14/06/2011 06:04 GMT+7

10.000 tỉ đồng ngầm hóa lưới điện

QUANG KHẢI thực hiện
QUANG KHẢI thực hiện

TT - UBND TP.HCM vừa chấp thuận về mặt chủ trương cho Tổng công ty Điện lực TP (EVN HCMC) triển khai đề án ngầm hóa lưới điện, kết hợp ngầm hóa dây thông tin trên địa bàn TP giai đoạn 2011 - 2020.

vQArIZBK.jpgPhóng to
Dây điện mạng nhện tại TP.HCM

Ông Phạm Quốc Bảo, phó tổng giám đốc EVN HCMC, cho biết:

JJnAClrw.jpgPhóng to

Ông Phạm Quốc Bảo - Ảnh: Q.KHẢI

Ngầm hóa theo quy hoạch

Theo quy hoạch cải tạo và phát triển lưới điện TP.HCM giai đoạn 2010-2015 có xét đến năm 2020 được Bộ Công thương phê duyệt, đến năm 2015 lưới điện trung thế nổi hiện hữu tại các quận: 1, 2, 3, 4, 5, 10, 11 sẽ được ngầm hóa từ 90-100%; tại các quận: 6, 7, 8, 9, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức sẽ được ngầm hóa từ 70-80%; các quận huyện còn lại sẽ xem xét ngầm hóa phù hợp với sự phát triển hạ tầng. Theo Sở Công thương TP, quy mô, tiến độ đề ra trong đề án ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông của EVN HCMC phù hợp với quy hoạch trên.

- Theo đề án có 337 tuyến đường, bốn cụm dân cư với tổng chiều dài lưới điện được ngầm hóa là 2.240km. Tổng kinh phí thực hiện dự án dự kiến khoảng 10.000 tỉ đồng. Dự án chia làm hai giai đoạn: từ 2011-2015 và từ 2016-2020. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ thực hiện ngầm hóa trên 141 tuyến đường khu vực Q.1 và Q.3 như: Tôn Đức Thắng, Hai Bà Trưng, Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, khu vòng xoay trước chợ Bến Thành và công viên 23-9.

Ngoài ra, các tuyến đường giao thông chính và liên quận như: Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Hữu Cảnh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ... cũng được ưu tiên thực hiện ngầm hóa. Tổng khối lượng ngầm hóa lưới cao-trung-hạ thế của giai đoạn 1 hơn 930km. Giai đoạn còn lại hoàn tất ngầm hóa khu vực nội thành và các khu vực lân cận như các quận: Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, 2, 4, 5, 6, 10, 11...

*Ngoài ngành điện, một số đơn vị viễn thông cũng đầu tư ngầm hóa, liệu có xảy ra cảnh “mạnh ai nấy làm” không, thưa ông?

- Khối lượng cần phải ngầm hóa từ hệ thống điện đến dây thông tin hiện nay rất lớn, vốn đầu tư nhiều nên nhiều đơn vị cùng tham gia thực hiện ngầm hóa là điều tốt. Theo nguyên tắc, khi triển khai một dự án ngầm hóa trên tuyến đường nào đó thì đơn vị chủ đầu tư phải đưa ra được phương án ngầm hóa chung cho các đơn vị có cáp điện, viễn thông chứ không làm đơn lẻ. Phương án ngầm hóa của ngành điện cũng vậy. Chủ đầu tư các dự án ngầm hóa phải gửi kế hoạch dự kiến ngầm hóa hằng năm cho tất cả đơn vị có cáp điện, viễn thông biết để phối hợp.

*Chỉ tính riêng giai đoạn 1 đã có trên 140 tuyến đường bị đào xới để lắp đặt cáp ngầm. Liệu việc này sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân như thế nào?

- Chúng tôi chia nhỏ khối lượng công việc theo từng năm một. Trong năm 2011 chúng tôi dự kiến ngầm hóa hơn 60km lưới trung hạ thế, năm 2012 là 150-200km... Việc triển khai công tác ngầm hóa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người dân nhưng chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế ảnh hưởng đến mức thấp nhất. Cụ thể như rút kinh nghiệm từ việc thực hiện ngầm hóa trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1), thời gian tới chúng tôi thực hiện công việc vào ban đêm, làm cuốn chiếu từng đoạn và đến mờ sáng hôm sau là dọn dẹp sạch, trả lại hiện trạng đường gần như cũ. Ngoài ra, để tránh tình trạng đào xới vỉa hè nhiều lần gây lãng phí và bức xúc trong dân, chúng tôi cũng liên hệ với quận huyện để phối hợp triển khai cùng với các công trình hạ tầng khác.

*Việc triển khai ngầm hóa chủ yếu trên vỉa hè nhưng nhiều tuyến đường hiện nay quá chật hẹp, thậm chí không có vỉa hè. Như vậy việc triển khai ngầm hóa bằng hào kỹ thuật liệu có khả thi?

- Đúng là hiện nay trên địa bàn TP không phải đường nào cũng có vỉa hè đủ rộng để lắp đặt hào kỹ thuật như đã làm ở đường Trần Hưng Đạo. Khảo sát thực tế cho thấy có những tuyến đường lề rộng trên 5m, thuận lợi trong việc bố trí các công trình ngầm bằng hào kỹ thuật, nhưng cũng có nhiều tuyến đường có lề rất nhỏ, thậm chí không có lề. Vì vậy, giải pháp thi công ngầm hóa đưa ra trong đề án linh động cho phù hợp địa hình cụ thể. Ví dụ ngoài hào kỹ thuật còn có phương pháp thi công luồn cáp trong ống nhựa chôn trực tiếp xuống đất, luồn cáp trong ống đặt trong các khối bêtông...

*Với kinh phí quá lớn là 10.000 tỉ đồng, EVN HCMC sẽ huy động từ những nguồn nào?

- Tính ra trung bình mỗi năm ngành điện cần 800 - 1.000 tỉ đồng cho công tác ngầm hóa. Đây là số tiền lớn trong khi kinh phí của ngành điện có hạn và còn phải tập trung vào việc đầu tư cải tạo phát triển lưới điện. Vì vậy, EVN HCMC chỉ đầu tư một phần, phần còn lại kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng tham gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đề xuất UBND TP đưa những dự án ngầm hóa vào các công trình được hỗ trợ lãi suất để được vay vốn hỗ trợ kích cầu, vay vốn tín dụng thương mại.

QUANG KHẢI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên