03/03/2017 16:01 GMT+7

100 năm một mái trường hồng Đồng Khánh - Hai Bà Trưng

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Sáng 3-3, các thế hệ học sinh và giáo viên Đồng Khánh - Hai Bà Trưng đã mở lễ hội kỷ niệm 100 năm. Các thế hệ học trò Đồng Khánh - Hai Bà Trưng ở khắp nơi trong và ngoài nước đã về dự.

Những chiếc áo dài nữ sinh như đàn bướm trên sân trường - Ảnh: Minh Tự
Những chiếc áo dài nữ sinh như đàn bướm trên sân trường - Ảnh: Minh Tự

100 năm trước (1917), ngôi trường nữ trung học đầu tiên ở Trung kỳ mang tên vua Đồng Khánh đã được vua Khải Định thành lập.

Sau năm 1975, trường đổi tên là trường cấp III Trưng Trắc, đến năm 1983 thì đổi thành Trường THPT Hai Bà Trưng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết đến đầu thế kỷ 20, ngay tại kinh đô Huế vẫn có rất ít phụ nữ được đi học, vì Trường trung học Quốc Học ra đời trước đó chỉ dành cho nam giới.

Triều Nguyễn và chính phủ bảo hộ Pháp thấy rằng cần phải có một ngôi trường nữ trung học cho phụ nữ bản xứ học hành, thi thố với nam giới, nên vua Khải Định đã ra chỉ dụ thành lập ngôi trường này và chọn cuộc đất ngay bên cạnh trường Quốc Học vốn là trại lính thủy quân hoàng gia để xây trường.

Ngày 15-7-1917, lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng trường nữ trung học Đồng Khánh được diễn ra dưới sự chứng kiến của vua Khải Định và Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut. Hàng trăm người thợ Huế dưới sự chỉ huy của nhà thầu người Pháp tên là Leroy đã xây dựng ngôi trường trong vòng hai năm.

Những nữ sinh Đồng Khánh tuổi đã thành bà nội, bà ngoại gặp lại nhau sau hàng chục năm chia tay tuổi học trò - Ảnh: Minh Tự
Những nữ sinh Đồng Khánh tuổi đã thành bà nội, bà ngoại gặp lại nhau sau hàng chục năm chia tay tuổi học trò - Ảnh: Minh Tự

Thầy Ngô Đức Thức - hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng hiện nay - cho biết suốt 60 năm từ khi thành lập cho đến năm 1975, Đồng Khánh là trường nữ duy nhất ở miền Trung dạy đủ các môn văn - thể - mỹ - hạnh và lao động kỹ thuật. Cùng với việc học văn hóa, nữ sinh Đồng Khánh còn được dạy cách nuôi con, quản lý gia đình, phép tắc ứng xử và học cả cách cứu thương...

Vì vậy, nữ sinh Đồng Khánh một thời nổi tiếng với vẻ đẹp cung dung ngôn hạnh. Hình ảnh nữ sinh Đồng Khánh với chiếc áo dài màu tím Huế đã trở thành biểu tượng của thiếu nữ Huế. Nhiều nữ sinh của ngôi trường này đã trở thành nhân tài trong nhiều lĩnh vực, như: Trần Thị Như Mân (phu nhân nhà văn hóa Đào Duy Anh), nhân sĩ Đào Thị Xuân Yến (tức bà Tuần vũ Nguyễn Đình Chi), nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái (vợ đầu của đại tướng Võ Nguyên Giáp), điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, chuyên gia nữ công Hoàng Thị Cúc...

Trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm, hiệu trưởng Ngô Đức Thức cho biết sẽ tiếp tục duy trì truyền thống của Đồng Khánh một thuở để tiếp tục xây dựng Trường THPT Hai Bà Trưng trở thành một trong những ngôi trường hàng đầu của Huế.

Nữ sinh Đồng Khánh niên khóa 1965-1966 - Ảnh tư liệu của trường - Ảnh: Minh Tự
Nữ sinh Đồng Khánh niên khóa 1965-1966 - Ảnh tư liệu của trường - Ảnh: Minh Tự
Những nữ sinh Đồng Khánh tuổi đã thành bà nội, bà ngoại gặp lại nhau sau hàng chục năm chia tay tuổi học trò - Ảnh: Minh Tự
Những nữ sinh Đồng Khánh tuổi đã thành bà nội, bà ngoại gặp lại nhau sau hàng chục năm chia tay tuổi học trò - Ảnh: Minh Tự
Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa - Ảnh: Minh Tự
Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa - Ảnh: Minh Tự
Nữ sinh Hai Bà Trưng ngày nay - Ảnh: Minh Tự
Nữ sinh Hai Bà Trưng ngày nay - Ảnh: Minh Tự
Những chiếc áo dài nữ sinh như đàn bướm trên sân trường - Ảnh: Minh Tự
Những chiếc áo dài nữ sinh như đàn bướm trên sân trường - Ảnh: Minh Tự
Màn đồng diễn của nữ sinh Hai Bà Trưng chào mừng “đàn chị” Đồng Khánh về thăm lại trường - Ảnh: Minh Tự
Màn đồng diễn của nữ sinh Hai Bà Trưng chào mừng “đàn chị” Đồng Khánh về thăm lại trường - Ảnh: Minh Tự
MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên