25/02/2015 09:17 GMT+7

1.001 lý do để...  đánh đấm, thói hung hãn lên ngôi?

NHÓM PV - CTV
NHÓM PV - CTV

TT - Con số hơn 6.200 trường hợp phải nhập viện, trong đó có 15 ca tử vong, chỉ trong mấy ngày tết do đánh nhau thật sự không phải là một con số bình thường.

Đánh nhau tại lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) ngày 24-2 - Ảnh: Nguyên Vương

Nguyên nhân của từng vụ việc khác nhau nhưng tựu trung vẫn là một cách hành xử: nắm đấm (thậm chí cả dao búa, gậy gộc) thay cho lời nói, bạo lực thay cho sự ôn hòa, thân thiện.

Kể thêm những vụ việc dưới đây, chúng tôi không có ý “vẽ” thêm cảnh đau buồn, nhưng chúng ta nên nhìn nhận một cách thẳng thắn vào thực tế với câu hỏi đau nhói: Liệu thói hung hãn đã lên ngôi? Và làm thế nào để giảm bớt những chuyện không hay đó?

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn “Thói hung hãn lên ngôi?”. Ý kiến bạn đọc xin gửi về [email protected] hoặc 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Bênh cha bị va quẹt xe, con trai cùng nhập viện vì bị đánh là tình cảnh của gia đình ông Võ Quốc Dũng - Ảnh: Ngọc Tài
Bênh cha bị va quẹt xe, con trai cùng nhập viện vì bị đánh là tình cảnh của gia đình ông Võ Quốc Dũng - Ảnh: Ngọc Tài

Chuyện buồn xóm nghèo

Theo ông Nguyễn Văn Út - trưởng Công an xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), khoảng 19g ngày 29 tết, nhóm bạn tám người của Trần Thanh Vũ (16 tuổi) chở nhau trên ba xe máy đi nhậu về ngang nhà Lê Ngọc Hải (22 tuổi). Do nhà của Vũ và Hải chỉ cách nhau một con kênh nhỏ nên Hải gọi Vũ vào uống ly rượu gọi là mừng xuân.

Tuy nhiên nhóm của Vũ không đồng ý nhậu cùng nhóm của Hải nên Vũ từ chối và đứng dậy bỏ ra về. Cho rằng Vũ và nhóm bạn đi cùng xem thường mình nên Hải lớn tiếng cự cãi, chỉ có vậy mà Vũ đã lập tức rút dao đâm hai nhát vào người Hải, trong đó có một nhát thủng tim khiến Hải tử vong tại chỗ.

Ông Út cho biết cả hai gia đình của Vũ và Hải đều rất nghèo. Hằng ngày các bậc cha mẹ đều tất bật làm thuê kiếm sống, ít quan tâm đến lối sống và sinh hoạt của con. Con bỏ nhà tụ tập ăn nhậu rồi giết người nhưng phải đến hôm sau công an xã mời lên làm việc mới biết.

“Hai nhóm thanh niên này mâu thuẫn với nhau đã lâu, chính quyền rồi các đoàn thể địa phương đã nhiều lần mời gia đình các cháu lên nhắc nhở nhưng do họ thiếu quan tâm nên án mạng xảy ra. Theo tôi, để giảm tình trạng thanh thiếu niên hành xử bạo lực thì phải bắt đầu từ nền tảng giáo dục đạo đức của gia đình, sau đó là sự quan tâm đúng mực của cộng đồng dân cư” - ông Út nói.

Bác sĩ Trương Công Thành, phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, cho biết vài năm gần đây những trường hợp nhập viện cấp cứu do đánh nhau có tuổi đời ngày càng trẻ, phần lớn là thanh thiếu niên tuổi trên dưới 20.

Không chỉ thích hành xử bạo lực, mà rất nhiều thanh thiếu niên ngày càng tỏ ra xem thường pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng người khác và của cả bản thân mình.

Ngay trong dịp Tết Ất Mùi vừa qua, tại khoa cấp cứu tổng hợp Bệnh viện đa khoa Kiên Giang đã có tới hai vụ gây rối của các đối tượng đánh nhau, các y bác sĩ thường phải bỏ chạy rồi nhờ bảo vệ gọi cảnh sát 113 tới can thiệp.

Vợ chồng em gái xích mích, anh T.V.T. và vợ phải ăn tết trong bệnh viện - Ảnh: Lê Vân

Hở ra là... đánh

Chiều mùng 6 Tết Nguyên đán ở Bệnh viện 175 (TP.HCM), êkip trực ở khoa hồi sức tích cực (A12) vẫn hối hả như chưa hề trải qua kỳ nghỉ tết khá dài. Trong số gần 30 ca cấp cứu của bệnh viện từ 27 tết đến hết mùng 3 tết, khoa A12 đã nhận gần 10 ca nặng do ẩu đả. Trong đó có hai ca nặng nhất hiện vẫn lưu lại khoa trong tình trạng nguy kịch đến hôm nay.

Bác sĩ Trần Văn Thành, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện 175, lướt trên cuốn sổ lưu cấp cứu trong suốt những ngày tết, hầu hết các ca ghi nhận được đều do ẩu đả gây thương tích.

Bệnh sử ghi lại ngắn gọn nhưng khá giống nhau: chấn thương do ẩu đả, thương tích do rượu; ẩu đả bị chém, bị đâm thủng bụng, thấu ngực, chảy máu trán, giập sống mũi... Có một điểm chung nữa là các ca ghi nhận tại đây đều xin xuất viện sớm sau khi tình trạng tạm ổn định vì sợ công an tới hỏi thăm nguyên nhân ẩu đả.

Anh T.V.T. (Q.12) nhập viện 27 tết do bị em rể đâm thấu ngực. Tuy đã qua cơn nguy kịch nhưng anh T. vẫn còn rất yếu ớt. Anh tâm sự: “Gần tết đang hối hả lo sắm sửa, nhà cửa vì vừa được nghỉ làm thì thấy vợ chồng em gái đánh lộn. Chúng nó ngày nào cũng cự cãi như cơm bữa. Em rể tôi hôm đó có hơi rượu vào nên càng làm càn, đánh vợ. Tôi xót em gái vào cản thì bị nó rút dao đâm”.

Ngồi kế bên chồng, chị V. mếu máo kể: “Con trai tui mới có 1 tuổi, nhà cửa không có ai, ngày tết đành gửi con về Quảng Nam cho ngoại để vào chăm chồng. Xót chồng, nhớ con mà giờ không biết làm sao...”.

Ca bệnh nặng thứ hai nhập Bệnh viện 175 vào ngày 28 tết. Ông T.N.B. ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) bị chấn thương sọ não đến hôn mê bất tỉnh từ ngày nhập viện đến mùng 5 tết mới có thể tiếp xúc được với người thân. Bà Phạm Thị Gái, vợ ông B., tất tả xuôi ngược lo viện phí cho chồng suốt từ 28 tết đến giờ vẫn còn bàng hoàng.

Bà kể: “Chồng tôi bị tụi giang hồ chém lộn. Có thằng kia bị rượt đuổi chạy vô nhà tui trốn. Mấy người đuổi theo tưởng ông xã tui quen biết liền nhào vào chém. Con rể tui đỡ cho cha cũng bị chém đứt gân tay. Thiệt không biết xui rủi từ đâu tới”.

Bác sĩ Trương Thế Hiệp, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết gần đây khoa tiếp nhận nhiều trường hợp thương tích do đánh nhau. Thời điểm nửa đêm về sáng là khoảng thời gian tiếp nhận nhiều trường hợp này, có thể sau các cuộc vui quá chén đã xảy ra ẩu đả.

Theo bác sĩ Hiệp, đa số trường hợp tiếp nhận đều trong tình trạng say xỉn, có một số trường hợp sử dụng các chất gây nghiện khác nhau gây khó khăn trong quá trình cấp cứu và khả năng phục hồi của người bệnh.

Ngày 22-2 (mùng 4 tết), khoa tiếp nhận một lúc ba cha con ở Q.Bình Tân bị người khác xông vào nhà đánh. Vết thương người cha T.V.Điệp (50 tuổi) bị đâm thấu ngực trái, người con trai lớn T.V.Minh (26 tuổi) bị đâm thấu bụng, phải chuyển vào mổ cấp cứu ngay trong khi người con khác là T.V.Tiến (23 tuổi) đứt gân duỗi phải tiến hành nối.

Nguyên nhân dẫn đến những vết thương trên là do sau khi xích mích trên bàn nhậu, ba cha con ông Điệp bị truy đuổi về đến nhà và xông vào nhà đánh.

Trước đó, khoa cấp cứu Bệnh viện Bình Dân cho biết tối 23-1 khoa tiếp nhận bệnh nhân N.Q.Hậu trong tình trạng hôn mê, ngưng thở, không mạch, không huyết áp, tím tái... mở ngực phát hiện vết thương từ thành ngực vào tim dài 10cm, bị đâm xéo từ trái sang phải.

Nguyên nhân dẫn đến vết thương trên do Hậu cùng một đồng nghiệp khác làm bảo vệ, va quẹt trong khi dẫn xe ra cho khách, hai bên cự cãi dẫn đến đánh nhau.

Trong khi đó, theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, trong chín ngày nghỉ tết có 53 ca nhập viện do đánh nhau. Bà Huỳnh Thị Hoa (ngụ xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng) cùng lúc phải chăm sóc chồng bị tai nạn giao thông và con trai bị thương do đánh nhau, rầu rĩ nói: “Hết chồng rồi con kéo nhau vô bệnh viện, gia đình tui khỏi tết nhứt luôn”.

Theo lời kể của bà Hoa, vào mùng 3 tết cả gia đình bà sang nhà nội chơi. Mới đến cửa nhà thì ông Võ Quốc Dũng (chồng bà Hoa) va quẹt với một xe khác. Ông Dũng bị thương nằm bất tỉnh. Thấy vậy Võ Hồng Vinh (con trai bà) có lớn tiếng: “Ai đụng cha tao?”.

Nghe Vinh chửi, nhóm thanh niên đi cùng với xe va quẹt bất ngờ ập vào đấm đá túi bụi. Hậu quả Vinh bị chấn thương ở chân và vùng đầu. Hai cha con phải nằm viện từ hôm đó đến nay chưa biết khi nào được về nhà. Nằm trên giường bệnh với vết thương còn sưng tấy, Vinh tự trách: “Thấy cha nằm xỉu, nóng ruột nên tui mới lớn tiếng. Phải lúc đó bình tĩnh, nói năng nhẹ nhàng chắc không đến nỗi nào”.

Phản hồi trên TTO:

Một thực tế đáng buồn!

Đó là nhận xét chung của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) sau khi đọc bài viết “Hơn 6.200 người vào viện do... đánh nhau trong dịp tết”.

Cụ thể, đa số bạn đọc đều cho rằng tệ nạn nhậu nhẹt tràn lan trong dịp tết và tình trạng giáo dục xuống cấp nghiêm trọng là hai nguyên nhân dẫn đến hậu quả như trên.

Bạn đọc Phạm Hiển viết: “Mọi việc đều bắt nguồn từ rượu bia. Tệ nạn nhậu nhẹt ở nước ta xứng danh đứng đầu thế giới. Thêm nữa là tình trạng giáo dục xuống cấp nghiêm trọng, nhất là trong giới trẻ, họ hầu như ý thức rất kém, chỉ cần một va chạm nhỏ là đã xảy ra giết người. Thật kinh khủng”! Cùng suy nghĩ 

như vậy, bạn đọc tên Khang viết: “Không phải vơ đũa cả nắm nhưng phải thừa nhận người Việt mình ngày càng hung hăng, thích hành xử bạo lực khi va chạm. Đó là một thực tế đáng buồn”!

Đồng tình với nhận xét này, bạn đọc Hai Lúa phân tích: “Người VN ta hiện nay, nhất là thanh niên, tính khí rất hung hăng, chỉ cần mâu thuẫn nhỏ là có thể đánh, đâm, chém nhau. Nguyên nhân do đâu? Do giáo dục đạo đức công dân có lỗ hổng”.

Từ thực tế được chứng kiến, bạn đọc “traipleiku” viết: “Buồn cho lối sống ngày càng thiển cận của một số bộ phận thanh thiếu niên hiện nay, hơi tí là đánh nhau. Kính mong các cấp các ngành đầu tư suy nghĩ đưa ra giải pháp tích cực để giảm tối thiểu các tình trạng này”.

Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Khai Chi phân tích: “Sự ăn thua đủ trong cách nghĩ dẫn đến hành động bạo lực. Năm mới tôi tặng quý bạn đọc một chữ “NHẪN”. Cùng với suy nghĩ “một câu nhịn chín câu lành”, bạn đọc nick name senhoa viết: “Bây giờ ít ai chịu nhẫn nhịn. Có chuyện là xông vào ăn thua đủ”.

TR.D. tổng hợp

Bà Nguyễn Thị Thủy, mẹ nạn nhân Khương Văn Dũng bị Tuệ đâm chết, trước di ảnh con - Ảnh: Ngọc Hiển

* ThS, bác sĩ chuyên khoa II TRẦN QUỐC THẮNG (phụ trách khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế):

“Các bác sĩ ở khoa cảm thấy bất ngờ vì số lượng bệnh nhân đánh nhau tăng lên so với mọi năm. Ở vụ gây chết người tối mùng 1 tết (19-2), hai người vốn không quen biết nhau, chỉ vì một va chạm mà một người đâm trúng động mạch chủ bụng người kia.

Ở đây có hai yếu tố: thứ nhất là do bia rượu, thứ hai, tuy đối tượng không có chủ mưu trước nhưng hành vi thủ sẵn dao đến chỗ đông người là bất hảo.

Riêng mùng 4 tết (22-2), khoa tiếp nhận đến 15 bệnh nhân tai nạn do đánh nhau, cả kíp trực rất căng thẳng, mệt mỏi, vừa làm việc vừa phải lo đối phó.

Kíp trực đã rất khôn khéo gọi một người đứng đầu trong nhóm của người bị nạn vào chứng kiến công việc của nhóm bác sĩ đang cấp cứu thành viên trong nhóm mình. Chính người này góp phần cùng với lực lượng bảo vệ giải quyết được tình hình an ninh trật tự.

* Bà NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG (mẹ của Nguyễn Văn Hải Tuệ, người đã đâm chết người):

“Nghe con dùng dao đâm dẫn đến chết người mà tui không tin nổi vì tính tình hắn hiền từ, lâu nay không làm mất lòng ai. Thằng Tuệ nghỉ học từ lớp 7, làm nghề lái xe ben, hiền từ lắm. Không biết xui xẻo thế nào mà trước tết có đứa bạn tặng con dao, lại cầm dao đi theo.

Hôm đó có lẽ do Tuệ uống say quá, không kiềm chế được bản thân, mà tui cũng không hiểu nổi cơ sự như thế nào nữa. Chồng tui nghe chuyện mà lên cơn đau tim, nhưng lại không chịu đi bệnh viện vì phải đưa tiền sang nhà người ta lo đám tang do con mình gây ra. Chừ ông ấy đang lẩn thẩn như người mất hồn”.

THÁI LỘC - NGỌC HIỂN ghi

 

NHÓM PV - CTV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên