặp nhất từ lứa tuổi từ 60 đến 70. Một người bình thường hiếm khi bị đột quỵ mà đột quỵ thường xảy ra trên một người đã có các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh rung nhĩ…

12-13 tuổi đã bị đột qụy - Ảnh 2.

Các bác sĩ đang trao đổi về phòng ngừa đột quỵ tại tọa đàm

Khi những bệnh nhân này không kiểm soát các yếu tố nguy cơ tốt sẽ có khả năng bị đột quỵ rất cao. Đó là lý do lí giải rằng những người cao tuổi thường có những bệnh lý này đi kèm thì nguy cơ đột quỵ của họ sẽ cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ các bệnh nhân ở độ tuổi còn trẻ bị đột quỵ đang có xu hướng gia tăng. Có bệnh nhân bị đột quỵ khi mới 12, 13 tuổi, còn bị đột quỵ ở 20, 30 tuổi thì gặp hằng ngày.

Lý do khiến tỷ lệ đột quỵ ở giới trẻ có xu hướng tăng lên là do một tỷ lệ khá lớn các bệnh nhân trẻ tuổi sử dụng các loại thuốc gây nghiện, thuốc lá, rượu bia, những chất làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, béo phì, thừa cân do ít vận động và sử dụng các chất gây nghiện bia rượu đã làm tăng lên đáng kể tỷ lệ các bệnh nhân bị đột quỵ ở giới trẻ.

80% các bệnh nhân bị đột quỵ lại không có các triệu chứng cảnh báo trước.  Hầu hết các bệnh nhân đến bệnh viện do bị đột ngột liệt nửa người, yếu nửa người cùng một bên. Ví dụ như yếu tay bên trái, chân bên trái hoặc nói khó, một số bệnh nhân bị tê, một số ít các bệnh nhân có thể bị chóng mặt, nhức đầu hoặc nói lảm nhảm. 20% các bệnh nhân còn lại có những triệu chứng báo trước bị đột quỵ như đột ngột liệt nửa người, nói khó, méo miệng. Những triệu chứng  này sau một vài giờ tự tháo lui và người bệnh tự phục hồi hoàn toàn.

Điều đáng tiếc là hầu hết các bệnh nhân ở Việt nam đều không tận dụng được cơ hội quý báu này để đến bác sĩ điều trị ngay với suy nghĩ nghĩ mình vừa bị trúng gió và đã tự phục hồi được. Trong khi đó, đây là dấu hiệu rất quan trọng vì báo trước "cơn" đột quỵ sắp sửa xảy ra trong những giờ, những ngày tiếp theo. Nếu người bệnh đến ngay bác sĩ khám và được cho uống thuốc phòng ngừa  thì nhiều khả năng sẽ giảm được 80% nguy cơ có thể bị đột quỵ sau đó.  Ngược lại, nếu người bệnh không quan tâm đến các triệu chứng này, không đến bác sĩ khám thì nguy cơ bệnh nhân sẽ bị đột quỵ trong những giờ, những ngày tiếp theo là rất cao.

Không tự điều trị đột quỵ theo thông tin trên mạng

Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh, khi người bệnh đột ngột yếu nửa người, liệt nửa người, tê nửa người một bên, miệng bị méo, lời nói có rối loạn về chức năng ngôn ngữ, nói lắp bắp, nói không được hoặc không hiểu được ngôn ngữ của người bên cạnh, hỏi câu này lại trả lời câu khác cần phải đưa đi bệnh viện ngay lập tức. Trên mạng hiện có rất nhiều bài viết nói về việc chích vào đầu ngón tay, vắt chanh, sử dụng thuốc.. điều trị đột quỵ nhưng đây là những biện pháp hoàn toàn không có cơ sở khoa học và có thể làm xấu đi tình trạng bệnh nhân.

Cứ mỗi phút trôi qua sẽ mất đi một số lượng lớn các tế bào thần kinh và những tế bào này đã mất đi thì không thể phục hồi lại được. Càng chậm trễ việc đưa người bệnh đến bệnh viện thì tế bào não sẽ càng mất nhiều hơn. Như vậy di chứng, ảnh hưởng, tàn phế sẽ càng lớn hơn. Tuy nhiên "thời gian vàng" là trong khoảng 3g đến 6g mà tốt nhất là trong 3g đầu tiên. Tại Việt Nam, các kỹ thuật phương pháp giúp cho bệnh nhân phục hồi rất sớm sau đột quỵ. đã được áp dụng từ 10 năm nay như: kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, các kỹ thuật can thiệp động mạch…

Phòng ngừa đột quỵ: khó nhưng đơn giản

Theo bác sĩ Huy Thắng, phòng ngừa đột quỵ thật ra khó nhưng lại đơn giản. Khó là làm sao nâng cao được ý thức người dân để được đi khám định kỳ thường xuyên, kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Còn dễ là khi phát hiện có những bệnh lý như cao huyết áo, tiểu đường, rung nhĩ và được điều trị các yếu tố nguy cơ này thì khả năng bị đột quỵ sẽ rất thấp.

12-13 tuổi đã bị đột qụy - Ảnh 3.

Vận động hợp lý để có tuổi già khỏe mạnh

Rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim thường gặp và người bị bệnh rung nhĩ nếu không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 5 lần. "Điều đáng mừng là đột quỵ do rung nhĩ có thể phòng ngừa được. Các thuốc kháng đông đường uống không phải nhóm kháng vitamin K được xem là bước tiến trong phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ. Các thuốc này có hiệu quả tương tự như thuốc kháng vitamin K, nhưng có những ưu điểm đã được chứng minh như: tỷ lệ xuất huyết nội sọ thấp, liều cố định, ít tương tác thuốc và thức ăn, không cần xét nghiệm máu, không cần theo dõi chỉ số INR (chỉ số theo dõi tình trạng đông máu) và thuận tiện sử dụng cho bệnh nhân", TS.BS. Thắng giải thích.

Tỷ lệ số dân từ 60 tuổi trở lên của nước ta dự kiến sẽ tăng gần gấp ba, từ 10,7% dân số trong năm 2016 lên 27,9% vào năm 2050. Kéo theo đó là sự gia tăng số người mắc bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp… có thể dẫn đến đột quỵ. Tại Việt Nam, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ, gây ra gánh nặng lớn cho nền y tế quốc gia.

"Tại Bayer, chúng tôi đem đến nhiều giải pháp điều trị tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị trong các lĩnh vực cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… là những bệnh có thể dẫn đến đột quỵ. Chúng tôi cam kết tích cực hợp tác với cơ quan quản lý, cộng đồng y khoa và học thuật để với những tiến bộ này, chúng ta có thể góp phần giải quyết các thách thức của nền y tế Việt Nam. Cùng nhau, chúng ta có thể giúp bệnh nhân được tiếp cận tốt hơn nữa các tiến bộ y khoa, giúp người bệnh kiểm soát tốt bệnh mãn tính, có cuộc sống năng động, khỏe mạnh", bà Lynette Moey, Giám đốc Nhánh Dược phẩm của Bayer tại Việt Nam cho biết.

Làm gì để giữ được sức khỏe?

Tránh xa thuốc lá, rượu bia, kiểm tra sức khỏe định kì, tập thể dục, sống điều độ, giảm căng thẳng, tìm ra những bệnh nếu có và tìm đến bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn và phòng ngừa.

(Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng)

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên