26/09/2020 08:29 GMT+7

1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa ở Việt Nam: Dùng công nghệ số chữa bệnh

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Chiều tối 25-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế đã khánh thành 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa.

1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa ở Việt Nam: Dùng công nghệ số chữa bệnh - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khánh thành 1.000 điểm đầu cầu khám chữa bệnh từ xa - Ảnh: VIỆT DŨNG

Tới đây khi triển khai 5G tại Việt Nam, các bác sĩ khắp thế giới có thể tham gia hỗ trợ những ca mổ ngay tại Việt Nam.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THANH LONG

Cùng lúc có 5 bệnh viện tuyến trung ương tổ chức hội chẩn với bệnh viện vệ tinh của mình: Bệnh viện E nối cầu để hội chẩn hỗ trợ 1 ca mổ tim cho bé 29 tháng tuổi tại Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Nhi trung ương hỗ trợ một ca bệnh khó tại huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh, nơi cách đất liền khoảng 100km...

"Chỉ một năm trước, những điều này là không tưởng" - Thủ tướng nói. Ông đã liên tục vỗ tay chúc mừng và cảm ơn các thầy thuốc, những người đang mang kiến thức và kinh nghiệm đi chữa bệnh cho khắp mọi miền.

Người dân khắp nơi được "khám giáo sư"

Dịch vụ khám chữa bệnh đang có những chênh lệch nhất định về trình độ chuyên môn giữa các tuyến. Đó là một trong những lý do người dân khắp nơi đổ xô lên tuyến trung ương và dẫn đến vô số hệ lụy: quá tải, nằm ghép, phí ngầm để được mổ sớm hay chỉ là để hi vọng được điều trị tốt hơn.

Đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở như đưa y bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới "cầm tay chỉ việc", đào tạo liên tục để cải thiện chất lượng chuyên môn, nhưng cũng có những cản trở để triển khai chương trình này. Khi không thể kéo dài mãi việc bác sĩ phải đi tăng cường cho cơ sở nhiều tháng trời, trong khi bệnh viện trung ương cũng đang bị quá tải, từ đó chương trình khám chữa bệnh từ xa ra đời.

Từ vài tháng nay, những hỗ trợ thông qua "telehealth"- hệ thống khám chữa bệnh và hội chẩn trực tuyến cùng lúc có nhiều điểm cầu tham gia (do Bộ Y tế triển khai) đã có những hiệu quả nhất định.

Ông Trần Minh Điển, phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho rằng chỉ 15 phút cập nhật kiến thức, các y bác sĩ ở Cô Tô có thể nắm được rất nhiều kiến thức chuyên môn mới về "sốt co giật", chứng bệnh ở Cô Tô chưa điều trị hiệu quả.

Ngay khi Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Y tế đang khánh thành 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa đầu tiên, các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương và Cô Tô cùng hội chẩn để điều trị ca bệnh sốt co giật tại Cô Tô. Nếu không có những nền tảng trực tuyến, rất khó kết nối cơ sở y tế ở các tuyến để cải thiện chất lượng dịch vụ. Nếu khám chữa bệnh ở đâu cũng có giáo sư, bác sĩ nổi tiếng hội chẩn và điều trị, bệnh nhân sẽ đỡ phải di chuyển, nhất là những trường hợp bệnh khó, di chuyển sẽ nguy hiểm.

Chia sẻ tại lễ khánh thành 1.000 điểm cầu ngay từ phòng mổ, đại diện Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng cho biết sau khi kết nối với Trung tâm tim mạch Bệnh viện E, Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng - nơi đã thực hiện trên 320 ca mổ tim trẻ em dù mới thành lập - có thể sẽ được các bác sĩ Bệnh viện E hỗ trợ kiến thức để mổ tim nội soi sớm hơn, ngay thời gian tới.

Nhiều vấn đề cần giải quyết ngay

Một chuyên gia y khoa chia sẻ với Tuổi Trẻ lo ngại mỗi ca bệnh được đưa ra hội chẩn qua khám chữa bệnh từ xa đều có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn điểm cầu vào tham gia, liệu có ảnh hưởng đến vấn đề riêng tư của bệnh nhân. Theo ông Nguyễn Đình Anh, vụ trưởng Vụ Truyền thông - thi đua - khen thưởng (Bộ Y tế), hôm 22-9 vừa qua Bộ Y tế đã có quy định để hạn chế lo ngại này. Theo đó, không cho phép đưa tên thật bệnh nhân ra hội chẩn, trong cuộc hội chẩn không phát trực tiếp (live stream) hay đưa thông tin lên mạng xã hội...

Một vấn đề nữa là cơ chế tài chính cho khám chữa bệnh từ xa. Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan chức năng đang tính toán mức phí, nhưng theo ông Nguyễn Lân Hiếu - giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau 40 buổi telehealth vẫn chưa thu được gì. Một hãng bảo hiểm thương mại ký với bệnh viện nếu có bệnh nhân mua bảo hiểm và được khám chữa bệnh từ xa thông qua đầu cầu của bệnh viện, hãng sẽ chi trả 1,6 triệu đồng/ca bệnh. Nhưng từ khi ký đến nay là 2 tháng cũng chưa được đồng nào.

Lo ngại tiếp theo là "cứu bệnh như cứu hỏa", nhưng khi có hội chẩn từ xa, y bác sĩ thay vì chuyển gấp lên tuyến trên cho kịp "giờ vàng" lại giữ bệnh nhân lại để chờ hội chẩn, có thể nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Theo ông Trần Minh Điển, có 4 cách kết nối "khám chữa bệnh từ xa", trong đó những ngày nghỉ, hoặc đêm khuya y bác sĩ các tuyến chỉ cần trao đổi qua "video call", tức là gọi điện thoại cho nhau và có hình ảnh là đã khám chữa bệnh từ xa được rồi. Ông Điển cũng cho rằng tùy tình hình và mức độ của bệnh nhân, bác sĩ trực tiếp điều trị quyết định chuyển bệnh nhân ngay hay để lại điều trị.

Việc có hệ thống khám chữa bệnh từ xa cũng là một cơ hội để bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với các chẩn đoán của chuyên gia, y bác sĩ tuyến dưới cũng được cập nhật kiến thức liên tục. Từ đó hi vọng sớm có cạnh tranh về chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến y tế, thay cho việc tuyến trên vượt xa về chuyên môn như hiện nay. 

Tuy nhiên, nếu chưa xử lý được những vướng mắc, hệ thống này sẽ khó phát triển. Vướng mắc về cơ chế chính sách, nền tảng pháp lý cho khám chữa bệnh từ xa cũng là những điều Thủ tướng băn khoăn. Nhưng điều gì mới cũng cần thời gian để hoàn chỉnh, bởi sau 1.000 điểm cầu này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống, tiến tới 14.000 cơ sở y tế hiện có đều có thể tham gia khám chữa bệnh từ xa.

1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa, giáo sư khám cho bệnh nhân ngồi ở huyện 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa, giáo sư khám cho bệnh nhân ngồi ở huyện

TTO - 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa, cơ hội bệnh nhân khắp nơi được chữa "bác sĩ trung ương".

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên