22/11/2024 14:13 GMT+7

11 người chết trên cao tốc ở Bình Thuận chưa đầy 1 năm, đừng đổ lỗi cho đường sá nữa

Liên quan vụ tai nạn xe khách trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đêm 20-11, nhiều bạn đọc cho rằng đừng đổ lỗi cho đường sá nữa, cần xem lại ý thức người lái xe.

11 người chết trên cao tốc ở Bình Thuận chưa đầy 1 năm, đừng đổ lỗi cho đường sá nữa - Ảnh 1.

Chiếc xe khách móp đầu sau khi húc đuôi xe đầu kéo trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đêm 20-11 - Ảnh: MAI THỨC

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, vụ tai nạn xảy ra khoảng 23h30 ngày 20-11 tại km 6+500 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận giữa xe khách và xe đầu kéo.

Chiếc xe khách biển số 50H-230.74 do tài xế Hồ Duy Thoảng (40 tuổi, quê tỉnh Phú Yên) cầm lái chạy trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây theo hướng Bình Thuận vào TP.HCM.

Khi đến km 6+500, đoạn thuộc xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, xe khách tông vào đuôi xe đầu kéo biển số 60C-344.62 (kéo theo sơ mi rơ moóc biển số 60R-027.05) do tài xế Phạm Đăng Trường (42 tuổi, quê tỉnh Đồng Nai) cầm lái.

Vụ tai nạn khiến phụ xe khách chết tại chỗ, nhiều người được đưa đi cấp cứu.

Do phóng nhanh vượt ẩu mà ra?

Bạn đọc Tan Luan cảm thán: "Đừng ông nào đổ thừa cao tốc hai làn nữa nhé. Đoạn này ba làn hẳn hoi đấy. Do ý thức lái xe cả thôi".

Cụ thể, bạn đọc Nguyễn Nam cho biết "đoạn bên phải được cho là làn thứ ba phải gọi chính xác là làn dừng khẩn cấp".

"Xem những clip tai nạn, lật xe do camera ghi lại, hầu như toàn do phóng nhanh vượt ẩu mà ra. Tất cả là do ý thức", bạn đọc có nickname VP nhận xét.

Cùng quan điểm, bạn đọc Phước khẳng định: "Ý thức lái xe thôi. Đừng đổ thừa do đường này đường kia".

"Ra đường sợ nhất là xe chạy phía sau, vì nhiều người chạy rất ẩu, cứ thích bám sát đuôi xe trước, lại không biết tự lượng sức, không chừa đủ khoảng cách và thủ phanh để có thể chủ động dừng kịp thời nếu xe trước giảm tốc đột ngột.

Tất cả đều do ý thích thức, thói quen và kinh nghiệm", bạn đọc Hoang Ha có ý kiến.

Từng chạy xe trên cao tốc, bạn đọc Khuong PM nhớ lại: "Nhiều xe khách chạy trên cao tốc 90-120km/h mà cứ bám đuôi sát rạt xe trước, vượt ẩu.

Có lần trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đường có 2 làn, tôi chạy 90km/h và xe ở làn kế bên cũng chạy tầm đó. Vậy mà ông xe khách đằng sau cứ thúc còi hết làn này đến làn kia.

Ông xe kế bên chịu không nổi phải giảm tốc nhường. Khi qua được, xe khách tạt đầu ổng một cái, tăng tốc tầm 100km/h vượt qua mặt xe tôi rồi tạt phát nữa. Hết nói nổi!".

Bạn đọc Vương Kiệt cho rằng cái chính vẫn là ý thức khi tham gia giao thông. Và giao thông văn minh thì sẽ hạn chế được tai nạn chết người, hơn là mong chờ các biện pháp khác.

Cần có đường riêng cho xe tải nặng, xe đầu kéo

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng vì xe tải nặng, xe đầu kéo chạy kiểu rùa bò trên cao tốc khiến xe phía sau ức chế dẫn đến các vụ húc đuôi.

Theo bạn đọc Ngô Tuấn Hiển, cần cấm tuyệt đối các xe đầu kéo chạy bên trái (trừ trường hợp vượt xe bị sự cố) như các nước khác.

Còn bạn đọc có số điện thoại 0916******11 đề xuất cấm cả xe tải nặng. Thực tế rất nhiều xe container, xe tải nặng đi tốc độ rùa bò nhưng cứ lưu thông ở làn trái trên cao tốc.

Trong khi đó, bạn đọc tên Le Lan có ý kiến: "Xe đầu kéo, xe ben tải trọng nặng, phải đi chậm mới an toàn. Nếu đi tốc độ cao, theo quy định trên đường cao tốc thì không an toàn cho chính xe ben, các xe tải trọng lớn.

Giải pháp phù hợp là có con đường riêng cho xe tải trọng cao và có tốc độ đi theo mức tải trọng.

Không nên để hai loại xe tải trọng cao và tải trọng thấp cùng chạy trên đường cao tốc".

Bạn đọc Mai Toan đề nghị những xe tải, xe container đi chậm xin đi làn phải.

Bởi khi các xe chuyển làn từ phải sang trái an toàn hơn do lái xe ở bên trái, chỉ cần đánh nhẹ tay lái là thấy toàn bộ.

Còn ngược lại phải đánh lái cả chiếc xe mới quan sát được làn phải.

Bạn đọc Thanh Huyen phân tích trên cao tốc xe tải chạy quá chậm, thường dưới 80km/h, còn xe khách trên 100km/h. Nếu xe chạy đúng tốc độ thì không thể nào vượt nhau được.

Vì vậy, bạn đọc này góp ý nếu đi chậm thì vào làn sát lề mà đi, còn làn ngoài dải phân cách nên dành cho xe chạy tốc độ tối đa cho phép. Xe chạy tốc độ rùa bò thì đi quốc lộ 1, không nên đi cao tốc.

Chưa đầy một năm xảy ra 18 vụ tai nạn, 11 người chết

Tỉnh Bình Thuận có ba đoạn cao tốc Bắc - Nam phía đông đi qua gồm: Cam Lâm - Vĩnh Hảo (khoảng 12km), toàn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết (khoảng 100km) và Phan Thiết - Dầu Giây (khoảng 47km).

Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, từ giữa tháng 12-2023 đến giữa tháng 11-2024, trên các tuyến cao tốc qua địa phương này xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11 người và 12 người bị thương.

Tai nạn trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Đừng đổ lỗi cho đường sá nữa - Ảnh 4.Xe khách tông đuôi đầu kéo trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, phụ xe chết, nhiều người đi cấp cứu

Vụ tai nạn xảy ra khoảng 23h30 ngày 20-11 tại km 6+500 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận giữa xe khách và xe đầu kéo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên