Bác sĩ Yersin và Nha Trang
Trong lần trở lại Nha Trang vào dịp ngày giỗ thứ 70 của bác sĩ Yersin, gặp chúng tôi, ông Daniel Minsen (75 tuổi, một người cháu của bác sĩ) nói: "Ở đây, ông tôi được trân trọng hơn bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi thấy người dân chăm sóc ngôi mộ của ông như người nhà của họ.
Trong nhà, trong chùa người ta còn thờ cúng ông. Nhiều di sản mà ông tôi để lại được lưu giữ trân trọng. Và tên ông được chọn đặt cho đường phố đẹp của thành phố. Ở đây ông mãi sống, mãi là công dân của Nha Trang".
Đúng vậy, bác sĩ Yersin mãi là công dân đặc biệt của thành phố xinh đẹp bên bờ biển này.
Khi bác sĩ Yersin chọn cái lô cốt cũ bên chân xóm Cồn làm nơi ở, chọn một khu đất gần đó lập chi nhánh Viện Pasteur, thì nhiều người ở Paris hoa lệ bắt đầu biết đến Nha Trang, một vùng đất bên bờ biển đẹp ở Đông Dương xa xôi. Danh tiếng của ông đã làm cho nhiều người trên thế giới thời đó biết đến Nha Trang.
Chúng ta bắt gặp điều đó trong những dòng viết trìu mến của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer dành cho ông và cho Nha Trang: "...Đây là nơi được bác sĩ Yersin chọn để gầy dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu vi khuẩn.
Nhà bác học như Yersin, một con người vừa vĩ đại vừa giản dị và khiêm tốn, đã thực hiện những nghiên cứu về bệnh dịch hạch tại nơi đây và đưa ra được những kết quả đầu tiên khiến cả giới khoa học phải biết đến. Viện Pasteur ở Paris xem ông như một trong những thành viên kiệt xuất của mình.
Tôi sẽ luôn nhớ đến bác sĩ Yersin, người mà tôi yêu mến nhiều hơn là ngưỡng mộ, với lòng trìu mến, mỗi khi tôi nhớ lần đầu tiên đến Nha Trang, nơi những công trình nghiên cứu đã làm cho nổi tiếng về sau".
Nhiều người trong chúng ta đều biết bác sĩ Yersin là người sáng lập ra Viện Pasteur Nha Trang, nhưng ít ai biết rằng chính ông cũng là người đề xuất với chính quyền Đông Dương thành lập Viện Hải dương học (lúc đầu là Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương).
Bác sĩ Yersin là người đề xuất với tiến sĩ A. Krempf, giám đốc Viện Khoa học Đông Dương, chọn Nha Trang là nơi lý tưởng nhất để thành lập viện này và ông A. Krempf cũng chính là vị giám đốc đầu tiên của Viện Hải dương học.
Ngay từ buổi ban đầu, với sự hiện diện của Viện Pasteur và Viện Hải dương học, Nha Trang đã được rất nhiều người nước ngoài biết đến.
Mang đến ánh sáng văn minh
Ánh sáng văn minh mà nhà bác học Yersin mang đến cho Nha Trang đầu tiên là ánh sáng của khoa học.
Thời đó, không phải người dân ở đâu cũng được may mắn như người dân Nha Trang biết được lợi ích của thiên văn học, khi họ được ông Năm (tên thân mật người dân gọi ông) dự báo trước các cơn bão có sóng lớn tràn vào xóm Cồn để lánh nạn.
Bác sĩ Yersin làm được điều ấy nhờ ông đã đặt mua từ Pháp một kính thiên văn vào năm 1910, đây là kính thiên văn đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Thứ đến, người dân ở đây mỗi khi bệnh đau chỉ biết uống thuốc lá cây, rước thầy mo, thầy cúng..., nhưng nhờ ông Năm họ mới biết đến việc uống và chích thuốc Tây y.
Người dân ở đây càng may mắn hơn khi được bác sĩ Yersin xem việc chữa bệnh cho họ như là một sứ mệnh của mình.
"Con rất thích được khám cho những người đến tham khảo ý kiến của con, song lại không muốn sử dụng y khoa như một nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi bệnh nhân trả công khám cho mình.
Con xem nghề y là một thiên chức giống như chức vụ mục sư vậy. Đòi tiền của bệnh nhân cũng gần bằng như bảo họ là: muốn sống thì bỏ tiền ra...". Trong một bức thư gửi mẹ mình ông đã viết như vậy.
Không chỉ đem đến cho người dân khoa học, ông còn đem đến cho họ tri thức từ sách, nhất là với các em nhỏ.
Bác sĩ Kiều Xuân Cư, một nhân vật nổi tiếng ở Nha Trang, lúc sinh thời thường hay kể: Nhà ông Năm sát bãi biển, có rất nhiều sách như là một thư viện, trong đó có rất nhiều sách dành cho trẻ em.
"Ngày ấy, tôi thường cùng đám bạn khoảng 12 - 14 tuổi, đạp xe từ Thành (Diên Khánh) xuống Nha Trang tắm biển, mỗi lần vào thư viện của ông hỏi mượn sách, đều được ông phát kẹo và được nói chuyện bằng tiếng Pháp. Ông gọi chúng tôi là những bạn nhỏ thân thiết".
Cùng với việc đem đến cho người dân Nha Trang ánh sáng khoa học - tri thức, ông Năm còn mang đến thứ ánh sáng của lối sống văn minh. Người dân xóm Cồn Nha Trang còn lưu truyền chuyện ông cảm hóa người dân bằng phim ảnh.
Mỗi lần thấy người dân cãi lộn, say rượu, gây gổ đánh chửi nhau, ông lại bí mật quay phim. Tối đến, ông mời bà con xem phim mà họ đã diễn.
Ông hỏi người dân con: "Có hay không? Có đẹp không? Có nên không? Có làm thế nữa không?". Từ đó, xóm Cồn giảm hẳn những chuyện say sưa, đánh chửi, cũng là làm đẹp thêm cho thành phố Nha Trang.
Không biết do có phải gắn gần cả cuộc đời mình với Nha Trang hay không, mà bác sĩ Yersin gần gũi với tính cách hiền hậu của người Nha Trang với văn hóa Việt Nam.
Nhà văn Cung Giũ Nguyên viết về bác sĩ Yersin: "Yersin yêu mến đám dân hèn mọn mà ông biết ngôn ngữ, ông ưa thích dân tộc ấy vì nhận ra được sự tế nhị, lễ phép, hiền hậu, tính tình bình thản, cũng như sự khéo tay, tài quan sát, lanh lẹ, những đức tính ăn khớp với tính ông.
Và những người Việt Nam cũng yêu đức tính Yersin vì nhận ra nơi ông sự giản dị, kín đáo, nhút nhát được xem như là một dạng của lễ phép, sự dịu hiền, lòng khoan dung vô hạn, sự khinh miệt hào nhoáng giả dối và những bề ngoài vô bổ, bao nhiêu điều phù hợp với truyền thống nhân bản của họ, phù hợp với những quan niệm lâu đời của họ về cái tâm".
Ngoài Viện Pasteur, bác sĩ Yersin còn xây dựng "công trình" lớn hơn đó là mở mang văn hóa cho người Nha Trang, cống hiến những nét đẹp văn hóa riêng còn lưu giữ mãi cho thành phố này.
Nếu như những người mang tư tưởng thực dân thời đó thường dùng mỹ từ "khai sáng" để che đậy sự xâm chiếm và khai thác thuộc địa, thì ngược lại một trí thức đến từ Pháp như bác sĩ Yersin đã đem văn minh đến khai sáng cho người dân Nha Trang bằng cả tấm lòng nhân ái của mình.
Năm 1898, bác sĩ Yerin phát hiện bệnh dịch hạch ở xóm Cồn Nha Trang từ nguồn lây của các tàu thuyền nước ngoài. Ông đã làm hết sức mình để cứu dân vì thời bấy giờ người dân không hiểu dịch lây lan như thế nào nên không khai báo bệnh, phản đối việc dời chỗ ở cách ly nguồn lây.
Với hỗ trợ về huyết thanh của Viện Pasteur Paris, ông đã dập tắt dịch hạch ở Nha Trang. Thời gian đó, nhiều thành phố lớn ở châu Á bị dịch hạch tàn phá hoang tàn, riêng Nha Trang có dịch nhưng được cứu nhờ bác sĩ Yersin.
Nhà thơ Giang Nam, nguyên là phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, một người hết lòng yêu mến và kính trọng Yersin, nhiều lần kể với chúng tôi rằng: "Hồi mới giải phóng xuống, tiếp quản thành phố Nha Trang, cũng có ý kiến rằng tên đường trong thành phố đã đổi gần hết theo cách đặt tên của chế độ mới, sao đường Yersin không đổi?
Tôi cùng với nhiều anh em đã phải kiên trì bảo vệ không được đổi tên đường Yersin. Vì bác sĩ Yersin là người xứng đáng nhất được đặt tên đường ở Nha Trang này".
Nha Trang 1924 - 1944
■ 1924: Thành lập thị trấn Nha Trang.
■ 1928: Khởi công xây dựng tuyến đường sắt Nha Trang - Đà Nẵng và nhà ga Phú Vinh; nhà thờ Đá được khởi công xây.
■ 1929: Chuyển Sở Hải dương học thủy sản Đông Dương thành Viện Hải dương học Đông Dương.
■ 1930: Khởi công xây dựng sân bay Nha Trang.
■ 1935: Xây dựng ga Nha Trang thay cho ga Phú Vinh.
■ 1940: Làm tuyến đường sắt ga Nha Trang - cảng Cầu Đá (chưa hoàn thành đến năm 1943 phải tháo gỡ).
■ 1944: Nhập làng Phước Hải vào thị trấn Nha Trang; Nha Trang được nâng cấp lên thị xã.
************
Hơn cả toàn quyền Đông Dương ký quyết định khai sinh đô thị biển ở vùng Nam Trung Bộ, hơn cả công sứ Khánh Hòa thời đó vạch ra kế hoạch kiến thiết cho thành phố mới, bác sĩ Yersin là người có công lớn nhất tạo nên tên tuổi của Nha Trang.
>> Kỳ tới: Miền quê hương cát trắng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận