Các em học sinh luyện tập thể lực qua hình thức bơi lội - Ảnh: Như Hùng |
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cho biết với một người trưởng thành, thời gian vận động thể lực được khuyến nghị là trên 150 phút/tuần, tức là mỗi ngày trên 30 phút và không ít hơn 5 ngày trong tuần. Nếu duy trì được mức này có thể đạt được nhiều mục tiêu cho sức khỏe.
Làm việc nhà, chơi với trẻ
Bác sĩ Ngọc Diệp khẳng định: Mỗi người có thể chọn lựa nhiều hình thức hoạt động thể lực tùy theo hoàn cảnh và thể trạng của mình. Hình thức đơn giản, dễ thực hiện nhất với tất cả mọi người chính là đi bộ.
Bên cạnh đó có thể chọn đi xe đạp, bơi, các môn bóng, võ thuật... Ngoài ra, hoàn toàn có thể làm việc nhà, chơi với trẻ, làm vườn, tắm và chăm sóc các vật nuôi... tất cả hoạt động này đều giúp tăng cường thể lực.
* Sau khi ý kiến của bà và một số ý kiến của bạn đọc về việc tổ chức phong trào vận động thể lực, được báo Tuổi Trẻ phát triển thành cuộc vận động “10.000 bước chân - Thay đổi cuộc sống”, bà nhận được những ý kiến phản hồi ra sao?
- Ngay sau khi bài báo được đăng tải, bản thân tôi nhận được rất nhiều ý kiến. Từ những anh chị em đồng nghiệp, người làm công tác quản lý đến nhân viên, người thợ... tất cả đều hết lòng ủng hộ chương trình, đều nói rằng đó là việc cần làm và bản thân họ quyết tâm làm.
Tăng cường vận động thể lực để cải thiện sức khỏe là vấn đề đã được ngành y tế khuyến nghị nhiều lần. Nhưng cũng có cái khó là nhiều người chưa hiểu đúng về tăng cường hoạt động thể lực, mà bị nhầm sang khái niệm luyện tập thể dục thể thao, bởi vậy hoạt động này chưa mở rộng ra được.
Cá nhân tôi rất vui mừng vì từ một vấn đề của ngành y tế, nay nhận được sự quan tâm ủng hộ rất lớn của dư luận. Tôi thấy nhiều người mình làm việc chung dần dần thay đổi hành vi của mình. Thay vì ngồi nhiều đã đứng lên, đi lại nhiều hơn, thay vì dùng thang máy như trước thì nay chịu khó đi thang bộ.
* Trong số đó có những ý kiến thắc mắc về cách thực hành 10.000 bước chân hay không, thưa bà?
- Ngoài việc ủng hộ vận động thì phản hồi thứ hai là làm sao để đi được 10.000 bước chân, nên cần hiểu đúng và thực hiện.
Bản chất của 10.000 bước chân là ta phải tăng cường hoạt động thể lực hằng ngày. Cách thức như thế nào còn tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh cá nhân, nhưng mình phấn đấu tăng cường hoạt động thể lực, ngày sau phải nhiều hơn ngày trước, tuần sau phải nhiều hơn tuần trước.
Nguyên tắc là mình phải tự nâng dần mức hoạt động thể lực của cá nhân mình theo thời gian. Và bất cứ một loại hoạt động thể lực nào làm tiêu hao năng lượng đều mang lại lợi ích với sức khỏe.
Để vận động đạt được mục tiêu thời gian thì dễ. Nhưng để đạt được mục tiêu tiêu hao năng lượng, nâng cao được sức khỏe, làm rắn chắc xương thì người ta khuyến nghị nên chia các lần tập luyện.
Có thể chia ra làm nhiều lần, mỗi lần khoảng 15 phút. Với người cao tuổi (trên 70 tuổi) thì mỗi lần 10 phút. Nếu mỗi lần ít hơn con số này thì vẫn là vận động, nhưng việc đạt được mục tiêu nâng cao sức khỏe, cải thiện ổn định đường huyết, huyết áp sẽ thấp hơn.
Năng động trong mọi việc
* Ý nghĩa sâu xa của phong trào vận động không chỉ nằm ở việc tăng cường thể lực?
- Để tăng cường sức khỏe thì chế độ dinh dưỡng, tăng cường vận động và lối sống lành mạnh là ba yếu tố quan trọng. Việc vận động không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn xây dựng một lối sống lành mạnh, linh hoạt hơn. Đồng thời thông qua các hoạt động thể lực mà xây dựng được tinh thần làm việc đội nhóm, tăng cường giao tiếp xã hội.
* Chương trình “10.000 bước chân - Thay đổi cuộc sống” do báo Tuổi Trẻ phát động hướng đến tất cả người dân, trong đó tập trung nhiều ở nhóm học sinh - sinh viên, người làm việc văn phòng. Có lưu ý đặc biệt nào cho nhóm này không, thưa bà?
- 10.000 bước chân là phong trào rộng rãi cho mọi người, trong đó nên đặc biệt chú ý đến tuổi học đường.
Trẻ em tuổi học đường, sinh viên, lao động văn phòng, theo những giám sát về dinh dưỡng mà chúng tôi thực hiện, thì hoạt động tĩnh tại là quá nhiều, thời gian hoạt động thể lực ngày càng thấp và đạt không tới 50% so với mức được khuyến nghị.
Vì vậy đây là nhóm hiện đang mắc thừa cân béo phì, các bệnh lý của xương khớp, rối loạn chuyển hóa có xu hướng trẻ hóa, gia tăng nhanh.
Với chương trình của báo Tuổi Trẻ, tôi cho rằng cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho mọi người thực hiện. Có thể tạo ra những đường dây trao đổi, với bộ phận tư vấn được tập huấn trước để đưa ra những loại hình vận động phù hợp với từng nhóm người.
Lưu ý sau tập luyện hay ăn nhiều
Hoạt động thể lực cần đến năng lượng, nên sau khi luyện tập mình thấy đói là điều bình thường. Nhưng khi đó có nên ăn hay không và ăn như thế nào thì tùy theo tình trạng sức khỏe. Nếu người nào đang bị thừa cân béo phì thì nên chọn những thực phẩm ít năng lượng, số lượng vừa đủ để dùng, thay vì ăn những bữa ăn no và chú ý phải luôn thực hành chế độ ăn mà bác sĩ dinh dưỡng đã thiết kế. Có những trường hợp sau khi tập thể dục là ăn thêm rất nhiều, nên càng tập càng không thấy giảm cân mà còn rất mệt. Riêng với những người bị bệnh đái tháo đường chú ý phải ăn nhẹ trước khi tập luyện để tránh hạ đường huyết sau khi tập. |
Phát động chuỗi sự kiện “10.000 bước chân - Thay đổi cuộc sống” Báo Tuổi Trẻ chính thức ra mắt chuỗi sự kiện “10.000 bước chân - Thay đổi cuộc sống” giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8-2017. Chương trình do báo Tuổi Trẻ và Hội sinh viên - Hội liên hiệp thanh niên VN TP.HCM phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Hoạt động mong muốn góp phần làm thay đổi nhận thức về vận động và dinh dưỡng nhằm xây dựng một xã hội vận động, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân. Lễ phát động chương trình quy tụ hơn 5.000 người gồm lãnh đạo các ban ngành từ T.Ư đến TP, học sinh - sinh viên, người lao động, văn nghệ sĩ... sẽ được diễn ra từ 6h-9h sáng 14-5 tại đường Tân Trào, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM (khu vực tòa nhà Vinamilk) với các hoạt động đi bộ đồng hành, biểu diễn nghệ thuật, giao lưu với nghệ sĩ... Bạn đọc tự do tham gia đi bộ cùng chương trình và giao lưu với các khách mời tại sự kiện. Ban tổ chức sẽ dành tặng các phần quà, áo và mũ cho những bạn đọc có đăng ký tham gia sớm (đăng ký qua ĐT: chị Thanh Hà: 0934073394 hoặc email: [email protected]). |
Nên theo dõi cân nặng mỗi năm Tham gia chương trình theo dõi cân nặng trong 1 năm giúp giảm trọng lượng cơ thể tốt hơn thời gian 3 tháng hoặc dùng những trợ cụ tự thân và có thể hiệu quả về chi phí hơn, theo một nghiên cứu mới đây thuộc Đại học Cambridge (Anh). 1.267 người trưởng thành tham gia khảo sát ngẫu nhiên và có đối chứng từ 23 phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Anh. Trong đó 211 người chỉ can thiệp một lần qua tham vấn và tự dùng sổ tay trợ giúp theo dõi cân nặng, 528 người theo dõi trong 3 tháng và 528 người theo dõi 1 năm. Sau 1 năm, nhóm tự theo dõi giảm trung bình 3,26kg so với 4,75kg ở nhóm quan sát trong 3 tháng và 6,76kg ở nhóm quan sát 1 năm. Nhóm theo dõi 1 năm giảm đáng kể HbA1c và đường huyết lúc đói so với nhóm 3 tháng và nhóm tự theo dõi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận