26/03/2019 11:07 GMT+7

100 năm Bà Nà - Kỳ 2: Những công trình đầu tiên

TRƯỜNG TRUNG - ĐOÀN CƯỜNG
TRƯỜNG TRUNG - ĐOÀN CƯỜNG

TTO - "Khi tôi lên đây lần đầu, mọi thứ chỉ là đống đổ nát. Dấu tích còn sót lại của một khu nghỉ dưỡng hàng đầu xứ Trung Kỳ là những móng nhà giữa um tùm cây cỏ".

100 năm Bà Nà - Kỳ 2: Những công trình đầu tiên - Ảnh 1.

Khách sạn Morin trên đỉnh đầu thế kỷ trước - Ảnh tư liệu

Đấy là tâm sự mà ông Hồ Văn Ánh, nguyên trưởng Ban quản lý khu du lịch - Suối Mơ giai đoạn 1997-1999, nhớ lại lần đầu lên đỉnh Bà Nà.

Được giao nhiệm vụ mở đường trở lại đỉnh núi, ông Ánh nói nếu không có những tư liệu do người Pháp để lại, thật không dám tin một thế kỷ trước người ta có thể băng núi, cắt rừng để làm cả một "thị trấn trên mây".

Những ngôi biệt thự cổ của người Pháp đều được xây dựng theo kiến trúc châu Âu với lò sưởi và đường ống cung cấp hơi ấm trong tường nhà. Một số biệt thự có chất liệu xây dựng là hợp chất mủ cây bời lời trộn với đá để chịu đựng được độ ẩm nơi đây.

(Lời thuyết minh của các hướng dẫn viên Khu du lịch Bà Nà)


Từ ngôi nhà tư nhân đầu tiên của Beisson

Lần giở những tư liệu tầm khảo cũ, ông Ánh mừng ra mặt khi nhận ra năm 2019 chính là năm kỷ niệm tròn 100 năm ngày ngôi nhà đầu tiên được dựng trên đỉnh Bà Nà. Lịch sử khai phá của người Pháp đương nhiên không ai rành bằng... người Pháp.

Những ghi chép về các công trình đầu tiên trên Bà Nà cho thấy sự bài bản của người Pháp trong việc xây dựng một "Đà Lạt xứ Trung Kỳ".

Công trình được xây cất đầu tiên đương nhiên là trại kiểm lâm năm 1901 của đoàn đi khai phá do đại úy Debay dẫn đầu.

Trong một bức thư viết tháng 11-1901, Debay thổ lộ: "Khi Đà Nẵng phát triển một mức nào đó, có nhiều người Pháp đến ở thì thiết nghĩ cần có một nhà trạm bồi dưỡng sức khỏe".

Điều thuận lợi mà Debay nhìn thấy chính là việc chỉ cần bỏ ra 2-3 giờ leo núi là có thể lên tới đỉnh cao 1.350m để thấy được một quang cảnh đẹp mắt. Nhưng phải mất tới 18 năm sau để ngôi nhà "bồi dưỡng sức khỏe" trong suy nghĩ của Debay trở thành hiện thực.

Đó chính là ngôi nhà của một luật sư bào chữa tên Beisson. Ý tưởng về ngôi nhà được hình thành sau khi Beisson có cuộc vui thú 18 ngày trên Bà Nà vào năm 1918.

Vị luật sư xin chính quyền Pháp tại Đà Nẵng chấp nhận cho phép ông được xây một ngôi nhà trên đỉnh Bà Nà để ở.

Được làm từ tháng 5-1919, hai tháng sau thì ngôi nhà gỗ hoàn thành. Đây được xem là một dấu mốc của Bà Nà bởi từ đây đã có nhà dân, khiến đỉnh núi này không còn là địa điểm của riêng lực lượng kiểm lâm nữa"- ông Ánh nhận định.

Cũng trong thời điểm này, Toàn quyền Đông Dương công bố một bảng quy hoạch mới ở Bà Nà, tách một khu đất để xây dựng trung tâm dân cư trong tương lai.

Việc vẽ bản đồ và phân lô Bà Nà được thực hiện nhanh chóng, chỉ trong một thời gian rất ngắn các miếng đất ở đây đã có chủ, các đỉnh núi được khai phá và nhà cửa mọc lên.

100 năm Bà Nà - Kỳ 2: Những công trình đầu tiên - Ảnh 3.

Sân chơi dành cho trẻ em trong khách sạn Morin - Ảnh tư liệu

Tour đi Bà Nà gần 100 năm trước

Theo ông Ánh, sự bài bản của người Pháp trong việc khai phá Bà Nà không những được thể hiện rõ qua các ghi chép về đường đi, bản đồ quy hoạch mà còn trong những báo cáo về y khoa, dịch tễ, bệnh truyền nhiễm...

Sau khi một nhóm bác sĩ đến khảo sát Bà Nà và có tờ trình về giá trị "bổ dưỡng" của khí hậu châu Âu ở nơi này, công trình khách sạn đầu tiên ở đây mang tầm vóc hai tầng với 22 phòng ra mắt từ thời điểm tháng 5-1923 do thương gia Đà Nẵng Emile Morin làm chủ.

Có nhà khách nhưng để đưa khách tham quan lên núi cần phải có đường. Bấy giờ Bonlangé là chủ sự kiểm lâm vùng Trung Kỳ đã thực hiện tu sửa những con đường mòn lên núi, đường lui tới cao điểm 200 cũng được mở rộng để có thể đi được bằng ôtô. Nhờ thế lúc bây giờ người Pháp có thể "ăn sáng Tourane, ăn trưa Bà Nà".

Trong cuốn sách Những người bạn của cố đô Huế được xuất bản năm 1924, bác sĩ Sallet - người nhiều lần đến Bà Nà và chứng kiến sự đổi thay của nó - đã có nhận định về mặt y tế rằng đây là điểm nghỉ dưỡng "đủ tính chất hảo hạng". Sallet tính toán khi chính thức đón khách năm 1920, Bà Nà có 54 người lớn và trẻ nhỏ đến lưu trú; vào ba năm sau đó trung bình 120 người chủ yếu đến đây vào tháng 7-8.

Trong cuốn sách trên, bác sĩ Sallet cũng cung cấp thông tin du lịch lên Bà Nà. Theo đó tour Bà Nà phục vụ từ ngày 13-5 đến 15-7, khởi hành bằng xe hơi từ khách sạn Morin Đà Nẵng lúc 4g30 các ngày lẻ (thứ ba, năm, bảy) trong tuần. Lịch trình đến chân núi khoảng 6h và tiếp tục hành trình lên đỉnh bằng ghế gánh khoảng 11h.

Ngược lại, khởi hành từ Bà Nà về Đà Nẵng vào những ngày chẵn (thứ hai, tư, sáu). Kèm lịch trình là giá chỗ ngồi xe hơi, giá ký gửi hành lý, giá người giúp việc bản xứ, giá phu gánh ghế lên đỉnh núi... Mỗi chuyến đi chỉ nhận 10 khách và phải thông báo trước ít nhất 48 tiếng với hành lý tối đa 30kg.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương, đến năm 1924, theo thiết kế xây dựng Bà Nà do ông Spick ký thì tại đây có thêm một số bất động sản của cơ quan y tế, đường sắt, kiểm lâm, vận tải đường biển, đài quan trắc...

Ngoài ra, hạ tầng còn có các giếng nước, bể trữ nước mưa, bể giặt... Thêm vào đó là một số công trình nhà ở tư nhân của người Pháp, tuyệt nhiên không có nhà của người Việt. Những năm cuối thời Pháp thuộc ở đây có tới 170 ngôi nhà nghỉ mát bằng gỗ.

Theo ông Tương, giá ăn ngủ tại khách sạn Morin trên Bà Nà phải trả từ 8-9 đồng Đông Dương là rất cao so với mức lương tháng 6 đồng của giáo viên vùng nông thôn lúc bấy giờ.

banan3

Người Pháp trên đỉnh Bà Nà đầu thế kỷ trước - Ảnh tư liệu

Trong thời kỳ phát triển hoàng kim, Bà Nà là một thị trấn thu nhỏ phục vụ riêng cho người Pháp với các dịch vụ bưu điện, ngân hàng, sở điện báo, thậm chí có cả lò bánh mì, nhà giặt là, sân tennis...

Sau Cách mạng Tháng 8, Pháp kiều rút đi nên Bà Nà vắng bóng người. Khi thực dân Pháp trở lại vùng đất này, để ngăn chặn không cho địch tái chiếm Bà Nà, du kích dưới chân núi đã quyết liệt thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Vì thế, thị trấn giữa ngàn mây trở thành bình địa.

“Sau ngày thống nhất đất nước, gạch đá đổ nát từ Bà Nà được người dân địa phương tận dụng để xây nhà và hợp tác xã. Đặc biệt là nền gạch hoa và khung cửa bằng gỗ của các biệt thự rất được ưa chuộng” - ông Ánh nói.

Kỳ tới: Bí ẩn Bà Nà

TRƯỜNG TRUNG - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên