TTCT - Vì sao cả thế giới nghệ thuật hành hương đến Documenta? Ngôi đền sách “Parthenon der Buecher” ở Kassel. -Ảnh: Roman Maerz Documenta thứ 14 - triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất thế giới, kéo dài 100 ngày (từ 18-4 đến 17-9) và cứ 5 năm một lần, năm nay ở Kassel (Đức) và Athens (Hi Lạp) - hứa hẹn trở thành sự kiện mang tính chính trị nhất từ khi ra đời. Ý tưởng khởi thủy là ngôi đền sách “Partenón de libros” ở Buenos Aires. -Ảnh: Studio Minujín Mười vạn cuốn sách cấm Chưa mở cổng, ngôi đền sách ở Kassel của nữ nghệ sĩ Marta Minujín người Argentina đã được coi là biểu tượng của Documenta 14. Giám tuyển Adam Szymczyk cũng mát tay khi chọn đề tài sách, mà còn là “sách cấm”! Ngay ở Athens, Minujín đã gây tiếng vang khi tuyên bố trả món tiền mà Hi Lạp nợ Đức bằng... ôliu. Nhưng bây giờ đi dần từng chi tiết một, kẻo đánh mất tập trung vào những sự kiện then chốt của Documenta 14. “Parthenon der Buecher” (Ngôi đền sách Parthenon) đã mọc lên ở quảng trường Friedrich của Kassel, với kích thước hệt như ngôi đền huyền thoại Parthenon trên đồi Acropolis của Athens xa xôi, vốn dựng lên để tưởng niệm thần Athena. Nghệ sĩ trình diễn Minujín muốn dựng ngôi đền sách to như nguyên bản, nhưng thay cho cẩm thạch trắng, bà dùng 10 vạn cuốn sách từng bị cấm để tạo ra cột kèo. Ngôi đền này sẽ biến thành đài tưởng niệm, thành biểu tượng mỹ học của dân chủ và tự do. Tự do biểu đạt ý kiến, tự do báo chí - toàn những chủ đề không hề sáo mòn, mà nóng hơn bao giờ hết, ngay cả ở châu Âu (như Thổ Nhĩ Kỳ) hay thậm chí giữa xứ cờ hoa tự do của Donald Trump. Ở quê nhà, năm 1983 nữ nghệ sĩ này đã dựng “Partenón de libros” giữa thủ đô Buenos Aires sau khi chế độ độc tài quân sự Argentina sụp đổ. Bà gài vào công trình đó những cuốn sách bị bộ máy kiểm duyệt của chế độ cũ cấm cản. Kassel hôm nay sẽ là cầu nối lịch sử, vì mười vạn cuốn sách do bạn đọc tự nguyện đóng góp nhắc ta nhớ lại cảnh chính quyền Hitler tổ chức thiêu những cuốn sách “phản tinh thần Đức” ở chính quảng trường này cách đây hơn tám thập kỷ. Sách hôm nay được nâng niu, bọc kín nilông để tránh mưa nắng và sau lễ bế mạc sẽ được dỡ ra, tặng khách thập phương đem về như một lời nhắc nhở. Nghệ sĩ Marta Minujín người Argentina.-Ảnh: Ignacio Colo Khẩu hiệu năm nay: “Học tập Athens” Đúng ngày khai mạc Documenta 14, nữ nghệ sĩ Minujín muốn làm cây cầu nghệ thuật kết nối Athens và Kassel bằng... ôliu. Ôliu Hi Lạp. Rất nhiều ôliu: 4 tạ! “Tôi sẽ trao cho bà Angela Merkel và tranh cãi với bà. Hai người sẽ ngồi hai bên đống ôliu và tôi lấy ôliu để trả món tiền mà Hi Lạp nợ nước Đức”, Minujín mỉm cười tinh quái ở xưởng vẽ của mình giữa Buenos Aires. Nghệ thuật là vũ khí chính trị? Bà định gây hấn với người đóng thuế ở Đức chăng? Thủ tướng Merkel đâu có trả lời thư mời của Minujín? “Vâng, chính thế, tôi sẽ phải nhờ một người đóng thế cho bà Merkel - bà nói tiếp - Hi Lạp đang chết bẹp dưới núi tiền nợ khổng lồ của EU mà Đức nắm tỉ lệ cao nhất. Nhưng Hi Lạp chẳng nợ ai cả. Đất nước này là cái nôi của nền dân chủ, họ đã tặng cho cả thế giới phương Tây nền văn hóa rực rỡ của mình trước đây nhiều thế kỷ!”. Đây không phải lần đầu Minujín biểu diễn màn “trả nợ”. Năm 1985 bà đã thanh toán với Andy Warhol món nợ mà Argentina phải trả cho Hoa Kỳ, và trả bằng 1 tạ ngô - “vàng của Nam Mỹ”. Năm 1996, bà qua Anh và tranh luận với Margaret Thatcher, hay đúng hơn là với một diễn viên đóng thế, nhằm giảng hòa xung đột ở quần đảo Malvinas (người Anh gọi là Falkland). “Thatcher” gào thét, túm chặt chân ghế của Minujín ngồi phía bên kia một đống ngô. Trong cuộc chiến Falkland 1982, Margaret Thatcher đâu chỉ quan tâm đến mấy hòn đảo trơ trụi, mà cố xây dựng hình ảnh “bà đầm thép không biết khoan nhượng” của mình để thắng cử. Dĩ nhiên Minujín không ngăn nổi chiến thắng đó, nhưng bộ phim ghi lại cuộc đấu khẩu “Giải quyết xung đột quốc tế bằng nghệ thuật và ngô” của bà là một thành công rực rỡ, thức dậy nhiều đầu óc phê phán về quan hệ giữa bầy sói thế giới thứ nhất và đàn cừu thế giới thứ ba. Minujín thuộc hàng ngũ nghệ sĩ đương đại quen thuộc nhất và quan trọng nhất ở Argentina. Các tác phẩm sắp đặt video và tạo hình của bà được trưng bày ở những địa chỉ lẫy lừng như MoMA New York, Tate Gallery London hay Centre Pompidou Paris. Năm nay bà nhận giải Velázquez của Bộ Văn hóa Tây Ban Nha cho các nghệ sĩ châu Mỹ Latin nhờ “xô đổ các huyền thoại phổ biến” và “hoạt động chính trị”. Cây tháp của nghệ sĩ Mỹ gốc Nigeria Olu Oguibe.-Ảnh: Norbert Miguletz Chúa ở Kassel Năm 2017 + Đức + Hi Lạp - bộ ba khái niệm trên sẽ bắt người nghe nghĩ đến bóng đen chiến sự dâng lên từ Trung Đông và hắt lửa qua Hi Lạp đến Đức. Đại đa số những người Syria lánh nạn chiến tranh vượt biển tới Hi Lạp hoặc Thổ Nhĩ Kỳ rồi từ đó vào EU, với đích cuối cùng là nước Đức phồn vinh. Ngoài khía cạnh nhân đạo, sự va chạm giữa hai nền văn hóa gần như nước với lửa cũng đặt người dân sở tại vào tình huống thử thách. Và chính vì thế mà cả Kassel lẫn Athens đều không thể tránh khỏi chủ đề bi thương ấy. Đối với nghệ sĩ Mỹ gốc Nigeria Olu Oguibe, Documenta là một sự kiện như làm ra cho chính ông. Toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông xoay quanh chủ đề người nhập cư được đón tiếp ở xứ lạ ra sao, và cảm giác bỏ lại quê hương sau lưng có giá bao nhiêu giọt nước mắt. Ông năm nay 52 tuổi và rời bỏ Nigeria cách đây 30 năm. Người nghệ sĩ và nghiên cứu văn hóa gốc Phi dựng giữa quảng trường Koenig đông đúc của thành phố Kassel một cây tháp chóp nhọn như biểu tượng cho những người mất nơi chôn nhau cắt rốn. Dạng tháp chóp nhọn này có nguồn gốc ở Ai Cập cổ đại, nó không phải là tặng phẩm tự nguyện mà bị các triều vua La Mã cướp về châu Âu và thậm chí mang sang bên kia Đại Tây Dương, hệt như những cây cổ thụ bị đánh bật gốc để đem trồng vào đất lạ. Bốn mặt tháp khắc hàng chữ trích từ Kinh thánh bằng bốn thứ tiếng, tương truyền là lời Jesus: “Ta là người lạ, và các người đã đùm bọc ta”. Giữa thế kỷ 17, Kassel đã che chở những người theo đạo Tin Lành cải cách bị Pháp đàn áp phải chạy sang tị nạn - như lời báo trước, rằng bốn thế kỷ sau sẽ có con gái một nhà thần học Tin Lành tên là Angela Merkel mở rộng cửa đón một triệu người sa cơ lỡ vận vào nhà. “Trước đây 50 năm, ở nơi tôi ra đời là Biafra (Nigeria) nổ ra chiến tranh. Gia đình tôi liên tục phải lánh nạn. Tôi lúc đó mới hơn 2 tuổi, nhưng hình như những sự kiện chấn động tâm can vẫn đọng trong óc tôi. Cha tôi bị mất cả thư viện khi nhà cháy, chúng tôi phải bỏ lại một bà bác vì tàn tật. Tôi sẽ không bao giờ tha lỗi cho Nigeria. Buộc phải sống nơi đất khách quê người là một vết thương không thể lành, là nhát dao chia đời tôi thành hai mảnh” - tâm sự của Olu Oguibe mà Documenta 14 giới thiệu. Dưới chân cây tháp luôn có một nhóm thanh niên ngồi nghỉ. Hi vọng họ sẽ hiểu hết ẩn ý sau dòng chữ, sẽ suy nghĩ kỹ khi tháng 9 tới đi bỏ phiếu thuận hay chống bà Merkel trụ lại thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo, sẽ ngạc nhiên tự hỏi vì sao các thành viên mới của EU như Ba Lan, Czech, Hungary tuy nhận hỗ trợ tài chính từ quỹ EU nhưng kiên quyết không nhận người tị nạn? “Cuộc sống chiều ngang” - tác phẩm sắp đặt của Hiwa K từ Iraq.-Ảnh: Eibner Thế giới chiều ngang Tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ Hiwa K người Kurd từ trước khi khai mạc đã như thỏi nam châm hút mọi ánh mắt khán giả. Hiwa K đến từ Iraq, hôm nay sống ở Berlin. Người tị nạn đến Hi Lạp phải ở hàng mấy tuần liền để đợi cứu trợ trong những ống cống bằng bêtông như thế. Bản thân Hiwa K cười đầy ẩn ý khi được hỏi có phải sống ở trong ống thoát nước như vậy cách đây bốn năm, trước khi trốn từ Hi Lạp sang Ý. Thay vào đó, ông kể về một người bạn đồng hành tên K mà hôm nay ông xin nhận làm tên mình. Cùng một số người khác, K trốn trong ống cống để đợi theo xe tải sang Ý. Do thời gian chờ đợi đôi khi kéo dài vài tuần lễ, người tị nạn buộc phải trang hoàng nơi ở bất đắc dĩ ấy theo nhu cầu và sở thích riêng của mình. Bản thân ông không tự gọi là nghệ sĩ hay thậm chí là trí thức. Ông học guitar ở đại học âm nhạc. “Tôi tạo ra tác phẩm này cho Documenta 14 với một ngôn ngữ đơn giản mà ai ai cũng hiểu”. 20 ống bêtông màu đất mang tên “Khi chúng ta thở ra hình ảnh” được xếp chồng lên nhau, mỗi ống dài 10m, đường kính 90 phân, hở hai đầu. Không đủ để một người đứng trong đó, cái ống bắt “cư dân” phải ngồi hoặc nằm. Nhờ các sinh viên mỹ thuật và kiến trúc từ Kassel trợ lực, mỗi ống được trang trí một kiểu. Có thư viện, quầy rượu, bồn tắm, luống cây... dĩ nhiên đó cũng là chỗ ăn ngủ như một căn phòng mini. Cũng phải nói thêm là thoạt tiên Hiwa K định cho khách thuê qua đêm để trải nghiệm trực tiếp tình cảnh của người lánh nạn, song không được tòa thị chính Kassel cấp phép. “Chỉ khi từng sống trong một cái ống, bạn sẽ thấu hiểu giá trị thực của những gì xung quanh mình” - Hiwa K nói. Ông say mê với đề tài sống theo chiều ngang trong một xã hội dư thừa vật chất và chỉ kính sợ những gì vươn lên theo chiều dọc, chiếm lĩnh độ cao hoặc ở trên cao. “Đó là bản chất một xã hội bị chia giai tầng. Các tầng lớp dưới đáy xã hội, hay rộng ra là cả Nam bán cầu không được chú ý đến. Ở các nước giàu có, người ta phá hết nhà ở xã hội rẻ tiền để xây nhà cao tầng xa xỉ. Chính vì thế tôi muốn lái ánh mắt của mọi người vào cuộc sống theo chiều ngang - Hiwa K, mỉm cười dễ thương như một đứa trẻ, nhưng mắt buồn bã - Con người cần cả chục vạn năm để học dáng đi thẳng lưng và đi bằng hai chi sau. Xong rồi họ quay ra chinh phục thiên nhiên. Hậu quả ra sao thì ta đã thấy”. Bây giờ thì người nghe không thể mỉm cười lây. “Chúng ta chất đầy nhà những đồ vật, vài bữa lại quẳng đi để mua mới. Nhưng ai từng sống theo chiều ngang sẽ có một quan hệ khác với giá trị đồ vật. Những gì quan trọng thì người ta để gần mình và gìn giữ chúng”. Rồi thì Hiwa K cũng không tránh được chủ đề người tị nạn: “Tôi tin là cuộc khủng hoảng tị nạn hãy còn chưa tới đỉnh điểm. Những gì xảy ra ở châu Âu mới chỉ là khởi đầu. Hãy chờ 70 năm nữa, khi nhiều đất nước không còn đất sinh sống vì ngập dưới biển sau khi khí hậu biến đổi...”. Ta vẫn nghe nói nghệ thuật cũng là chính trị. Và biết triết gia Diogenes vĩ đại sống trong cái thùng gỗ thường dùng để đựng rượu vang. Ở Kassel và Athens ta sẽ được chiêm nghiệm cả hai ý đó. Nhân tiện kể nốt giai thoại về Diogenes được truyền lại: Alexandros Đại đế của xứ Macedonia nghe tiếng triết gia từ lâu và nóng lòng được yết kiến. Khi tìm đến tận Corinth, ngài thấy ông đang sưởi nắng nơi miệng thùng và ân cần cúi xuống, hỏi có thể làm gì để giúp ông. Diogenes đáp: “Vâng, nhờ đức vua tránh ra để tôi đón ánh mặt trời”. Quần thần cười nhạo lão già lẩm cẩm, nhưng Alexandros trầm ngâm: “Nếu ta không phải là Alexandros thì ta muốn được là Diogenes”. Ở Documenta 14, sách là chính trị và thùng rượu nho làm bằng bêtông. ■ Tags: 100 ngày ô liu Hi LạpÔ liu Hi Lạp cho bà MerkelDocumenta thứ 14Triển lãm nghệ thuật đương đại
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Đã cảnh báo, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, bị sóng dữ cuốn chết TRẦN HOÀI 23/12/2024 Dù đã có cảnh báo cấm xuống biển lúc sóng to, gió lớn, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, tắm lúc biển động, dẫn đến một người bị sóng cuốn chết.
TP.HCM thưởng Tết cao nhất 1,9 tỉ đồng từ một doanh nghiệp vốn nước ngoài VŨ THỦY 23/12/2024 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
'Nữ quái' ở Thái Bình lừa đảo bạn trai hơn 2,3 tỉ đồng nhờ 'bịa chuyện' TIẾN NGUYỄN 23/12/2024 Phạm Thị Liên nhiều lần 'bịa chuyện' bị bán ra nước ngoài làm gái bán dâm cần tiền chuộc và làm giấy tờ để về nước, qua đó lừa đảo số tiền hơn 2,3 tỉ.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.