10/05/2018 10:26 GMT+7

11 niềm hi vọng và thể thao đã thành phim hài bất đắc dĩ

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Thể thao vẫn là thách thức lớn với các nhà làm phim Việt Nam. Bộ phim mới nhất về bóng đá ‘11 niềm hi vọng’ ở những phút cuối đã trở thành phim hài bất đắc dĩ.

Trailer phim 11 niềm hi vọng

Khán giả đã bật cười ở những chỗ cần nghiêm túc, cảm xúc nhất. Đó hẳn là điều nhà làm phim không muốn, nhưng cuối cùng đã xảy ra.

Ở một chiều kích khác, khán giả cảm thấy khóc dở mếu dở vì nhà làm phim đã xây dựng hình tượng của đội tuyển Việt Nam theo cách khó có thể ngờ.

11 niềm hi vọng và thể thao đã thành phim hài bất đắc dĩ - Ảnh 2.

Đội tuyển Trẻ Việt Nam trong phim "11 niềm hy vọng" - Ảnh: ĐPCC

11 niềm hy vọng trước khi ra rạp được quảng bá ăn theo sự thành công của U23 Việt Nam tại Thường Châu (Trung Quốc), khiến nhiều người nghĩ đến một trận cầu nảy lửa, và tinh thần đoàn kết dân tộc mà U23 đã tạo nên vào tháng 1-2018 vừa qua. Nhưng thực chất bộ phim đề cập đến chủ đề đen tối hơn: bán độ.

Bộ phim mở ra với bối cảnh một xóm lao động nghèo nơi tất cả người dân châu đầu vào một chiếc màn hình tivi, sau đó là nỗi thất vọng tràn trề khi đội tuyển quốc gia thua.

11 niềm hi vọng và thể thao đã thành phim hài bất đắc dĩ - Ảnh 3.

Ông bố của Phong (nhân vật chính) vì quá căm ghét chuyện bán độ đã cấm con trai theo nghiệp bóng đá.

Nhưng cuối cùng, Phong lớn lên và đến với bóng đá như một định mệnh. Anh nhanh chóng được tuyển vào Đội tuyển Trẻ Việt Nam.

Phong được xây dựng là một người con hiếu thảo, luôn phải đấu tranh giữa khát vọng cá nhân và tâm nguyện của người cha. Anh cũng là một người trung thực, đến với bóng đá bằng niềm đam mê chứ không phải vì danh lợi như các cầu thủ cùng trang lứa.

11 niềm hi vọng và thể thao đã thành phim hài bất đắc dĩ - Ảnh 4.

Bộ phim phản ánh quá trình vươn lên của Phong để trở thành một cầu thủ quốc gia, sự đấu tranh của anh trước những cám dỗ vật chất để giữ được niềm say mê thuần khiết.

Trong thông cáo báo chí, nhà sản xuất quảng cáo: "Không đơn thuần là một câu chuyện về thể thao 11 niềm hy vọng là một bản hùng ca về tinh thần dân tộc được lồng ghép trong một câu chuyện về bóng đá".

Nhưng xem ra bộ phim đã không đạt được cả hai tiêu chí.

11 niềm hi vọng và thể thao đã thành phim hài bất đắc dĩ - Ảnh 5.

Hình ảnh các nhân vật trong 11 niềm hi vọng

Đá bóng chỉ là minh họa

Xem một bộ phim thể thao, đương nhiên cái mà khán giả muốn xem nhất là nhân vật chơi thể thao thế nào, chiến thuật, chiến lược của đội cùng những trận đấu nảy lửa.

11 niềm hy vọng không thiếu những cảnh luyện tập của các cầu thủ, những trận đấu từ cấp địa phương, đến quốc tế. Nhưng phần dàn dựng hành động trong phim không đặc tả được đặc điểm của bóng đá.

11 niềm hi vọng và thể thao đã thành phim hài bất đắc dĩ - Ảnh 6.

Võ Hoài Nam trở lại với điện ảnh nhưng khá nhạt nhòa

Những bài tập luyện mang tính minh họa cho có, và chiến thuật phần lớn được thể hiện bởi phát ngôn của huấn luyện viên, thay vì hình ảnh trên phim.

Điều đáng nói là đạo diễn chỉ tập trung vào khắc họa hai cặp cầu thủ Phong - Hùng và Nam - Bắc cùng cha con huấn luyện viên An - Nhung, khiến khán giả có cảm giác cả đội bóng chỉ có sáu người.

Khán giả không thấy được một tập thể "11 niềm hi vọng", mà chỉ thấy hi vọng dồn cả vào Phong, Hùng, Nam, Bắc…

Điều quan trọng nhất với một bộ phim thể thao là tính đối kháng. Để có được điều này thì đội tuyển cần phải có được một đối thủ xứng tầm. Nhưng đối thủ của Đội tuyển Trẻ Việt Nam trong phim là… vô hình.

Trong giải đấu quan trọng nhất tầm châu lục, khán giả chỉ biết đối thủ của Đội tuyển Trẻ Việt Nam là những đội ở khu vực Đông Nam Á, trong đó nhấn mạnh đến "đối thủ truyền kiếp" Thái Lan.

Nhưng máy quay chỉ tập trung vào gương mặt và đôi chân của cầu thủ Việt Nam. Còn đội bạn là ai, có những cầu thủ mạnh như thế nào, chiến thuật ra sao, khán giả chỉ có thể tưởng tượng thêm thông qua một vài cảnh đấu trực tiếp, và những cảnh đá trên… tivi với những hình ảnh thoáng qua.

11 niềm hi vọng và thể thao đã thành phim hài bất đắc dĩ - Ảnh 7.

Đội tuyển trẻ VN thì có nhưng đối thủ thì không!

Chiến thắng thế nào với một đội tuyển thế này?

Nhà làm phim muốn đi theo chủ nghĩa anh hùng cá nhân nên tập trung khắc họa hai "ngôi sao" của đội bóng là Phong và Nam. Trong suốt bộ phim, khán giả chỉ nhìn thấy sự cạnh tranh ngấm ngầm giữa hai người bạn thời niên thiếu Phong và Nam, những pha chơi bẩn, gài bẫy nhau để hại Phong.

Ngoài cuộc cạnh tranh trên sân cỏ là cuộc cạnh tranh ngoài đời với bối cảnh chủ yếu diễn ra trên bàn rượu để Phong và Nam giành lấy tình cảm của người đẹp Trang.

Từ đầu đến cuối, ngoài Phong là con người kiên định lập trường đi theo bóng đá sạch, thì diện mạo của đội tuyển Việt Nam gồm phần lớn là những cầu thủ khát khao trở thành ngôi sao để có được nhiều tiền, những cầu thủ sẵn hãm hại đồng đội và sẵn sàng bán độ.

Trong khoảng thời gian căng thẳng nhất tập trung cho giải đấu thì đạo diễn cho hai cầu thủ xuất sắc nhất tiệc tùng bên ngoài, uống rượu trước trận đấu quan trọng.

11 niềm hi vọng và thể thao đã thành phim hài bất đắc dĩ - Ảnh 8.

Nam - nhân vật phản diện của Phong

Ai có thể tin một đội tuyển như thế có thể đi xa trong một giải đấu tầm cấp châu lục?

Màn choáng nhất xảy ra ở cuối bộ phim. Trước đêm chung kết, ban huấn luyện phát hiện ra hai cầu thủ quan trọng trong đội đã bán độ (tin này chưa lan ra ngoài).

Trong cơn hối hận muộn mằn, hai cầu thủ bán độ xin ban huấn luyện cho họ lấy công chuộc tội. Các cầu thủ trong đội cũng ra sức xin ban huấn luyện nghĩ lại. Kết quả là huấn luyện viên đã tặc lưỡi, hai cầu thủ bán độ đã được ra sân góp phần giúp Việt Nam chiến thắng.

Với đa phần những người hâm mộ bóng đá, cầu thủ của đội tuyển quốc gia mà bán độ trong trận đấu quốc tế quan trọng là tội lỗi khó có thể dung thứ, nếu không muốn nói là cực kì nghiêm trọng.

Trong một bộ phim thể thao vốn đề cao tinh thần thượng võ, tính trung thực, thì việc xử lý hai nhân vật bán độ theo cách này rất phi thể thao. Cách xử này còn làm tổn hại nặng nề đến thông điệp mà bộ phim muốn chuyển tải.

11 niềm hi vọng và thể thao đã thành phim hài bất đắc dĩ - Ảnh 9.

Để phản ánh về hiện thực đen tối phía sau sân cỏ, và nỗ lực vượt thoát khỏi vũng lầy của các cầu thủ là một câu chuyện rất đáng để phản ánh.

Nhưng không thể phản ánh theo cách đơn giản, duy ý chí và ngô nghê như 11 niềm hy vọng đã làm.

Nếu không muốn nói tình cảm yêu nước, sự tự hào dân tộc rất khó để thể hiện, và không phải cứ muốn là làm được.

11 niềm hy vọng không chỉ thất bại từ khâu kịch bản, mà còn thất bại cả khâu đạo diễn, quay phim, dựng phim, âm nhạc. Trong phim có rất nhiều sạn về hình ảnh, dựng phim, âm nhạc, khiến cho tổng thể của bộ phim rất… tuyệt vọng.

Trước khi phim chiếu, khán giả được xem một clip về những cột mốc đáng nhớ của bộ phim: "10 năm cho ý tưởng và tìm tòi dữ liệu cho bộ phim về bóng đá; 5 năm cho kịch bản; 3 năm cho sản xuất…".

Sau khi phim kết thúc khán giả sẽ phải tự hỏi ngần ấy năm đạo diễn đã làm gì để cho ra một sản phẩm như thế này?

11 niềm hy vọng do Robie Trường viết kịch bản và đạo diễn.

Phim có sự tham gia của diễn viên: Nhan Phúc Vinh, Hoàng Phi, Hiếu Nguyễn, Thanh Tú, Công Ninh, Võ Hoài Nam…

Dàn diễn viên khách mời của phim gồm các cựu cầu thủ: Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Tài Em...

Phim chính thức ra rạp từ ngày 11-5-2018.

Tài Em, Huỳnh Đức, Hồng Sơn vào phim 11 niềm hi vọng

TTO - Đó là lí do mà bộ phim lấy đề tài bóng đá 11 niềm hy vọng mất hơn một năm cho phần hậu kì, theo chia sẻ của đạo diễn Robie Trường.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên