100 năm trường phái siêu thực: Một trào lưu giữa thực và mơ

MAI MAI HƯƠNG 22/11/2024 07:24 GMT+7

TTCT - Đã tròn một trăm năm kể từ ngày Tuyên ngôn Siêu thực được giới thiệu vào mùa thu năm 1924.

Đã tròn một trăm năm kể từ ngày Tuyên ngôn Siêu thực được giới thiệu vào mùa thu năm 1924. Chất chứa những ước mơ và góc nhìn đối lập với xã hội đương thời, các tác phẩm của văn nghệ sĩ trường phái này đã làm thay đổi cách chúng ta nhìn thế giới…

100 năm trường phái siêu thực: Một trào lưu giữa thực và mơ - Ảnh 1.

La persistència de la memòria (Sự dai dẳng của ký ức) của Salvador Dali, vẽ năm 1931, kích thước 24 x 33cm, chất liệu sơn dầu trên toan

Dưới bầu trời xanh là quang cảnh hoang mạc với những chiếc đồng hồ chảy mềm kỳ lạ, thể hiện bản chất trôi nhanh của thời gian. Một chiếc vắt trên nhánh khô của một cái cây trụi lá, có kim chỉ đúng 12 giờ. Chiếc khác lại chỉ quá 12 giờ, phủ lên cái xác đã rữa của một sinh vật có vẻ là một con ngựa. Chiếc thứ ba trượt qua gờ vuông của một thứ trông như bờ đá, chỉ 12 giờ kém. Chiếc thứ tư không còn chảy mềm mà đã khô sẫm lại trên mặt bờ đá nọ, bị kiến bu kín tới độ chẳng còn thấy số và kim. 

Tất cả tạo ra một bầu không khí vừa u ám vừa kỳ quái trên bức tranh mà danh họa Tây Ban Nha Salvador Dali (1904-1989) vẽ năm 1931, có tên La persistència de la memòria (Sự dai dẳng của ký ức). Tác phẩm này đến nay vẫn là một biểu tượng của trào lưu nghệ thuật Siêu thực, một trường phái bắt đầu từ những năm 1920, ở Paris.

Một hiện thực mới siêu đỉnh

Đó là khi Thế chiến 1 (1914-1918) đã kết thúc, cuộc sống đô hội sôi động trở lại với những con người hậu chiến háo hức sống và ham muốn trải nghiệm mọi thứ. Olympics 1924 như truyền điện thêm cho kinh đô ánh sáng, các vận động viên, giới văn nghệ sĩ và trí thức đổ về, làm cho khí thế sáng tạo trở nên hừng hực, biến Paris thành thủ đô văn hóa của châu Âu.

Nhưng giữa một giai đoạn được lịch sử gọi là "Les Annees Folles" (Những năm 20 ngông cuồng), có những người không hài lòng với sự phù phiếm của lối sống hưởng thụ giản đơn và không đồng tình với cái xã hội để xảy ra cuộc thế chiến tàn khốc vừa qua. Họ đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện về tư tưởng. chính từ đó, một phản lưu nghệ thuật - chính trị đã hình thành, hướng đến một tương lai khác.

Những ai đi theo trào lưu mới này - họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà làm phim… - đều chối từ tinh thần thời đại kiểu tư sản, trưởng giả đương thời. Họ tìm kiếm - vượt ra ngoài logic và luận lý - một hiện thực mới mẻ và cao cả hơn, một siêu hiện thực. Sự vô thức, những giấc mơ, những cơn say, những mong muốn bị kìm nén, tầm nhìn, và những ý tưởng điên rồ… 

100 năm trường phái siêu thực: Một trào lưu giữa thực và mơ - Ảnh 2.

Le Violon d'Ingres (Cây vĩ cầm của Ingres) của Man Ray, sáng tác năm 1924, kích thước 29,6x22,7cm, chất liệu ảnh in tráng bạc

Tất cả đều cần thiết - theo các nhà siêu thực chủ nghĩa - để giải phóng xã hội khỏi các ràng buộc đạo đức và ý thức hệ đương thời. Ảnh hưởng nhiều từ tác phẩm Traumdeutung (Luận giải giấc mơ) mà cha đẻ môn phân tâm học Sigmund Freud (1856-1939) giới thiệu năm 1899, họ muốn "xé bỏ bức màn hiện thực".

Một trong những người tiên phong siêu thực là André Breton, nhà văn - nhà phê bình người Pháp. Ông là người đã viết quyển Manifeste du surréalisme (Tuyên ngôn Siêu thực) xuất bản tháng 10-1924, giới thiệu trào lưu mới trong nghệ thuật. "Tôi tin vào sự hóa giải của hai trạng thái này, mơ và thực, vốn dường như rất đối lập nhau, trở thành một dạng hiện thực siêu đỉnh, một siêu hiện thực…", ông viết. 

Thuật ngữ mới này bị nhiều người đương thời, những người theo quan điểm nghệ thuật truyền thống cố hữu lúc đó, xem là khiêu khích, thậm chí là nổi loạn. Dù vậy, vẫn có nhiều họa sĩ được truyền cảm hứng từ tư tưởng mới và trào lưu siêu thực sau đó đã ảnh hưởng đến họa sĩ toàn thế giới.

André Breton, bên cạnh tuyên ngôn Siêu thực, còn là một trong những người đầu tiên dấn thân vào phong cách viết tự động, một phương pháp đưa hình ảnh, cảm xúc và từ ngữ từ tiềm thức ra mặt giấy, mà ông mô tả như là "việc viết chính tả cho các suy nghĩ trong đầu, mà không có sự kiểm soát nào của lý lẽ, đặt ngoài mọi mối quan tâm về đạo đức hay thẩm mỹ".

Theo Breton, cách nhanh nhất để huy động được tiềm thức vào quá trình sáng tác càng nhiều càng tốt là ngồi vào bàn ngay khi thức dậy, trong lúc vẫn còn nửa tỉnh nửa ngủ, rồi viết ra những câu từ nghĩ được trong lúc mơ màng đó. Kỹ thuật này về sau đã được nhiều văn sĩ và họa sĩ sử dụng như một cách khai thác tiềm thức để sáng tác. Từ đam mê của Breton, người đời sau cũng đã quan tâm nhiều hơn đến việc khai thác các khả năng của tiềm thức vào cả những lĩnh vực bên ngoài việc sáng tác như tâm lý học, khoa học.

Chất nổi loạn của các nhà siêu thực

Tác phẩm kinh điển của trường phái Siêu thực phải kể đến bức La trahison des images (Sự phản phụ của hình ảnh) mà họa sĩ người Bỉ Rene Magritte vẽ năm 1929. Tác phẩm tả thực một cái tẩu thuốc, nhưng bên dưới lại chú thích là: "Ceci n'est pas une pipe" (Đây không phải là một cái tẩu). 

Có vẻ đánh đố, nhưng hóa ra lại siêu chân thực: Ta đâu có nhìn vào một cái tẩu thuốc, ta đang nhìn vào bức tranh vẽ cái tẩu thôi mà. Siêu thực đã mang đến một góc nhìn mới như thế.

100 năm trường phái siêu thực: Một trào lưu giữa thực và mơ - Ảnh 3.

La trahison des images (Sự phản phụ của hình ảnh) của Rene Magritte, vẽ năm 1929, kích thước 60x81cm, chất liệu sơn dầu trên toan

Trong nhiều tác phẩm siêu thực, các mặt đối lập tương phản nhau mạnh mẽ, cả về chất liệu và bối cảnh, như bộ đồ trà bọc lông thú có tên Le Déjeuner en fourrure (Bữa trưa phủ lông thú) mà nghệ sĩ tạo hình và nhiếp ảnh gia Meret Oppenheim (1913-1985) sáng tác năm 1936. 

Tác phẩm không chỉ là lời phản biện cho suy nghĩ xa hoa rằng cái gì bọc lông thú cũng đẹp của một người bạn, mà còn là sự phản kháng với thói trưởng giả của xã hội đương thời.

Những góc nhìn méo mó, những sinh vật kỳ dị, những sự việc quái lạ… Các tác phẩm siêu thực thường tách sự vật khỏi bối cảnh thường thấy, kết hợp cái nọ xọ cái kia để mang đến một cái nhìn mới. 

Hãy xem thêm tác phẩm nhiếp ảnh Siêu thực nổi tiếng của nhiếp ảnh gia người Mỹ Man Ray (1890-1976): bức khỏa thân Le Violon d'Ingres (Cây vĩ cầm của Ingres) thực hiện năm 1924, chụp mặt lưng của người phụ nữ như thể thân trước của một cây violin với đủ hai khe thoát âm chữ f đặc trưng của loại đàn này.

Ingres là ai? Đó là họa sĩ Jean-Auguste-Dominique Ingres mà Man Ray ngưỡng mộ, người mà khi không vẽ thường say mê chơi violin. Người trong ảnh là ai? Là người tình của Man Ray. Vậy thì ý của Man Ray là gì?... Với rất nhiều tầng ý nghĩa chất chứa trong nó, Le Violon d'Ingres đã được bán với giá 12,4 triệu USD trên sàn Christie's ở New York hai năm trước.

Những điều còn mãi

Họa sĩ người Đức Max Ernst (1891-1976), một trong những nhà siêu thực thế hệ đầu hay vẽ những cảnh tưởng tượng ngoạn mục có những nhân vật tưởng tượng. Cùng với đó, ông phát triển các kỹ thuật đầy ngẫu hứng cho nền hội họa, chẳng hạn như frottage là chà bút chì, than chì, hay một chất liệu nào đó lên một tờ giấy áp trên một bề mặt có xớ sợi hay gồ ghề để chuyển kết cấu đặc biệt từ vật mẫu lên mặt giấy.

Max Ernst cũng là người đã phát minh ra kỹ thuật oscillation, treo một lon chứa màu dao động bên trên tranh và để màu tự nhỏ xuống mặt tranh qua một lỗ đục dưới đáy lon. Kỹ thuật này về sau đã được danh họa người Mỹ Jackson Pollock (1912-1956) của trào lưu Biểu hiện Trừu tượng phát triển thành kỹ thuật vẩy màu, vốn cũng đòi hỏi họa sĩ phải nhìn tác phẩm từ trên cao xuống rồi vung cọ để cho các giọt màu rơi tự do lên mặt tranh đặt trên sàn.

Phản ứng lại sự tàn bạo của Thế chiến I và xã hội hậu chiến hưởng thụ đầy tính trưởng giả, văn nghệ sĩ của trào lưu Siêu thực bằng các tác phẩm có phong cách lật đổ mọi nguyên tắc nghệ thuật lâu đời đã tấn công vào sự duy lý và thói kiểu cách của xã hội. 

Họ viết, vẽ, làm phim để thể hiện quan điểm chống lại tư duy logic cứng nhắc và chủ nghĩa thực dụng, họ cổ xúy sự thay đổi xã hội, ủng hộ sự bình đẳng cũng như các quan điểm cấp tiến. 

Nhưng trên hết, bằng công cụ nghệ thuật, họ đã làm thay đổi mạnh mẽ cách suy nghĩ và nhận thức của xã hội đương thời về mọi mặt đời sống. Từ phong trào Siêu thực, cách nhìn và cách suy nghĩ của nhân loại về mọi thứ xung quanh đã được giải phóng khỏi những lề thói cũ.

Không có một ghi nhận chính xác về thời điểm trào lưu Siêu thực bị phai nhạt, nhưng có lẽ là từ khi Thế chiến II nổ ra, hủy diệt sự sống và cả các hoạt động nghệ thuật trong xã hội phương Tây. Sau cuộc chiến này, có một trường phái mới xuất hiện kế thừa nhiều đặc điểm của Siêu thực, đó trường phái Biểu hiện trừu tượng.

Có khi góc nhìn Siêu thực rất khó hiểu, như bộ phim đen trắng Un Chien Andalou (Một con chó Andalusia) chiếu năm 1929. Đạo diễn Tây Ban Nha Luis Bunuel và danh họa Salvador Dali đã đem chuyện trong những giấc mơ của họ lên màn ảnh lớn. Mở đầu phim là cảnh một người đàn ông đang mài dao cạo râu, rồi ông ra ban công ngắm trời đêm và thấy mây lướt ngang qua mặt trăng. Tiếp sau đó là một cảnh rất sốc: người đàn ông lướt con dạo cạo ngang qua nhãn cầu của một người phụ nữ. Sau nữa là những khuôn hình lúc kỳ quái, lúc bạo lực, lúc tình cảm, mà ít liên quan nhau: một người đàn ông đạp xe trên phố vắng, rồi một người phụ nữ sống trong căn hộ, rồi một người phụ nữ đứng lặng giữa phố đông và bị xe tông… Không gì trong phim này có thể giải thích bằng logic, luận lý hay văn hóa, nhưng người xem có thể lờ mờ hiểu rằng phim nói về bản chất của cái mà người đời gọi là tình yêu!


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận