10. House on Haunted Hill (1999)
Trong khi bản phim gốc năm 1959 trở thành phim kinh dị kinh điển, được nhiều cây bút hết lời khen ngợi thì ngược lại "dị bản 1999" do William Malone dàn dựng bị cho là thiếu đầu tư chất xám, lạm dụng kỹ xảo không đúng chỗ, làm uổng phí nhân lực tham gia...
House on Haunted hill (1999)
Đặt ra tình huống khá hấp dẫn khi treo thưởng 1 triệu USD cho ai "sống sót" trong căn nhà ma đến ngày hôm sau.
Cả 5 thanh niên trẻ háo hức tham gia trò chơi cho đến khi phát hiện sự thật kinh hoàng.
Bộ phim tuy không được đánh giá cao nhưng vẫn huề vốn nhờ những cảnh hù dọa giật mình.
9. The Amityville Horror (2005)
Câu chuyện về sát nhân hàng loạt Ronald DeFeo Jr. có vẻ vẫn vẹn nguyên sức hấp dẫn, vì thế mặc cho phần làm lại chẳng có gì thú vị, khán giả cứ ùn ùn kéo tới rạp.
Doanh thu bộ phim gấp gần 10 lần kinh phí làm ra song bị các nhà phê bình chấm 2/10 điểm - điểm số dưới trung bình vì bị chê "giả".
The Amityville horror (2005)
Năm 1979, The Amityville Horror ra đời lần đầu tiên, dựa theo sự kiện có thật từng xảy ra tại Mỹ, đã khiến Hollywood choáng váng bởi mức độ bạo lực, tàn độc mà phim đem lại.
Tuy vậy, thật khó phủ nhận cách dàn dựng chuyên nghiệp, đầu tư đã giúp bản phim này giành đề cử Oscar cho Nhạc nền ly kỳ, rùng rợn.
8. Carrie (2013)
Không như hai phim trên, Carrie được đỡ đầu bởi Metro-Goldwyn-Mayer Pictures - một hãng phim lâu đời, cùng êkip nổi đình đám bấy giờ bao gồm nữ đạo diễn giỏi tay nghề Kimberly Peirce và hai thế hệ ngôi sao màn bạc: Chloë Grace Moretz và Julianne Moore.
Thế nhưng phiên bản 2013 không gây được bất ngờ, cũng như toát ra không khí đen tối tâm linh của tác phẩm năm 1974 rất nổi tiếng, mà ngược lại trông hơi giống kiểu phim dị nhân siêu anh hùng.
Việc khai triển tác phẩm theo góc nhìn khác hẳn bản gốc cũng như trong tiểu thuyết Stephen King dễ làm fan hâm mộ thể loại kinh dị hụt hẫng.
7. One Missed Call (2008)
Rất không công bằng nếu so một đạo diễn xoàng xoàng với Takashi Miike - bậc thầy phim cảm giác mạnh của Nhật bản. Vậy nên khi Hollywood làm lại One Missed Call từ bản gốc 5 năm trước, người hâm mộ cũng lường trước được kết cục.
Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng các nhà phê bình Mỹ thẳng tay loại trừ bộ phim, khiến nó nhận điểm 0 tồi tệ!
Giữ cốt truyện chính xoay quanh các cuộc gọi chết chóc, phiên bản Hollywood còn sử dụng lại một số cảnh quay gốc từ bản 2003 thế nhưng vẫn không thể tạo ấn tượng với công chúng.
Trang Rotten Tomatoes còn trao cho phim giải Phim bị chê bai nhiều nhất năm để... nhấn mạnh độ non tay khi remake lại tác phẩm nào đó.
6. Prom Night (2008)
Năm 1980, hai nhà phê bình danh tiếng Gene Siskel và Roger Ebert ra sức tẩy chay phim gốc, tuy nhiên tác phẩm lại thắng lớn với doanh thu ấn tượng - trở thành phim Canada ăn khách nhất năm.
Prom Night nghiễm nhiên được coi là một cult film (phim gây ấn tượng thời kỳ đó) và khiến Hollywood phải làm lại.
Vẫn hút khách nhờ những cú cắt cảnh giật mình, cộng với dàn diễn viên trẻ đẹp ăn hình... dù không được đánh giá cao ở mọi phương diện, phim vẫn không bị bù lỗ, nhất là nhà phát hành Sony Classics nỗ lực hết sức để PR cho phim.
5. A Nightmare on Elm Street (2010)
Với những khán giả trung thành của phim kinh dị, A Nightmare on Elm Street và Wes Craven mang dấu ấn đậm nét, nên khi New Line Cinema bắt tay remake (thực tế là reboot, làm mới hoàn toàn, chỉ vay mượn ý tứ), họ đã cộng tác với nhà sản xuất nổi tiếng Michael Bay để đảm bảo an toàn chất lượng cho phim.
Tác phẩm cũng là minh chứng cho việc có hai chiến tuyến khác nhau dành cho phim, phía phê bình "khước từ" trong khi khán giả gần xa đón nhận nhiệt liệt.
Phim thắng đậm với 115 triệu USD, cao nhất trong lịch sử phim Nightmare on Elm Street và ẵm giải People Choice.
4. The Omen (2006)
Thêm một minh chứng cho việc món ăn lạ chỉ nên ăn thử một lần, làm lại một phim rất thành công trước đó vừa dễ bị so sánh với bản gốc, vừa vấp phải lối rập khuôn trống rỗng kiểu "bình cũ rượu mới", thay đổi diễn viên nhưng chẳng sáng tạo thêm được ý tứ nào.
The Omen phiên bản 30 năm về trước so với bản mới nhất là một cuộc cách mạng của dòng phim kinh dị tâm linh qua hình ảnh một đứa trẻ quỷ nhập, ám hại cả gia đình.
Tác phẩm nhận đến hai đề cử Oscar, và là phim ăn khách nhất năm 1976. Trong khi phim làm lại dù vẫn đạt doanh thu khả quan và quy tụ nhiều sao nhưng gây tranh cãi dữ dội bởi người khen kẻ chê.
3. The Fog (2005)
Sau tiếng vang với Halloween, đạo diễn John Carpenter gây ấn tượng khi trở lại với đề tài kinh dị bằng câu chuyện về sương mù bao quanh thành phố Cali, gieo rắc nỗi sợ hãi và cái chết không hồi kết.
Thu hồi vốn nhanh chóng từ các loại hình giải trí như băng đĩa, phát sóng trên truyền hình… The Fog lọt vào mắt xanh của Revolution Studios - hãng sản xuất rất tâm huyết.
The Fog bị giới chuyên môn tẩy chay, EW còn chấm phim này điểm D, không kiêng nể John Carpenter vốn cũng xuất hiện trong êkip phim làm lại dưới vai trò thành viên tổ sản xuất.
Bộ phim cũng dẹp tan giấc mộng thành sao màn ảnh rộng của tài tử đang lên bấy giờ là Tom Welling.
2. The Wicker Man (2006)
Nếu như hầu hết các phim trên tuy bị chê bai thậm tệ nhưng vẫn còn kiếm tiền kha khá thì ngược lại đạo diễn Neil LaBute và tài tử qua thời Nicolas Cage phải hứng chịu hàng loạt… hậu quả: phim lỗ, ẵm trọn 5 đề cử Mâm xôi vàng, trong đó có Phim dở nhất và Nam chính dở nhất.
Điều đáng nói là Universal cất công chuẩn bị tiền kỳ cho phim từ chục năm trước song phút chót lại rút lui để… nhường cho một hãng phim bé hơn vận hành dự án.
Hãng phát hành Warner Bros. lúc đó còn phải xóa tên (theo đề nghị) đạo diễn bản gốc Robin Hardy vì ông xấu hổ với êkip làm lại.
1. Psycho (1998)
Quy tụ dàn diễn viên thực lực hùng hậu bao gồm Vince Vaughn, Julianne Moore, Viggo Mortensen, William H. Macy và đạo diễn đang lên Gus Van Sant cùng nhà phát hành danh tiếng Universal Pictures, thất bại của Psycho gây sốc với hai giải Mâm xôi vàng, thua lỗ trầm trọng và bị chê không tiếc lời.
Gus Van Sant nổi tiếng làm phim tâm lý tình cảm, vì thế khi thực hiện thể loại kinh dị, ông gần như sao chép một cách vụng về cuốn phim kinh điển của Alfred Hitchcock.
Một số cây bút khác thì cho rằng dù phim được xử lý tốt, mang tính thể nghiệm với một số hiệu ứng hình ảnh nhưng việc lặp lại quá nhiều khuôn hình cũ đã làm khán giả và giới chuyên môn chán ghét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận