14/08/2019 17:30 GMT+7

102 hộ trong một xã vướng tín dụng đen, vay 160 triệu lãi lên... 1,6 tỉ

BÙI LIÊM
BÙI LIÊM

TTO - Hàng hóa nông sản mất mùa, mất giá đã đẩy nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước lâm cảnh khó khăn. Để có tiền tiêu xài, nhiều hộ đã vướng “tín dụng đen” và từ đó tài sản cứ dần không cánh mà bay.

102 hộ trong một xã vướng tín dụng đen, vay 160 triệu lãi lên... 1,6 tỉ - Ảnh 1.

Nhiều diện tích điều của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã bị cầm cố, sang nhượng để có tiền trả lãi - ảnh: BÙI LIÊM

Xã Bù Gia Mập thuộc huyện Bù Gia Mập là xã biên giới giáp Campuchia, hiện có 1.716 hộ dân với hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu người S’tiêng, trong đó có khoảng 250 hộ nghèo. 

Thời gian qua, do hàng hóa nông sản mất mùa, mất giá nên nhiều hộ đổ xô đi vay nặng lãi dẫn đến tán gia bại sản.

Nợ ngập đầu

Tháng 7-2016, hai hộ ông Điểu Phăn và chị Thị Vlát, cùng ngụ thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, do mất mùa điều nên phải vay 160 triệu đồng, với lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày. Đến nay số tiền gốc và lãi đã lên tới 1,6 tỉ đồng (gấp 10 lần). "Nợ kiểu này thì chúng tôi chỉ còn cách bán đất vườn để trả nợ thôi" - ông Điểu Phăn nói.

Tương tự, chị Thị Lơi ngụ thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập vay 50 triệu đồng của một người trong xã nhưng không hiểu cách tính lãi suất vay, khi đến hạn trả chị tiếp tục vay nóng để trả nợ và đến nay số tiền gốc và lãi lên hơn 500 triệu đồng. Với tình hình này, chị Thị Lơi đang định bán vườn rẫy để trả nợ.

Theo UBND huyện Bù Gia Mập, thống kê sơ bộ cho thấy tính đến đầu tháng 8-2019, chỉ riêng xã Bù Gia Mập đã có 156 hộ cầm cố hơn 284ha đất với số tiền gần 24 tỉ đồng, 45 hộ sang nhượng 72,9ha đất, 19 hộ bán điều non trên diện tích 25,5ha. Đáng chú ý, số hộ vướng tín dụng đen với lãi suất cao là 102 hộ với số tiền trên 12,2 tỉ đồng. 

Năm 2018, xã có 105 hộ cầm cố đất với diện tích 166,8ha, số tiền gần 17 tỉ đồng; 9 hộ bán đất, diện tích 10ha, số tiền hơn 2 tỉ đồng; 14 hộ bán điều non, diện tích 24ha, số tiền hơn 2 tỉ đồng; 25 hộ vay nặng lãi với số tiền hơn 1,6 tỉ đồng.

Đòi nợ thuê tràn lan vùng quê nghèo

Theo ghi nhận, trong hoạt động tín dụng đen đang gây nhức nhối ở huyện Bù Gia Mập hiện nay thì đối tượng cho vay luôn "nắm đằng cán". Cụ thể, khi giao dịch, bên cho vay tiền cầm giấy nợ, còn bên vay không giữ được giấy vay tiền. Khi trả được một phần số nợ nhưng lại không cộng sổ nợ và không trừ số tiền đã trả. 

Khi làm việc với cơ quan chức năng, những người vay tiền không cung cấp được giấy tờ liên quan đến việc nợ tiền, số lần trả tiền. Do đó, việc giao dịch giữa bên cho vay và người vay chỉ là giao dịch dân sự tự nguyện, chủ yếu thông qua lời nói. 

Do là giao dịch dân sự và không thể xử lý hình sự các đối tượng cho vay nặng lãi nên thời gian qua ở huyện Bù Gia Mập xuất hiện tràn lan cá nhân, tổ chức đòi nợ thuê. Hình ảnh những đối tượng xăm trổ đen người, tóc tai xanh đỏ, mặt bặm trợn… cưỡi trên xe  máy, ôtô đi đòi nợ thuê tung hoành lâu nay đã trở nên quen thuộc với người dân huyện Bù Gia Mập.

Bà Thị Nhung (32 tuổi, ngụ xã Bù Gia Mập) có tới 12 hộ dân nợ tiền, cao nhất là 1,6 tỉ đồng, thấp cũng 250 triệu đồng. Để có tiền cho vay, từ năm 2017, bà Nhung phải vay của 3 người khác hơn 3,1 tỉ đồng, trong đó có 2,2 tỉ đồng không thỏa thuận lãi suất, 850 triệu đồng lãi suất 3%/tháng. Để thu hồi số nợ đã cho vay, bà Nhung đã ủy quyền cho ông Nguyễn Minh Thơ (41 tuổi, ngụ TP Đồng Xoài) liên tục đến nhà đòi nợ 12 hộ dân đã vay.

Trường hợp khác, mới đây, một công ty thu hồi nợ ở TP.HCM được bà Trần Thị Thắm (ngụ xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập) ủy quyền thu hồi nợ hộ ông Đ.T., ngụ thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập. Rất may công an địa phương kịp nắm tình hình, có mặt đúng lúc nên chưa xảy ra xô xát, hủy hoại tài sản. 

"Do các nhóm đòi nợ thuê đến địa phương thu hồi nợ nên cơ quan chức năng yêu cầu phải trên tinh thần pháp luật cho phép, không được hù dọa người dân. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo bà con không nghe các đối tượng xúi giục. Tình trạng cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi mà đối tượng bị hướng tới là đồng bào dân tộc thiểu số" - một vị lãnh đạo UBND huyện Bù Gia Mập nói.

Trước thực trạng tín dụng đen bủa vây vùng biên, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý các giao dịch mua bán điều non, đặc biệt vay tiền không thuộc hệ thống ngân hàng thương mại, cầm cố đất, bán đất có hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo khi tổ chức họp, hội nghị cấp xã và thôn cần lồng ghép mời già làng, người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng thôn đến để tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc vay nặng lãi, cầm cố, sang nhượng đất. 

Mặt khác, cảnh giác về phương thức, thủ đoạn của một số đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm trục lợi bất chính. Về lâu dài, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi cho đồng bào thế chấp vay vốn ngân hàng, hạn chế vay tiền với lãi suất cao.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, sở dĩ dẫn đến tình trạng vay nặng lãi, bán điều non, cầm cố đất, bán đất diễn ra dai dẳng, phức tạp là do hầu hết các hộ đồng bào có đời sống kinh tế khó khăn; một số hộ có thói quen ăn chơi, cần tiền mua xe, xây nhà, trả lễ cưới vợ… nên tự dấn thân hoặc bị các đối tượng có tiền dụ dỗ.

Các đối tượng cho vay tiền thời gian đầu làm quen, cho các hộ này mượn tiền từ ít đến nhiều, cho thiếu nợ hoặc mua hàng lâu cùng với cách tính lãi cao, đến lúc đòi nợ không có tiền trả thì cấn nợ, xiết đất. Có những hộ bán toàn bộ diện tích đất sản xuất nên trong thời gian bán điều non (bán bông), các hộ không còn nguồn thu phải đi làm thuê hoặc tiếp tục vay nặng lãi để trang trải cuộc sống.

102 hộ trong một xã vướng tín dụng đen, vay 160 triệu lãi lên... 1,6 tỉ - Ảnh 3.

Nhiều diện tích điều của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã bị cầm cố, sang nhượng để có tiền trả lãi - Ảnh: BÙI LIÊM

102 hộ trong một xã vướng tín dụng đen, vay 160 triệu lãi lên... 1,6 tỉ - Ảnh 4.

Nhiều diện tích điều của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã bị cầm cố, sang nhượng để có tiền trả lãi - Ảnh: BÙI LIÊM

Để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của thị trường Việt Nam một cách lành mạnh và hợp pháp, việc phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là điều cần thiết hiện nay.


BÙI LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên