TTCT - Xuất hiện khoảng cuối thập niên 1910, bài ca Dạ cổ hoài lang được xem như một hạt giống nền tảng trong quá trình hình thành vọng cổ - một thể loại âm nhạc tiêu biểu của Nam Bộ. Trải qua một thế kỷ, bài ca này vẫn tiếp tục thu hút khán giả vào câu chuyện kinh điển về người phụ nữ Việt Nam nhớ nhung chờ đợi chồng. Phụ nữ Nam Bộ với đàn kìm, hình in trên bưu thiếp (carte postale) đầu thế kỷ 20 Nhân dịp kỷ niệm 100 năm (1919 - 2019) bản Dạ cổ hoài lang, bài viết này sẽ nhìn lại bối cảnh lịch sử xã hội, ảnh hưởng của nhạc tài tử và dân ca được phản ảnh trong bài ca này.Đặc biệt, qua tham khảo tài liệu từ Trung tâm nghiên cứu dân tộc nhạc học thuộc Viện Bảo tàng con người của Pháp, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá một số nét tương đồng giữa Dạ cổ hoài lang và một bài ca được phổ biến từ thế kỷ 19 cùng chủ đề người phụ nữ “suốt đêm nhớ chồng”.Ý thức sáng tạo mới trong âm nhạc Nam bộTừ cuối thế kỷ 19 đến những năm 1910, âm nhạc Nam Bộ đã chứng kiến sự nỗ lực để hoàn thiện hệ thống bản tổ và “tài tử hóa” dân ca, nhất là thể loại “lý”. Thời kỳ này cho thấy sự thi thố tài năng giữa hai khối miền Đông và miền Tây đã đem lại những kết quả sáng chói nhất trong lịch sử nhạc tài tử.Đặc biệt nhất là một ý thức sáng tạo đã phát sinh và lan tỏa từ các nhạc sĩ hàng đầu như Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) ở Cần Đước (Long An), Lê Tài Khị (Nhạc Khị) tại Bạc Liêu và Kinh lịch Trần Quang Quờn (thầy Ký Quờn) ở Vĩnh Long. Phương hướng sáng tạo này đã làm kho tàng âm nhạc Nam Bộ thêm đa dạng và phong phú hơn.Một ví dụ cụ thể, theo giáo sư Trần Văn Khê, từ năm 1917, Trần Quang Quờn đã “có sáng tác vài chục bài bản mới” như Hiệp điệp xuyên hoa, Cứ hổ báo nhập trọng địa và Dạ bán chung thinh.Tại Bạc Liêu, sự ra đời bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu phản ánh bối cảnh chín muồi của ý thức sáng tạo mới ở đầu thế kỷ 20 và mở ra một hướng đi mới trong âm nhạc Nam Bộ, được sự hưởng ứng nhanh chóng rộng rãi từ buổi đầu.Giáo sư Trần Văn Khê từng nhận định “nét nhạc của bài Dạ cổ hoài lang có mấy chỗ giống như nét nhạc của bài Hành Vân, lại mang hơi của cách ru em miền Nam nên dễ đi vào lòng người”.Còn thạc sĩ Huỳnh Khải cho rằng bài Dạ cổ hoài lang là sự hòa quyện của nhạc cung đình miền Trung và âm hưởng các điệu lý Nam Bộ, sau khi trở thành vọng cổ “thì theo cấu trúc mở, mở ra con đường để người ta sáng tạo”.Trong một thế kỷ, nhiều tên tuổi như Huỳnh Thủ Trung, Trần Hữu Trang, Út Trà Ôn, Mộng Vân, Trần Tấn Hưng, Viễn Châu và rất nhiều nhạc sĩ khác đã góp phần trong công cuộc sáng tạo, tiếp tục phát triển Dạ cổ hoài lang trở thành vọng cổ đến ngày nay.Dạ cổ phiên bản năm 1900Tại Triển lãm Toàn cầu Paris năm 1900, với hoài bão xây dựng một bảo tàng âm thanh đầu tiên của nhân loại, nhà nhân chủng học Léon Azoulay đã thực hiện một bộ sưu tập thu âm với khoảng 400 ống sáp (wax cylinder), với nhiều thể loại âm nhạc và tiếng nói của các dân tộc trên thế giới.Ống wax thu âmVới nhiều cơ duyên huyền diệu, một bài ca của Nam Bộ đã được thu âm trong bộ sưu tập lịch sử này với tên là Chant populaire d'amour. Qua một giọng ca nữ người Sài Gòn, lời ca phơi bày nỗi niềm thân phận của người phụ nữ Việt Nam như là một phiên bản “dạ cổ” của thế kỷ 19.Trong một hợp tác nghiên cứu, tôi và Huỳnh Khải đã ký tự và tạm đặt tên cho bản thu âm này là Vọng Lang. Điều thú vị là trong khi chữ “lang” không hề được sử dụng trong ca từ của Dạ cổ hoài lang thì lại xuất hiện nhiều lần trong bản thu âm năm 1900 với các cụm từ như “vọng lang”, “bạn lang” và “nữ lang”.Giữa hai bài có một số ca từ hoàn toàn giống nhau, chứa đựng ẩn dụ văn học hay điển tích Hán - Việt như “luống trông”, “tào khang”, “ong bướm” và sắt/duyên “cầm”.Phân tích chất liệu âm nhạc về thang âm, giai điệu và tiết tấu cho thấy Vọng Lang chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của nhiều bài nhạc tài tử. Huỳnh Khải đã đưa ra bằng chứng cho thấy một số nét nhạc của Vọng Lang hoàn toàn giống hay tương tự các bài Tây thi, Cổ bản và Ú liu ú xáng (Thiên bất túc).Với nhiều nét tương đồng, bài ca Vọng Lang trong bộ sưu tập Triển lãm Toàn cầu Paris đã kết nối với Dạ cổ hoài lang, mở ra một khung cửa quá khứ mới trong câu chuyện kinh điển người phụ nữ Việt Nam đợi chồng, đồng thời soi sáng thêm một phần hành trình phát triển bản sắc văn hóa của vùng đất mới phương Nam.Ngọn lửa ý thức sáng tạo ở đầu thế kỷ 20 hình như vẫn tiềm ẩn, chưa bao giờ tắt trong trái tim, khối óc của Nam Bộ và tiếp tục phát huy các di sản văn hóa thành những giá trị mới. Trải qua một trăm năm, ý thức đó vẫn luôn tồn tại trong quá trình phát triển Dạ cổ hoài lang trở thành một di sản hiện hữu đa dạng trong hàng ngàn bài ca vọng cổ được trình diễn và thưởng thức bởi nhiều tầng lớp xã hội trong và ngoài nước đến ngày hôm nay. ■---------------------------------------------DẠ CỔ HOÀI LANG Cao Văn Lầu Từ là từ phu tướngBảo kiếm sắc phán lên đàngVào ra luống trông tin nhạnNăm canh mơ màngEm luống trông tin chàngÔi! Gan vàng thêm đauĐường dầu sa ong bướmXin đó đừng phụ nghĩa tào khangCòn đêm luống trông tin bạnNgày mỏi mòn như đá Vọng PhuVọng phu vọng luống trôngtin chàngLòng xin chớ phụ phàngChàng là chàng có hayĐêm thiếp nằm luống nhữngsầu tâyBao thuở đó đây sum vầyDuyên sắt cầm đừng lợt phaiNguyện, là nguyện cho chàngNguyện cho chàng đặng chữ an - bình anMau trở lại gia đàngCho én nhạn hiệp đôi.--------------------------------------------VỌNG LANG Bản gốc: Chanson populaire d’Amour Thu âm: Leon Azoulay [Paris 1900] Ký tự: Nguyễn Lê-Tuyên & Huỳnh Khải [2017]Tình mối tình thêm mà thêm tơ liễuTơ kiến diệc sư haoĐờn ca chẳng có để thêmThâu đêm, thâu đêm, thấu canh tànMen đắng thêm càng, mơ màng vọng langBăn khoăn tư bề đêm khuyaRa vô ra vô tư lự guồng tơ cũng làTơ tình chỉ mình cưu mangBịt bùng mây gió niệm chimà gió rét tê rét tê như vậyÔi trời Đông đã lạicũng bởi dây tơ hồngXui khiến xui khiến xui căn nợChi trong căn nợMối sầu, mối sầu bởi do trăm đàngtình nợ ngửa nghiêngLá thắm ra dòng sôngNgỡ ai nương gió mát bên bờ trăng thanhTiếng trống canh lầu trở canhGiấc mơ còn kìa aiTrông luống trông thề nguyền chưa cạnDuyên kia chưa còn thay lòngChút ân tình tri ngộ bạn langChim Ô thước bắc cầu sông NgânNỡ lòng nào cách phânĐứt giấc mơ đau lòng Nữ LangỦ liễu ủ liễu ủ mai tànOng bướm bay nhộn nhàngCàng hổ phận cảnh hường nhanNgờ ai ngờ sắp giờ Đông TâyLá thắm chỉ hồng gió maymối duyên cầm lợt phaiThôi thế thôi thế thôi cho đànhCũng thôi cho đành chuyện chồng vợ vỡ tanSầu là sầu tương tư, mối căn sầu tương tưCái duyên lỡ làngHương lửa hương lửa hương không thànhNon sông không thành là thời tính sao?Nghe vẳng nghe vẳng nghe canh gàCanh vắn trăng tàn, lạnh lùng vọng langKhuya sớm khuya sớm khuya nương dựaKhông nơi nương dựa, vào thở ra thanNguyện cũng chờ, dẫu tử sanhcho trọn niềm như tào khang Tags: Cao Văn LầuDân ca Nam bộDạ cổ hoài langNhạc tài tửVọng Lang dân caVọng LangĐờn kìmÂm nhạc Nam bộ
Tin tức thế giới 13-11: Ông Trump chọn được lãnh đạo CIA; Mỹ: lính Triều Tiên đang cầm súng ở Kursk THANH HIỀN 13/11/2024 Mỹ lên tiếng: Lính Triều Tiên đã tham chiến cùng Nga; Ông Trump đề cử nhân vật bảo thủ, ủng hộ Israel làm đại sứ.
Cô gái quận 6 không còn cha mẹ, 18 năm ở trọ: 'Trường đại học đẹp quá, muốn ở đó mãi' PHẠM VŨ 13/11/2024 Linh chỉ còn bà ngoại để nương tựa, dằng dặc tháng năm ở trọ vì không có nhà. Lần đầu được đến trường đại học nằm trong khu phần mềm Quang Trung, cô gái choáng ngợp vì trường đẹp quá, mát quá, muốn được ở mãi trong trường.
Hám lợi rồi sa chân vào những chuyến 'hàng cấm', khóc cũng muộn rồi ĐOÀN CƯỜNG 13/11/2024 TAND cấp cao tại Đà Nẵng vừa xét xử vụ một thanh niên người dân tộc thiểu số vì nghe theo lời rủ rê của bạn mà chở "hàng cấm" với mức án nghiêm khắc.
Thời tiết hôm nay 13-11: Bão số 8 đi lên bắc Biển Đông, Thừa Thiên Huế đến Phú Yên mưa LÊ PHAN 13/11/2024 Hôm nay 13-11, thời tiết mưa to kết thúc tại miền Trung. Miền Bắc sáng có sương mù, còn miền Nam ngày nắng, chiều tối có mưa.