Chiều tối 16-11, theo Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, đo tại số 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) lúc 17h, chất lượng không khí ở mức xấu, chỉ số PM2.5 (bụi mịn) ở mức 158 - Ảnh: NAM TRẦN
Theo báo cáo của ban tổ chức, năm 2020 có đến 10 tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc.
Báo cáo này được thực hiện bởi trường Đại học Công nghệ (Đại học quốc gia Hà Nội), Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.
Theo ban tổ chức, chất lượng không khí toàn quốc năm 2020 có phần cải thiện hơn so với 2019, tuy nhiên nhiều vùng và địa phương vẫn chịu ô nhiễm bụi PM2.5.
Trên phạm vi toàn quốc, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 có xu hướng giảm so với năm 2019. Năm 2019, toàn quốc có 13/63 tỉnh, thành phố có nồng độ PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.
Báo cáo được công bố, đã đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về ô nhiễm không khí cả về không gian, thời gian với dữ liệu được tổng hợp và phân tích từ trạm quan trắc tiêu chuẩn, thiết bị cảm biến tới dữ liệu vệ tinh.
Theo báo cáo này, Hà Nội là thành phố đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cao nhất. Nồng độ bụi trung bình cả hai năm 2019-2020 đều vượt quy chuẩn quốc gia, mặc dù ô nhiễm bụi PM2.5 năm 2020 giảm 16% so với năm 2019.
TP. HCM có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm đứng thứ 11 trong xếp hạng toàn quốc. Nồng độ trung bình năm 2020 của thành phố vẫn thấp hơn giới hạn cho phép của quy chuẩn quốc gia và giảm 13% so với nồng độ trung bình năm 2019.
Các dữ liệu tổng hợp cho thấy giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 đã phần nào giúp cải thiện chất lượng không khí toàn quốc và hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM.
Ban tổ chức khuyến nghị gì?
Dựa trên kết quả của báo cáo và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ban tổ chức đưa ra các khuyến nghị cụ thể:
1. Cần ứng dụng tiếp cận đa nguồn và dữ liệu mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh trong giám sát chất lượng không khí nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng môi trường không khí ở cấp quốc gia, vùng miền và tỉnh, thành.
2. Xây dựng bản đồ phân bố bụi PM2.5 chi tiết tới từng quận/huyện/thị xã tại các tỉnh, thành phố có ô nhiễm bụi PM2.5.
3. Đẩy mạnh các nghiên cứu để xác định đóng góp nguồn thải bụi PM2.5 và cho các chất ô nhiễm không khí khác, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố đang bị ô nhiễm.
4. Tăng cường mạng lưới trạm quan trắc chất lượng tiêu chuẩn của nhà nước trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố có ô nhiêm không khí.
5. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quan trắc bụi PM2.5 và các chất ô nhiễm không khí khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận