09/12/2013 06:08 GMT+7

10 triệu đồng quảng bá phim là rất bất thường!

CÁT KHUÊ thực hiện
CÁT KHUÊ thực hiện

TT - Nhà quay phim Lý Thái Dũng - phó giám đốc Hãng Phim truyện VN - đã thẳng thắn thừa nhận như thế với PV Tuổi Trẻ sau bài báo “Những người viết huyền thoại: Gian khó hành trình ra rạp” (Tuổi Trẻ ngày 8-12).

OZbo4BAt.jpg

Lý Thái Dũng - Ảnh: ĐPCC

* Không những giữ cương vị phó giám đốc Hãng Phim truyện VN - đơn vị chủ quản của bộ phim Những người viết huyền thoại (NNVHT), anh còn là giám đốc hình ảnh của phim này. Theo anh, NNVHT có khả năng thu hút khán giả không?

- Một bộ phim hay phải có cả hai yếu tố hút được khán giả đến rạp và giữ được khán giả chăm chú theo dõi tới giây phút cuối cùng. Theo tôi, NNVHT đúng là một phim như vậy. Tại sao lại có thể không thu hút khán giả chứ?

* Vậy mà phim vẫn chưa đến được với khán giả. Thế các phim của Hãng Phim truyện VN sản xuất thường sẽ được ra rạp theo cách nào, thu về bao nhiêu tiền, thưa anh?

- Trước đây, các phim do Nhà nước sản xuất thường do Phát hành phim VN (Fafilm VN) lo liệu. Khi bước vào kinh tế thị trường, phát hành phim không đủ sức cạnh tranh, các cụm rạp tư nhân hầu như không phổ biến do rất nhiều yếu tố. Lý do lớn nhất bởi phim nước ngoài, mà chủ yếu là Hollywood, chiếm lĩnh không chỉ ở VN mà trên toàn thế giới. Thế là đa số phim VN do Nhà nước đầu tư làm xong để dự liên hoan phim và chiếu phục vụ những ngày lễ rồi cất đi. Một số phim các hãng nhà nước cũng tự phát hành bằng mọi cách, nhưng hầu như doanh thu rất nhỏ.

* NNVHT có kinh phí sản xuất 10 tỉ đồng nhưng tiền quảng bá chỉ 10 triệu, anh có thấy đây là một sự bất thường không?

- Rất bất thường, bất thường ở mọi khâu chứ không chỉ riêng khâu quảng bá 10 triệu đồng. Bất thường từ cách tính tiền thù lao, sinh hoạt cho mọi con người tham gia đoàn phim, cho công nghệ, thiết bị... mà chiến lược quảng bá phát hành sản phẩm chỉ là khâu sau cùng trong cả một hệ thống tính toán bất thường ấy.

* Phim nhà nước làm xong thường chịu cảnh đắp chiếu nằm kho một phần cũng chỉ vì khâu phát hành không được chú ý. Anh có nghĩ đây sẽ là sự lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước - tiền thuế của dân - khi lẽ ra phim phải được chiếu và nên thu hồi được vốn để quay vòng đầu tư cho các phim khác?

- Đó là sự thật quá dễ nhận ra. Nhưng khi Nhà nước, các hãng phim nhà nước không có rạp thì không thể phát hành được. Một số rạp đang có thuộc về Nhà nước, do Nhà nước quản lý thì chất lượng rạp đa số là tồi tàn, công nghệ phổ biến sản phẩm lỗi thời.

* Và với riêng trường hợp của NNVHT, anh nghĩ sao về cách tự thân vận động của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng? Anh nghĩ hãng nên hỗ trợ xúc tiến ra sao để bộ phim này không chìm vào quên lãng, vừa phí tiền đầu tư vừa không còn hiệu quả tuyên truyền như mục đích đầu tư ban đầu?

- Lý do chính là Hãng Phim truyện VN quá nghèo để có thể bỏ kinh phí đầu tư tiếp ở khâu phát hành. Đã 10 năm rồi hãng chỉ trả được 50% tiền lương cho cán bộ công nhân viên. Với NNVHT thì chúng tôi cũng đang tìm mọi cách để phim đến được với người xem, nhất là dành cho thế hệ trẻ, họ cần phải được xem bộ phim này. Nhưng chúng tôi cố gắng không phải vì doanh thu. Giá trị tinh thần, hiểu biết lịch sử và thẩm mỹ là “lợi nhuận” lớn nhất mà hãng chúng tôi hướng tới.

Hãy tạo cơ hội

Là một nhà sản xuất, khi biết số tiền đầu tư cho phim NNVHT, tôi thật sự khâm phục những người làm phim và đạo diễn. Là một người xem, tôi thật sự xúc động khi phim làm tôi nhớ lại cả một thời tuổi thơ bom đạn, nhớ lại hình ảnh những người lính thật đẹp và kiên cường trong chiến tranh như những người bạn của ba tôi. Là một nhà phát hành, tôi nghĩ nếu cố gắng và được sự giúp đỡ của báo chí, của các cụm rạp chiếu, cùng những chiến dịch phát hành với giá cả hợp lý, nhiều người sẽ có cơ hội đến rạp xem một bộ phim cảm động về chiến tranh. Tôi nghĩ khán giả có nhu cầu, vấn đề là chúng ta hãy tạo điều kiện để nhiều người có cơ hội đến rạp và để nhiều người biết đến bộ phim đáng được xem này.

CÁT KHUÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên