Một vụ phân lô đất nông nghiệp ở phường 12, TP Vũng Tàu, bị chính quyền phát hiện và cưỡng chế - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Vì sao có chuyện này?
Một sổ đỏ đứng tên... 103 người?
Tháng 7-2019, để hạn chế việc tách thửa đất nông nghiệp tràn lan, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quyết định số 18 quy định chặt chẽ hơn về việc này. Tuy nhiên, một lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Kể từ tháng 7-2019, khi chính quyền tỉnh có quy định về tách thửa đất nông nghiệp chặt chẽ hơn thì cũng xảy ra hiện tượng đồng quyền sử dụng đất nông nghiệp càng nhiều hơn".
Cụ thể, một lãnh đạo của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết qua thống kê trên địa bàn tỉnh này có 3.771 sổ đỏ đất nông nghiệp đồng sở hữu. Trong đó, TP Vũng Tàu nhiều nhất với 1.445 sổ, kế đến là thị xã Phú Mỹ 1.020 sổ, Long Điền hơn 500 sổ, Đất Đỏ gần 500 sổ... Đặc biệt, tại TP Vũng Tàu có 125 sổ với số người đồng sở hữu từ 11 đến 50 người và có 8 sổ đứng tên từ 50 người trở lên. Cá biệt, có sổ đứng tên của 103 người!
Do đó, để ngăn chặn việc phân lô đất nông nghiệp trên giấy bằng hình thức "đồng sử dụng", giữa tháng 4-2021 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải có công văn yêu cầu "tạm dừng thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cho nhiều hộ gia đình, cá nhân có chung quyền sử dụng một thửa đất" trong trường hợp diện tích thửa đất đó nhỏ hơn diện tích tách thửa tối thiểu theo quy định của tỉnh này.
Cả pháp luật dân sự và đất đai đều không cấm việc đồng sử dụng một khu đất. Vì vậy, những người đầu cơ đất hay mua chung đất nông nghiệp đã cho những người mua, người góp vốn đứng tên chung trong sổ đỏ với tư cách "đồng sử dụng".
Tuy nhiên do luật không quy định về số người "đồng sử dụng" của một khu đất nông nghiệp nên xảy ra chuyện một thửa đất nông nghiệp nhưng có quá nhiều người đứng tên. Nếu dùng diện tích đất này chia bình quân cho đầu người đứng tên thì không đủ diện tích đất nông nghiệp tối thiểu theo quy định.
Nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý
Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thừa nhận có dấu hiệu của việc người sử dụng đất nông nghiệp tự lập sơ đồ thửa đất dạng phân lô để chuyển nhượng bằng giấy viết tay.
Đáng chú ý, theo các ngành chức năng, việc một thửa đất nông nghiệp có nhiều đồng quyền sử dụng sẽ gây cho cơ quan quản lý nhà nước nhiều khó khăn, hệ lụy. Đó là những khó khăn khi kiểm đếm, đền bù để thu hồi đất và trong việc hỗ trợ di dời hay xét tái định cư.
"Đơn giản khi thu hồi đất, giả sử hầu hết các hộ đồng ý giao mặt bằng nhưng chỉ một hộ không đồng tình là kéo theo cả khu đất đình trệ", một cán bộ làm công tác đền bù cho biết.
Luật sư Hà Hải, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích: ai cũng biết mục đích của 100 người đứng tên chung, trong một khu đất nông nghiệp chỉ 10.000m2 chẳng hạn, không phải để sản xuất nông nghiệp mà ở đây là "giả cách".
Cần sửa đổi Luật đất đai
Luật sư Hà Hải chỉ rõ việc đứng tên chung trong một sổ đỏ đất nông nghiệp là để che giấu một mục đích khác lớn hơn. Đó là đầu cơ, chờ cơ hội để được chuyển đổi hay xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Và đây chính là mầm mống gây khó khăn cho quản lý nhà nước, cho chính sách đất đai, tác động xấu đến đời sống kinh tế - xã hội.
"Hiện nay có rất nhiều vấn đề mà Luật đất đai hiện hành không giải quyết được, không điều chỉnh được. Do đó, rất cần phải sửa Luật đất đai, trong đó phải tập trung sửa đổi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có năng lực được tiếp cận với quỹ đất hợp pháp, công bằng", luật sư này cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận